ASEAN thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số

Tại Hội nghị Hội đồng kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 22 được tổ chức tại Jakarta, Indonesia vào đầu tháng 5/2023, Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết các nước ASEAN đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ khởi động tiến trình đàm phán Hiệp định khung về kinh tế số ASEAN (DEFA) vào quý III/2023.

Tháng 6/2022, Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) công bố báo cáo đặc biệt với tiêu đề “Miêu tả tương lai số của ASEAN: Thách thức chính sách mới xuất hiện”. Báo cáo này tập trung vào các chủ đề nóng trong quá trình phát triển nền kinh tế số của ASEAN, quan tâm nhiều đến những thách thức mới mà khu vực này phải đối mặt trong thời đại số và thảo luận về xu hướng chuyển đổi số của các quốc gia Đông Nam Á trong tương lai.

Bùng nổ

Thương mại điện tử và dịch vụ phân phối đang phát triển nhanh chóng. Do các biện pháp phòng dịch kéo dài, hạn chế đi lại và khách hàng ít, nên hầu hết các cửa hàng bán lẻ buộc phải đóng cửa dài ngày, người dân ASEAN tìm đến thương mại điện tử để đáp ứng hầu hết nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Chính phủ và các nền tảng thương mại điện tử lớn cũng đưa ra các biện pháp hỗ trợ tương ứng để khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ bán sản phẩm trực tuyến.

Các thành viên bày tỏ sự đoàn kết tại Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số ASEAN lần thứ 3.

Ngoài sự bùng nổ của thương mại điện tử, thanh toán số ở Đông Nam Á cũng đã mở rộng đáng kể kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo báo cáo của ngân hàng HSBC, tính đến năm 2030, khối lượng thanh toán số trong ASEAN sẽ tăng gấp 3 lần, lên đến 1.500 tỷ USD. Để hỗ trợ sự tăng trưởng thần tốc của thanh toán số, ASEAN cần có cơ sở hạ tầng cần thiết. Chẳng hạn như Singapore với Pay Now hay Thái Lan với Prompt Pay.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới trong 10 năm tới. Nhiều dịch vụ sẽ được chuyển sang thế giới ảo và tạo ra số lượng dữ liệu theo cấp số nhân, đồng thời việc ngày càng phụ thuộc vào trung tâm dữ liệu sẽ trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Tuy nhiên, sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia trong khối cũng sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của thị trường và xã hội tiêu dùng, tác động đến sự phát triển của kinh tế số.

Rủi ro

Rủi ro chính sách và kinh doanh là những vấn đề được chỉ ra trong quá trình số hóa của nền kinh tế ASEAN. Thứ nhất, đó là luồng dữ liệu xuyên biên giới bị hạn chế. Các chính phủ ASEAN đều nhận thức được tầm quan trọng của quản trị dữ liệu số, nhưng mỗi quốc gia thành viên lại có các biện pháp khác nhau. Nỗ lực áp dụng Khung quản lý dữ liệu xuyên biên giới ASEAN vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, chỉ có một số ít quốc gia đã xây dựng hệ thống thúc đẩy luồng dữ liệu xuyên biên giới nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.

Một thách thức khác là thiếu động lực bảo đảm tiêu chuẩn dữ liệu trong giới doanh nghiệp. Hệ thống Quy tắc bảo mật xuyên biên giới của APEC (CBPR) được chính phủ ủng hộ, dùng để chứng minh các công ty tuân thủ các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ áp dụng chứng nhận này là rất thấp. Trong nội bộ ASEAN, một số nước đã đưa ra các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc bản địa hóa dữ liệu cá nhân, điều này có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp có hoạt động số xuyên biên giới.

Thứ 2, đó là cơ sở hạ tầng của ASEAN phát triển chưa hoàn thiện. Trên khắp Đông Nam Á, các cơ sở hạ tầng then chốt như chưa kết nối cáp quang và mạng băng thông rộng vẫn tụt hậu. Các khu vực nông thôn và kém phát triển của quốc gia Đông Nam Á đối mặt với các vấn đề kết nối Internet kém, tỷ lệ phổ cập Internet và điện thoại di động thấp. Tuy một số thành viên ASEAN đang đầu tư mạnh vào công nghệ 5G và thậm chí 6G, nhưng hầu hết các nước vẫn sử dụng mạng 3G với chất lượng kết nối chưa cao.

Cuối cùng là rủi ro địa chính trị và chuỗi cung ứng. Câu chuyện Huawei và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã dẫn đến cuộc tranh luận giữa chính phủ các nước về việc có nên cho phép sử dụng cơ sở hạ tầng 5G của Huawei hay không, buộc ASEAN phải lựa chọn giữa 2 cường quốc là Trung Quốc và Mỹ.

Chính sách thúc đẩy

Tháng 1/2021, ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của số hóa thông qua Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM) được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số ASEAN lần thứ nhất. ADM thiết tưởng ASEAN là cộng đồng số và tập đoàn kinh tế hàng đầu, đồng thời được hỗ trợ bởi các dịch vụ số an ninh và mang tính cách mạng, hệ thống kỹ thuật và sinh thái.

Kế hoạch tổng thể nhấn mạnh 5 lĩnh vực trọng điểm: Cơ sở hạ tầng bền vững, đổi mới kỹ thuật số, vận chuyển liền mạch, quản lý ưu việt và nhân sự lưu động. Trước khi kế hoạch này được thông qua, ASEAN đã thực hiện các biện pháp khác để sửa đổi các quy tắc thương mại xuyên biên giới và tăng cường kết nối số. Thỏa thuận quan trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử là Thỏa thuận thương mại điện tử ASEAN được ký kết năm 2019 và có hiệu lực vào năm 2021. Thỏa thuận này nhằm thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới và nâng cao tính minh bạch của các quy định về thương mại điện tử ASEAN. Ngoài ra, Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số ASEAN vào tháng 1/2021 đã phê chuẩn Khung quản lý dữ liệu số ASEAN (DMF) và Điều khoản hợp đồng mẫu cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới ASEAN (MCCs).

Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN và Thỏa thuận thương mại điện tử năm 2025 là bước tích cực đầu tiên hướng tới đoàn kết các quốc gia Đông Nam Á trong các vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần có sự phối hợp, những vấn đề này nằm ngoài khả năng của ASEAN, DMF và MCCs của ASEAN là “pháp luật mềm”, không thể bắt buộc các quốc gia thành viên tuân thủ trong mọi trường hợp, trong đó có vấn đề chủ yếu nhất vẫn là sự lạc hậu của cơ sở hạ tầng vận tải cùng với chính sách thiếu nhất quán về dữ liệu số xuyên biên giới giữa các nước ASEAN.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/asean-thuc-day-chuyen-doi-kinh-te-so-i702174/