Ba bước liên minh Mỹ-Anh vô hiệu tên lửa Iskander

Với sự kết hợp giữa radar Sampson của Anh cùng hệ thống chiến đấu Aegis của Mỹ có thể dễ dàng vô hiệu đòn đánh từ những tên lửa Iskander của Nga.

Ba bước chặn đứng Iskander

Nhận thấy sức mạnh tiềm năng từ sự kết hợp chiến đấu giữa Sampson và Aegis, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (BMDO) đang đổ tiền để người Anh nâng cấp hệ thống radar tối tân này.

Nguyên nhân khiến Mỹ sốt sắng trong sự hợp tác này là việc họ phát hiện ra rằng một khi radar Sampson được nâng cấp, có thể trở thành hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Chiến hạm Aegis của Mỹ.

Theo thông tin được công khai, kế hoạch sẽ được thực hiện qua 3 bước. Đầu tiên, radar Sapmson sẽ được nâng cấp với quy mô vừa phải, tập trung vào viêc tăng cường khả năng bám tên lửa đạn đạo ở khoảng cách lên tới 1.500km.

Trong giai đoạn này, thông tin mà radar Sapmson thu được sẽ truyền trực tiếp đến hệ thống chiến đấu Aegis của Mỹ qua liên kết dữ liệu Link-16, làm dữ liệu cơ sở để đạn tên lửa SM-3 thực hiện vai trò đánh chặn tên lửa đạn đạo của mình.

Bước tiếp theo của kế hoạch là thực hiện nâng cấp phần cứng với quy mô lớn đối dành cho radar Sapmson, anten 2.4m x 2.4m hiện nay sẽ được thay thế bằng anten mảng mới có kích thước 3.6m x 3.6m. Thay đổi này khiến cự ly phát hiện sục sạo tìm tên lửa đạn đạo tăng lên đáng kể, trên 2.000km.

Ở giai đoạn cuối, Mỹ hy vọng khu trục hạm của Hải quân Hoàng gia Anh trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo hoàn toàn mới (bản nâng cấp của Aster) giúp nó có thể hoàn thành việc tìm và đánh chặn tên lửa đạn đạo độc lập mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Một khi hoàn thành kế hoạch, Mỹ và đồng minh Anh tin rằng, không một tên lửa đạn đạo chiến thuật nào - kể cả Iskander của Nga có thể thoát khỏi tai mắt của họ và đánh chặn chỉ là chuyện nhỏ của hệ thống vũ khí này.

Nga khiến phương Tây phát sốt

Ngay trước khi Mỹ và Anh công bố kế hoạch liên thủ của mình, Nga đã công bố tăng tầm bắn cho tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M khiến Mỹ và đồng phát sốt.

"Vấn đề tăng khả năng chiến đấu của tổ hợp Iskander-M có thể giải quyết bằng cách tạo ra dòng đạn tên lửa mới có tầm bắn và độ chính xác cao hơn", đại diện Bộ Quốc phòng Nga thông báo.

Hai phiên bản Iskander của Nga khiến phương Tây bất an.

Mặc dù vậy, Nga không tiết lộ cụ thể về bản kế hoạch này. Được biết, tổ hợp Iskander-M hiện đang sử dụng 2 dòng đạn tên lửa là: Đạn tên lửa có thể cơ động quỹ đạo 9M723 với tầm bắn 400km và đạn tên lửa hành trình 9M728 với tầm bắn 500km.

Tuy nhiên, kể cả khi Iskander-M chưa được tăng tầm thì tầm bắn phiên bản K của Iskander cũng đủ khiến đối thủ của Nga khiếp sợ. Bởi Iskander-K có tầm bắn từ 500 km đến trên 2.000 km, CEP chỉ khoảng 7 mét. Nó được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai ở khu vực châu Âu.

Tên lửa này có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Ngoài ra, còn có những đồn đoán tên lửa Iskander-K có thể đạt tốc độ siêu thanh Mach 5. Mặc dù thông tin chính thức về Iskander-K vẫn còn khá khiêm tốn nhưng như vậy là quá đủ khiến các nước NATO lo lắng. Bởi theo nguồn tin này ngoài bản M, Nga cũng đã bắt đầu trang bị phiên bản Iskander-K tại Kaliningard.

Phó Tổng thư ký NATO, ông Rouz Gettemyuller trong cuộc phỏng vấn với tờ Kommersant đã thông báo rằng, việc Nga triển khai các tổ hợp phòng thủ tên lửa Iskander-K ở khu vực Kaliningrad nhằm tăng cường kiểm soát không phận khu vực này và trở thành mối đe dọa an ninh đối với họ và cả châu Âu.

Ông Gettemyuller còn cho biết thêm rằng, Nga đã thử nghiệm tên phóng tên lửa hành trình, điều này vi phạm nghiêm trọng Hiệp ước hạn chế phát triển tên lửa tầm trung (INF).

Không chỉ ông Gettemyuller, các chính trị gia phương Tây đều khẳng định mối nguy hiểm mới đến từ Nga. Người đứng đầu tổ chức tình báo Đức Bruno Kahl trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Der Spiegel đã nhấn mạnh rằng, mối đe dọa đến từ Nga đang ngày càng tăng cường và phát triển.

"Nga đã tăng gấp đôi sức mạnh chiến đấu của họ ở biên giới phía Tây. Không đơn thuần chỉ tổ hợp Iskander, còn có nhiều máy bay ở khu vực Crimea và các lưc lượng vũ trang khác. Hành động này không đơn giản chỉ là phòng thủ chống phương Tây. Điều này được xem là mối đe dọa tiềm tàng đối với châu Âu", ông cho biết.

Trước thực tế này, truyền thông Nga cho rằng kể cả khi ba bước liên thủ giữa Mỹ và Anh hoàn thành, phương Tây vẫn không thể kê cao gối mà ngủ bởi sự bất minh trong hoạt động quân sự của mình và buộc họ phải đối mặt với sức mạnh quân sự Nga không chỉ có Iskander.

Clip tên lửa Iskander-K phô diễn sức mạnh

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ba-buoc-lien-minh-my-anh-vo-hieu-ten-lua-iskander-3340820/