ASEAN rút tuyên bố về Biển Đông: Không khó đoán vì...

Việc ASEAN rút lại tuyên bố về biển Đông chứng tỏ nội bộ nhóm đang tồn tại nhiều mâu thuẫn, bất đồng, chưa có sự thống nhất chung.

Trung Quốc tìm cách gây sức ép

Liên quan đến việc Ban Thư ký ASEAN quyết định rút lại tuyên bố về biển Đông sau hội nghị với phía chủ nhà Trung Quốc tại Côn Minh hôm 14/6 sau vài giờ công bố với truyền thông mà không đưa ra lời giải thích nào, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Anh Sơn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định cá nhân ông không hề bất ngờ trước hành động trên.

“Trung Quốc tìm mọi cách để gây sức ép riêng rẽ với từng thành viên của ASEAN dẫn đến việc Hội nghị khộng thể ra tuyên bố chung, mặc dù trước đó các nước đã thông qua. Thậm chí có những thành viên riêng rẽ trong khối ASEAN đã công bố văn bản chính thức như một nghị quyết chính thức của tổ chức này.

Một hội nghị được tổ chức tại Trung Quốc thì chắc chắn nước này không thể chấp nhận việc để ASEAN đưa ra tuyên bố hết sức bất lợi cho Bắc Kinh. Trung Quốc làm theo đúng bản chất từ xưa vốn có, đó là bằng mọi cách kể cả sức ép về kinh tế, về chính trị để cộng đồng ASEAN không thể đưa ra một tuyên bố chung.

Điều này cũng giống như hội nghị năm 2012 được tổ chức tại Campuchia. Khi đó ASEAN cũng không thể ra tuyên bố chung vì Trung Quốc đưa ra những hứa hẹn và hỗ trợ về kinh tế, quân sự, quốc phòng nhằm lôi kéo, dụ dỗ thậm chí de dọa an toàn đối với các thành viên ASEAN”, ông Sơn khẳng định.

Cùng đưa ra nhận định, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định việc ASEAN chưa có vai trò quyết định trong cấu trúc an ninh khu vực là một điểm yếu được Trung Quốc lợi dụng và tận dụng triệt để nhằm chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất của khối.

“ASEAN thiếu sự cố kết, vẫn bị ‘dẫn dắt’ bởi lợi ích quốc gia nên càng bị chia rẽ bởi các quốc gia bên ngoài trong việc giải quyết không ít vấn đề. Trong khi ở khu vực Biển Đông tình trạng ‘ăn miếng, trả miếng’ ngày càng diễn ra phức tạp, tiếp cận đơn phưng vẫn đang thống trị, tâm lý ngờ vực đang tiềm ấn cả ở góc độ quân sự và ngoại giao, cả trong dân chúng lẫn các Chính phủ.

Lòng tin chiến lược của các nước ASEAN đối với các cường quyền chính trị vẫn còn thiếu. Nên trong thực tế, một số nước ASEAN đang tìm liên minh quân sự hoặc có những động tác ‘ngoại giao’ lừng chừng với Trung Quốc hoặc với Mỹ”, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi đánh giá.

ASEAN khó đạt được đồng thuận về biển Đông

Với việc rút lại tuyên bố về biển Đông, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng ASEAN khó lòng có thể đạt được sự đồng thuận về biển Đông khi nội tại các nước vẫn tồn tại những lợi ích cá nhâ riêng rẽ.

“Tình hình hiện tại, tôi cho rằng ASEAN sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được sự thống nhất nhận thức trong vấn đề biển Đông. Đặc biệt, 4 nước liên quan trực tiếp tới những tranh chấp biển Đông, trong đó có Việt Nam sẽ chịu sức ép lớn khi đàm phán về vấn đề này với

Trung Quốc nhất là khi Bắc Kinh đang thực hiện một chiến dịch ngoại giao ráo riết để lôi kéo sự ủng hộ của các nước khác nhằm chống lại phán quyết sắp tới của PCA.

Tôi tin rằng các nước không liên quan nhiều đến biển Đông lên tiếng ủng hộ Trung Quốc thì sau này họ sẽ phải hối hận trước tham vọng của Trung Quốc”, ông Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi bày tỏ sự lo ngại khi hiện nay đang xảy ra câu chuyện “bó đũa” trên biển Đông trước sức ép về mặt kinh tế và chính trị từ phía Trung Quốc.

“Trong mối quan hệ bất đối xứng giữa Trung Quốc và các nước nhỏ ASEAN, Bắc Kinh ngày càng lộ rõ thái độ bắt nạt và ngạo mạn. Gia tăng sức ép về mặt chính trị và kinh tế đối với Cộng đồng ASEAN, Bắc Kinh muốn tạo ra lợi ích kép nếu ‘bó đũa’ ASEAN không tạo thành ‘cột cờ’ hợp lực các nước nhỏ.

Từ vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh sẽ đi xa hơn trong việc làm suy yếu Cộng đồng ASEAN mới và non trẻ. Đây là điều các nước trong Cộng đồng này phải tính đến, không mất cảnh giác và không để mất vị trí và vai trò quan trọng của mình trong cấu trúc kinh tế-an ninh khu vực”, PGS.TS Hồi phân tích.

Trước những vấn đề trên, vị chuyên gia lưu ý, ASEAN phải chủ động tái cấu trúc, phải đoàn kết, chủ động liên kết và kiên quyết tăng cường sức mạnh nội khối để đối phó với các thủ đoạn của Trung Quốc.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-hinh-bien-dong-van-de-bien-dong/asean-rut-tuyen-bo-ve-bien-dong-khong-kho-doan-vi-3311501/