ASEAN - Đoàn kết với lòng tin vượt qua thử thách

Trong giai đoạn bất định này, chủ đề 'Gắn kết và Chủ động thích ứng' của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN là rất phù hợp.

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong.

ASEAN là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Singapore. Kể từ khi ASEAN thành lập năm 1967, toàn khu vực đã có những bước tiến dài. Khi đó, khu vực vẫn chưa có hòa bình và chúng ta còn ít liên kết hơn rất nhiều so với ngày nay. ASEAN hiện có dân số khoảng 650 triệu dân với cả nghìn ngôn ngữ và tiếng địa phương khác nhau; trải dài qua 10 quốc gia với cơ cấu chính trị, kinh tế và xã hội riêng biệt.

Mặc dù có sự đa dạng, ASEAN đã giúp chúng ta duy trì hòa bình và ổn định, và cùng nhau phát triển các nền kinh tế. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một hệ thống đa phương tự do, mở cửa và dựa trên luật lệ vốn đã là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng ASEAN đang đối mặt với áp lực ngày một gia tăng. Trật tự quốc tế đang ở thời điểm bước ngoặt; và cạnh tranh giữa các nước lớn đang gia tăng mạnh mẽ. Duy trì sự thống nhất, vai trò trung tâm và giá trị của ASEAN đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong giai đoạn bất định này, chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN là rất phù hợp. Trong bối cảnh cả 10 quốc gia thành viên ASEAN đã và đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cuộc chiến đấu chống lại đại dịch và những hệ lụy của nó đang là ưu tiên hàng đầu. Điều này tạo cho ASEAN động lực đoàn kết không chỉ để vượt qua bão táp, mà còn vươn lên mạnh mẽ hơn. Vai trò lãnh đạo quyết đoán của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN thực sự có ý nghĩa quan trọng khi chúng ta đương đầu với thách thức lịch sử này.

Cuộc khủng hoảng này là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của đoàn kết với lòng tin vượt qua thử thách cùng nhau. Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi căn bản toàn cầu hóa. Tuy nhiên, cho dù thế giới hậu đại dịch định hình ra sao, ASEAN cần chống lại cám dỗ của sự hướng nội và quay lưng lại với nhau.

Thay vào đó, ASEAN phải liên tục thích ứng và phát triển để theo kịp thế giới hậu đại dịch, cả trên bình diện chính trị và kinh tế. Chúng ta phải có quan điểm táo bạo hơn, bao trùm hơn và dài hạn hơn về các lợi ích chung và cho nhau lý do lớn hơn để duy trì đoàn kết.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ASEAN là triển khai những bước đi dứt khoát để tăng cường hội nhập kinh tế. Đây là một ưu tiên đối với vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam mà Singapore hoàn toàn ủng hộ. Làm được điều này, ASEAN sẽ tăng cường cách tiếp cận về giá trị tập thể đối với các đối tác chiến lược của mình.

RCEP là một mảnh ghép quan trọng trong bài toán này và sẽ mở đường cho chúng ta tăng cường kết nối kinh tế và mang lại sự đoàn kết và vai trò trung tâm cho ASEAN. Singapore hy vọng RCEP sẽ được ký kết trong năm nay. Thay vì để chúng ta bị các thế lực bên ngoài lôi kéo theo nhiều hướng khác nhau, ASEAN với tư cách là một lực lượng kinh tế đáng tin cậy có thể đóng vai trò dẫn dắt.

Điều quan trọng là, hội nhập kinh tế sâu hơn sẽ đưa toàn khu vực xích lại gần nhau theo nhiều phương cách hữu hình. Chỉ một ASEAN đoàn kết mới thực sự có giá trị lớn hơn phép cộng đơn thuần của các quốc gia thành viên.

Hướng tới tương lai, chúng ta cần tiếp tục hợp tác với nhau bảo vệ nguyên tắc chính của luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta sẽ có những bước tiến dài vì một ASEAN tốt đẹp hơn và vì mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Catherine Wong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/asean-doa-n-ke-t-vo-i-lo-ng-tin-vuo-t-qua-thu-tha-ch-121062.html