APEC tăng cường gắn kết, vì hòa bình và phát triển thịnh vượng

Nhận lời mời của Tổng thống Pê-ru Pê-đrô Páp-lô Ku-xin-xki, hôm nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thủ đô Li-ma của Pê-ru, tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 24, từ ngày 17 đến 20-11. Đây là một sự kiện đa phương có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao và doanh nhân đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC thảo luận về tương lai của các chính sách thương mại quốc tế, tăng trưởng kinh tế và cải thiện cuộc sống cho người dân khu vực.

Sau 27 năm hình thành và phát triển, APEC hiện là diễn đàn duy nhất tại khu vực hội tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, gồm chín thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và nhiều nền kinh tế phát triển năng động, đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu. Hợp tác APEC mang lại nhiều thành tựu nổi bật và thực chất trên cả ba trụ cột: Thứ nhất, về tự do hóa thương mại và đầu tư, từ năm 1989 đến năm 2014, tổng giá trị thương mại APEC tăng bảy lần, từ gần ba nghìn tỷ USD lên khoảng 20 nghìn tỷ USD, mức thuế trung bình của khu vực giảm gần ba lần, từ 17% xuống 5,6%. Thứ hai, về tạo thuận lợi cho kinh doanh, chi phí giao dịch thương mại trong khu vực giảm đáng kể qua các lần cắt giảm 5% vào các năm 2006, 2010 và 10% vào năm 2015. Thứ ba, về hợp tác kinh tế - kỹ thuật, mỗi năm, APEC hỗ trợ kinh phí cho khoảng 150 dự án hợp tác và nâng cao năng lực với tổng giá trị lên đến 23 triệu USD. Sự thành công của hợp tác APEC còn thể hiện ở GDP thực tế của khu vực tăng từ 15.700 tỷ USD lên 30.300 tỷ USD (giai đoạn 1989-2012), GDP bình quân đầu người tăng 36%. Các thành viên APEC đã ký hàng chục hiệp định tự do thương mại (FTA) và đưa nội hàm hợp tác APEC ngày càng sâu rộng hơn, có mức độ cam kết cao hơn. Những thành tựu đó khẳng định, APEC ngày càng củng cố vị thế là cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương và là một trong những cơ chế hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất thế giới.

Diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường; nền kinh tế thế giới và khu vực phục hồi chậm và không vững chắc; các vấn đề an ninh và môi trường tác động mạnh đến triển vọng phát triển bền vững, tại Tuần lễ cấp cao APEC, các nhà lãnh đạo Diễn đàn sẽ thảo luận về thực trạng kinh tế toàn cầu và khu vực, các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng. Với chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và phát triển con người”, trong Năm APEC Pê-ru 2016, các thành viên Diễn đàn tập trung thúc đẩy bốn ưu tiên chính, gồm: Liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng; Thị trường lương thực khu vực; Hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Phát triển nguồn nhân lực. Đây cũng là những nội dung xuyên suốt mà nước chủ nhà Pê-ru và 20 nền kinh tế thành viên của Diễn đàn thúc đẩy trong cả năm APEC, phù hợp mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Dự kiến, Hội nghị cấp cao (HNCC) APEC lần thứ 24 sẽ thông qua Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo APEC và một số văn kiện quan trọng.

Việt Nam gia nhập APEC vào năm 1998, đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Ngay trong lần đầu đăng cai HNCC APEC vào năm 2006, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến và lập Chương trình hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bô-go đến năm 2020, thể hiện đóng góp đầu tiên lớn nhất và mang tính chiến lược của Việt Nam đối với cơ chế APEC. Đến nay, Việt Nam đã đóng góp hơn 100 sáng kiến trong tất cả các lĩnh vực và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ chế hợp tác của APEC. Bước vào thời kỳ phát triển mới của đất nước, APEC tiếp tục là một trong những cơ chế khu vực quan trọng trong tiến trình Việt Nam hội nhập quốc tế toàn diện. Nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực của Việt Nam, các thành viên APEC ủng hộ rất cao việc Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2017. Đây chính là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đánh dấu một đóng góp nổi bật nữa trong tiến trình phát triển APEC, khẳng định Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và tích cực, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường khu vực và quốc tế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Pê-ru với phương châm chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương. Bên cạnh việc tham gia và có những đóng góp trong các hoạt động chính thức của Tuần lễ cấp cao APEC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng có nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước và các đối tác, doanh nghiệp quốc tế.

Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến công tác của Chủ tịch nước, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Pê-ru sẽ thành công tốt đẹp, ghi đậm những đóng góp tích cực của Việt Nam vào kết quả chung của Diễn đàn, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế, đồng thời thúc đẩy những vấn đề mà Việt Nam và Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) quan tâm; làm sâu sắc hơn quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác chủ chốt; thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp APEC tăng cường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31301602-apec-tang-cuong-gan-ket-vi-hoa-binh-va-phat-trien-thinh-vuong.html