ATM: Lượng cao chất thấp

(ĐTTCO) - Thị trường thẻ NH đã phát triển với tốc độ nhanh và các NH cũng thu một khoản phí khá lớn từ số lượng thẻ đã phát hành. Tuy nhiên, phát hành thẻ số lượng lớn và áp dụng nhiều loại phí, nhưng chất lượng phục vụ của hệ thống ATM vẫn còn nhiều yếu kém, gây phiền toái cho người dùng. Việc phát triển các dịch vụ cộng thêm trên ATM cũng chưa được đẩy mạnh, nên đến nay máy ATM vẫn chủ yếu để rút tiền mặt.

ATM chỉ để rút tiền mặt

Theo Hội thẻ NH Việt Nam, đến năm 2015 số lượng thẻ NH trên cả nước đạt gần 86 triệu, tăng 30% so với cuối năm 2013. Trong đó, trên 80 triệu thẻ ghi nợ nội địa (ATM), trên 2,5 triệu thẻ tín dụng và một số loại thẻ khác. Trong đó, số lượng thẻ lưu hành thực tế vào khoảng 63,5 triệu. Tuy nhiên, theo số liệu của NHNN, tính đến quý IV-2015, tổng số lượng thẻ đã phát hành lũy kế không phân theo phạm vi và nguồn tài chính đạt đến 99,52 triệu thẻ. Cùng với đó, các NH đã đầu tư 16.937 máy ATM và 223.381 thiết bị thanh toán thẻ như POS/EFTPOS/EDC.

Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định mức phạt 10-15 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo NHNN và không thông báo cho khách hàng trong trường hợp máy ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ; không giám sát mức tồn quỹ tại ATM, không bảo đảm máy ATM phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định… Nhưng thực tế, việc xác định thời điểm máy ATM hết tiền hay bị lỗi để tính giờ là điều khó khăn.

Trên thị trường thẻ, hiện số lượng thẻ ATM đang chiếm áp đảo. Về lý thuyết, thẻ ATM chỉ là phương tiện để NH xác định đúng chủ thẻ khi giao dịch trên các thiết bị tự động, bao gồm ATM, POS, kiok banking (máy giao dịch thanh toán)… Tuy nhiên, từ lúc ra đời đến nay, thẻ ATM luôn gắn liền với mục đích rút tiền từ máy ATM. Cũng vì lý do này, nhiều năm nay dù các NH đầu tư một lượng lớn máy POS nhưng lượng giao dịch trên ATM cao gấp nhiều lần so với giao dịch thanh toán qua POS. Con số thống kê cho thấy số lượng máy POS/EFTPOS/EDC phát triển nhanh so với lượng giao dịch qua các thiết bị này, còn tốc độ phát triển máy ATM so với lượng giao dịch qua máy ATM chậm hơn nhiều. Cụ thể số lần giao dịch tại máy ATM năm 2015 đạt đến con số 176.502.329, giá trị giao dịch đạt 416.132 tỷ đồng. Trong khi đó lượng giao dịch qua máy POS/EFTPOS/EDC chỉ đạt 17.330.074 với giá trị giao dịch 54.630 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực dịch vụ ATM, DongA Bank được xem là một trong những nhà băng hàng đầu. Theo đó, NH này tập trung việc phát triển dịch vụ ATM khi chế tạo hàng loạt máy ATM tiện ích như ATM TK21, với khả năng nhận tiền mặt trực tiếp 100 tờ với nhiều mệnh giá khác nhau trong một lần gửi; ATM lưu động; ATM Gold bán vàng tự động; máy H38N nhận dạng, nạp tiền vào tài khoản thẻ cho gần 30 loại ngoại tệ với các loại mệnh giá phổ thông; đổi ngoại tệ với khách hàng không sử dụng thẻ DAB hay khách nước ngoài; mua thẻ cào để phục vụ khách hàng không thể dùng thẻ... Năm 2014, DongA Bank đã triển khai 250 máy ATM thế hệ mới với nhiều chức năng như nạp tiền vào tài khoản có nhiều mệnh giá cùng lúc lên tới 200 tờ; công nghệ chụp serial từng tờ tiền và in biên lai, báo có trong tài khoản ngay lập tức. Tuy nhiên, khách hàng chỉ tò mò sử dụng những tính năng này trong thời gian đầu, về sau người dùng ATM vẫn chưa tận dụng hết các tính năng ưu việt đã được triển khai.

Nhiều vấn đề bất cập

Do tâm lý chung vẫn dùng máy ATM để rút tiền mặt, nên nhiều NH cho đến nay chỉ dừng ở việc đầu tư máy ATM thông thường, chưa có nhiều NH đưa ra ý tưởng phát triển để gia tăng dịch vụ ATM. Chẳng hạn, giao dịch chuyển tiền từ máy ATM đến tài khoản khác rất dễ dẫn đến lỗi và phải đến các chi nhánh, phòng giao dịch để được hỗ trợ xử lý, khiến khách hàng ít sử dụng đã gây cản trở sự phát triển các loại hình dịch vụ trên máy ATM.

Song song đó, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai áp dụng nhưng loạn mức phí, cà thẻ qua máy POS thường xuyên xảy ra giao dịch lỗi, dẫn đến tâm lý sợ mất tiền oan nên người dân vẫn chuộng dùng tiền mặt. Việc đổ xô rút tiền mặt tại máy lại gây ra sự quá tải đối với hệ thống ATM và gia tăng chi phí hoạt động của ngành NH. Cứ đến dịp lễ tết, NHNN phải lên kế hoạch thu, chi tiền mặt với các NHTM đảm bảo đủ tiền mặt cho máy ATM, hệ thống thanh toán điện tử liên NH phải kéo dài thời gian hoạt động so với ngày thường để đáp ứng nhu cầu giao dịch thanh toán tăng cao. Phía các NHTM phải cắt cử nhân lực để giám sát tồn quỹ máy ATM nhằm bổ sung kịp thời, không gây ách tắc việc rút tiền của người dân.

Về phía người dân, khi lượng thẻ ATM gia tăng, NH lại tận thu bằng nhiều khoản phí. Thống kê sơ bộ, mỗi thẻ ATM được áp dụng gần 30 loại phí dịch vụ. Trong đó một số loại phí bắt buộc phải chịu như số dư tối thiểu, phí rút tiền, phí chuyển khoản, phí truy vấn số dư… Số dư tối thiểu theo quy định của các NH khi khách hàng mở thẻ khoảng 50.000-100.000 đồng. Đây là số tiền không lớn đối với mỗi thẻ ATM và ít người quan tâm. Nhưng nếu nhân với hơn 80 triệu thẻ ATM đã được phát hành, các NH cũng đã có được khoản khổng lồ từ nguồn này.

Cùng với đó, một số NH đang áp dụng phí rút tiền cùng hệ thống là 1.100 đồng và 3.300 đồng đối với khác hệ thống trong khi hạn mức giao dịch tối đa của một lần rút tiền chỉ 5 triệu đồng. Nếu muốn rút hết hạn mức cho phép trong 1 ngày là 20 triệu đồng phải mất đến 4 lần rút tiền, phí rút tiền cũng nhân 4. Bên cạnh đó còn nhiều khoản phí như phí cấp lại mã PIN, phí cấp lại thẻ, phí đóng tài khoản, phí tài khoản đồng sở hữu. Ngoài ra, NH còn sinh thêm nhiều loại phí dụng như phí SMS, phí dịch vụ internet banking, phí tài khoản số đẹp…

Bất cập hiện nay là trên một địa bàn có rất nhiều NHTM với hệ thống ATM rộng khắp, nhưng người lao động lại tập trung xếp hàng dài rút tiền ở máy ATM của một NH. Song song đó, tình trạng một người sở hữu đến 3-4 thẻ ATM của các NH khác nhau cũng đang gây ra sự lãng phí rất lớn. Rất nhiều khách hàng phản ánh, dù không sử dụng nhưng NH cũng không thông báo cắt thẻ hay khóa thẻ. Có NH thu trước phí SMS banking báo biến động số dư đối với khách hàng đăng ký dịch vụ 100.000 đồng, nhưng dù tài khoản không hoạt động từ ngày mở thẻ vẫn bị trừ mỗi tháng 8.800 đồng và ngưng khi trừ hết khoản tiền này. Vì vậy, dù lượng thẻ phát hành lớn và thu được khoản phí không nhỏ trong phát hành thẻ ATM, nhưng dịch vụ ATM của các NH Việt Nam vẫn bị đánh giá kém chất lượng.

Đỗ Linh

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160413/atm-luong-cao-chat-thap.aspx