Australia-Mỹ mạnh tay với ngân hàng 'bẩn'

Australia vừa quyết định mở cuộc điều tra độc lập đối với Commonwealth Bank of Australia (CBA), ngân hàng lớn nhất Australia, với cáo buộc vi phạm luật chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Ngân hàng Societe Generale

Ngày 28-8, Cơ quan quản lý các dịch vụ tài chính Australia (APRA) tiến hành điều tra về việc quản lý và trách nhiệm giải trình của CBA. Lãnh đạo APRA Wayne Byres tuyên bố, mục đích chính của cuộc điều tra là nhằm cung cấp cho CBA những khuyến nghị về tổ chức và thay đổi văn hóa.

Chủ tịch CBA Catherine Livingstone thừa nhận những bê bối liên quan đến CBA thời gian qua đã làm suy giảm lòng tin của người dân đối với ngân hàng này, và hy vọng các bên điều tra độc lập sẽ xem xét những gì CBA đã thực hiện và đưa ra những khuyến nghị để ngân hàng này có thể làm tốt hơn.

Chủ tịch Ủy ban An ninh và đầu tư Australia (ASIC) Greg Medcraft xác nhận với Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ASIC sẽ điều tra chi tiết vụ việc kể trên. Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia Phillip Lowe cũng coi đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, và CBA phải có trách nhiệm giải trình.

Hơn 20 ngày trước (11-8), giới chức Australia cho biết, sẽ mở cuộc điều tra sau khi Cơ quan Tình báo tài chính (Austrac) kiện CBA với cáo buộc vi phạm luật cấm rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo hãng Bloomberg, CBA vi phạm luật rửa tiền và chống tài trợ khủng bố tới 53.700 lần.

Theo đơn kiện của Austrac, các máy rút tiền mặt tự động của CBA cho phép các khoản tiền gửi vô danh chảy về tài khoản của những người nhận có thể dùng số tiền này chuyển tới các tài khoản khác hoặc chuyển ra nước ngoài. Austrac còn cáo buộc CBA không giao nộp 53.506 báo cáo sao kê giao dịch tiền mặt, chưa báo cáo những vấn đề đáng ngờ đúng lúc hoặc không báo cáo các giao dịch với tổng số tiền trị giá hàng trăm triệu USD.

CBA cho biết, đang thảo luận và hợp tác đầy đủ với Austrac để giải quyết vụ kiện này. Theo giới truyền thông, với những cáo buộc kể trên, CBA sẽ phải đối mặt với khoản phạt lên tới gần 800 tỷ USD.

Bộ Tư pháp Mỹ vừa quyết định truy tố 2 cựu quan chức quản lý ngân hàng Pháp Societe Generale là Danielle Sindzingre và Muriel Bescond, vì tội thao túng lãi suất (gọi là lãi suất LIBOR). Đây là vụ bê bối mới nhất liên quan tới lãi suất LIBOR trong bối cảnh giới chức Mỹ mở rộng điều tra các vụ thao túng LIBOR trong mấy năm qua.

CBA đang phải đối mặt với cáo buộc vi phạm luật chống rửa tiền và tài trợ khủng bố

Lo ngại việc lãi suất LIBOR có thể dễ dàng bị các ngân hàng toàn cầu thao túng, giới chức Anh mong muốn, LIBOR sẽ ngừng sử dụng vào năm 2021. Trong cáo trạng công bố hôm 24-8, Bộ Tư pháp cho biết, 2 đối tượng kể trên bị cáo buộc 4 tội danh về việc đưa thông tin giả về thị trường gây ảnh hưởng tới hàng hóa và 1 tội danh âm mưu đưa báo cáo sai lệch.

Được biết, 2 đối tượng này đã lợi dụng chức vụ khi làm việc tại ngân hàng Societe Generale ở thủ đô Paris (giai đoạn 2010-2011), đưa ra thông tin sai lệch cho các hợp đồng giao dịch bằng đồng USD, gây thiệt hại 170 triệu USD cho thị trường tài chính thế giới.

Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phạt BNP Paribas (ngân hàng hàng đầu của Pháp và đứng thứ 4 thế giới) 246 triệu USD do không giám sát nhân viên giao dịch ngoại hối, để lọt hành vi thao túng giá giao dịch.

Fed cho rằng, BNP Paribas đã không biết các giao dịch viên thiết lập những phòng trò chuyện điện tử bí mật để liên hệ với các đối thủ cạnh tranh và định giá giao dịch và việc này phải lập tức thay đổi. Đây không phải lần đầu ngân hàng BNP Paribas bị Mỹ phạt bởi trước đó họ mới phải chi 350 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan tới các giao dịch tiền tệ bất hợp pháp lừa dối khách hàng. BNP Paribas đã vi phạm nghiêm trọng trong khoảng thời gian 2007-2011./.

Ngày 28-8, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, đã phạt ngân hàng Permanent TSB của Ireland do vi phạm các quy định về thanh khoản. Đây là lần đầu tiên ECB đưa ra quyết định như vậy sau khi trở thành người điều hành trong lĩnh vực ngân hàng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) năm 2014.

Và là lần đầu tiên Cơ chế Giám sát chung (SSM) của ECB vận dụng quyền hạn của mình để đưa ra án phạt như vậy. Vi phạm của Permanent TSB liên quan đến tỷ lệ thanh khoản ngắn hạn, và ECB đã đưa ra mức phạt 2,5 triệu euro./.

Bắc Ninh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//bat-dong-san/australiamy-manh-tay-voi-ngan-hang-ban-353002.html