ASEAN chú trọng nâng cao hiệu lực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia

Hội nghị Bộ trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 17 (AMMTC 17) và các hội nghị liên quan vừa được tổ chức tại Indonesia. Các hội nghị đã thông qua nhiều tài liệu, tuyên bố; các chương trình nghị sự trao đổi quan điểm về các nỗ lực quốc gia, khu vực và quốc tế trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; các buổi gặp song phương...

Đại diện các nước tham dự AMMTC 17. Ảnh: Bộ Công an

Vì sự thịnh vượng toàn ASEAN

Trọng tâm chính của các hội nghị là tăng cường chính sách hợp tác của các nước thành viên ASEAN ở cấp quốc gia về vấn đề hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực. Đồng thời, đề xuất những chiến lược hợp tác về lĩnh vực này lên chính phủ để thống nhất chỉ đạo thực hiện nhằm tập trung vào các lĩnh vực cụ thể, như: Trao đổi thông tin, hợp tác về các lĩnh vực pháp luật, thực thi pháp luật; đào tạo, nâng cao năng lực...; mở rộng sự hợp tác nhằm nâng cao kết quả hợp tác điều tra, xử lý tội phạm xuyên quốc gia giữa AMMTC với các cơ quan khác của ASEAN, như: Bộ trưởng Tư pháp ASEAN và Tổng chưởng lý ASEAN (ALMAG), Tư lệnh Cảnh sát ASEAN (ASEANAPOL), Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFM), Cục trưởng Xuất nhập cảnh và Trưởng lãnh sự ngoại giao các nước ASEAN (DGICM)...

AMMTC tập trung vào 8 lĩnh vực ưu tiên đấu tranh, gồm: Phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; buôn lậu ma túy; cướp biển; rửa tiền; buôn bán vũ khí nhỏ; tội phạm kinh tế quốc tế; khủng bố và tội phạm công nghệ cao. Trong mỗi lĩnh vực hợp tác, tập trung vào 6 vấn đề, gồm: Các vấn đề pháp lý; các vấn đề thực thi pháp luật; xây dựng năng lực; đào tạo; trao đổi thông tin và hợp tác ngoài khu vực.

Thông tin từ hội nghị cho biết, trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, tội phạm xuyên quốc gia diễn biến phức tạp, nổi cộm nhất là buôn người, khủng bố, ma túy, lừa đảo trực tuyến và tội phạm mạng. Tình trạng này đặt ra yêu cầu các nước ASEAN phải tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; bảo đảm an toàn cho các nạn nhân và nhân chứng, cũng như nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng trước những mối đe dọa từ loại tội phạm này.

Đây cũng là một trong những ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia và Hội nghị AMMTC 17 do Indonesia chủ trì để có một cơ chế quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu này.

Tại hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh, cơ chế hợp tác thông qua AMMTC có vai trò vô cùng quan trọng. Cơ quan thực thi pháp luật của các nước ASEAN cần cùng nhau thảo luận, đánh giá kết quả hợp tác, đồng thời tiếp tục tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật trong thời gian tới.

Còn theo Đại tướng Listyo Sigit Prabowo - Cảnh sát trưởng Indonesia, việc đảm bảo an ninh là nhân tố quan trọng cho sự thịnh vượng của ASEAN. Nhiệm vụ đặt ra là cần phải ứng phó và đấu tranh hiệu quả với những thách thức từ tội phạm xuyên quốc gia.

5 khuyến nghị của Việt Nam

Dẫn đầu Đoàn Việt Nam dự hội nghị là Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, tình hình khu vực, thế giới đang có những yếu tố phức tạp mới, cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống. Giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 đang có những tác động, ảnh hưởng toàn diện đến các quốc gia, các lĩnh vực.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, công tác tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia của các nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Là một nước thành viên ASEAN, Việt Nam cam kết tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác của ASEAN nói chung và hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói riêng.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu trực tuyến tại hội nghị. Ảnh: Bộ Công an

Đặc biệt, nhằm góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị 5 nội dung quan trọng. Trước hết, trong thời gian tới, Thứ trưởng đề xuất ủng hộ việc chuyển giao cho Việt Nam hoặc đồng chủ trì với Việt Nam một lĩnh vực tội phạm ưu tiên trong ASEAN. Đồng thời tăng cường xây dựng lòng tin chính trị trong hợp tác an ninh và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào lợi dụng địa bàn nước này gây tổn hại an ninh và hoạt động phạm tội tại nước kia.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, cần thiết lập cơ chế trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin nhanh chóng, kịp thời về tình hình, xu hướng, phương thức thủ đoạn và chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia giữa cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN; phối hợp triển khai điều tra chung, đấu tranh chuyên án chung; cử tổ công tác sang phối hợp xác minh, điều tra, bắt giữ kịp thời các đối tượng phạm tội ở nước này lẩn trốn ở nước kia.

Song hành với đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật trong ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, kết nối dữ liệu phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn chuyên đề nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và không để đi sau tội phạm; tiếp tục nghiên cứu đề xuất các dự án hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) với các nước đối tác đối thoại của ASEAN nhằm tranh thủ sự hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả hợp tác trong phối hợp thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ, chuyển giao, truy nã tội phạm, thu hồi tài sản; tích cực khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Hiệp hội Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL) để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, nhất là những thông tin liên quan đến hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia.

Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị ASEAN tập trung đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý và cơ chế tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình hợp tác; chú trọng việc đề xuất xây dựng và ký kết các văn bản hợp tác pháp lý song phương về tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm và chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/asean-chu-trong-nang-cao-hieu-luc-phong-chong-toi-pham-xuyen-quoc-gia-post465381.html