APEC ra tuyên bố chung nhấn mạnh tăng cường thương mại đa phương

Tăng cường thương mại đa phương, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng… là những trọng điểm trong tuyên bố chung của Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 vừa bế mạc ở Bangkok, Thái Lan hôm 19-11.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bangkok hôm 19-11, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ hy vọng mô hình kinh tế sinh học – tuần hoàn – xanh (BCG) sẽ trở thành một trong những yếu tố quan trọng đưa các nền kinh tế APEC xích lại gần nhau. Ảnh: AP

Tuyên bố chung cho biết các lãnh đạo APEC cam kết thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm, cũng như cam kết hiện thực hóa Tầm nhìn Putrajaya của APEC về một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương cởi mở, năng động và hòa bình vào năm 2040. Họ ghi nhận cần phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay, bao gồm biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, an ninh lương thực và tiến trình chuyển tiếp sang nhiên liệu bền vững để giảm khí thải nhà kính. Họ kêu gọi hợp lý hóa và dần loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.

Các lãnh đạo APEC cũng khẳng định quyết tâm duy trì và tăng cường hơn nữa hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Họ hoan nghênh tiến bộ trong năm nay trong việc thúc đẩy Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Theo tuyên bố chung, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực củng cố vai trò lãnh đạo của APEC, với tư cách là diễn đàn kinh tế hàng đầu của châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời là vườn ươm ý tưởng hiện đại, hiệu quả và năng suất. Tuyên bố nhấn mạnh hợp tác của APEC sẽ đóng góp vào các giải pháp thiết thực cho các thách thức chung và bổ trợ cho các nỗ lực toàn cầu, bao gồm Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết thúc đẩy một khu vực châu Á-Thái Bình Dương mở và kết nối, bao gồm thông qua việc triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối APEC giai đoạn 2015-2025.

Họ cũng cam kết tăng cường kết nối con người, tổ chức cũng như tận dụng lợi thế của kết nối kỹ thuật số, tăng cường nỗ lực thúc đẩy kết nối khu vực, tiểu vùng và vùng sâu vùng xa thông qua đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng.

Các nhà lãnh đạo APEC cho biết sẽ đẩy nhanh việc triển khai Lộ trình kinh tế số và internet APEC (AIDER) nhằm tận dụng các công nghệ mới nổi cũng như tạo ra một hệ sinh thái số hóa thuận lợi, toàn diện, cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Các nền kinh tế APEC cũng thông qua văn kiện Các mục tiêu Bangkok về nền kinh tế sinh học học – tuần hoàn – xanh (BCG) và xem đây như là một khung toàn diện để thúc đẩy các mục tiêu bền vững của APEC. Văn kiện này đã hệ thống hóa tính bền vững vào chương trình nghị sự chính của diễn đàn APEC, với việc các thành viên nhất trí hợp tác về nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thương mại và đầu tư bền vững, bảo tồn môi trường và quản lý chất thải. Các nhà lãnh đạo APEC hoan nghênh việc ra mắt Giải thưởng APEC BCG để ghi nhận các thành tích về bền vững trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo APEC cũng ghi nhận những tác động bất lợi của cuộc chiến ở Ukraine đối với nền kinh tế toàn cầu, cụ thể là lạm phát cao và tăng trưởng chậm lại, mất an ninh lương thực và năng lượng, gián đoạn chuỗi cung ứng và rủi ro tài chính.

Họ gián tiếp kêu gọi chấm dứt chiến tranh bằng cách viện dẫn các nghị quyết trước đó của Liên hợp quốc liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tuyên bố chung phản ánh lập trường của hầu hết các nền kinh tế châu Á muốn giữ diễn đàn APEC trung lập và ưu tiên các vấn đề về tăng trưởng kinh tế hơn là các vấn đề địa chính trị.

“APEC không phải là diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh nhưng chúng tôi thừa nhận rằng các vấn đề an ninh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu”, tuyên bố chung cho hay.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ca ngợi hội nghị APEC lần thứ 29 là thành công chung của tất cả các thành viên APEC. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng mô hình kinh tế BCG sẽ trở thành một trong những yếu tố quan trọng đưa các nền kinh tế APEC xích lại gần nhau”.

Hội nghị năm nay là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC kể từ năm 2018, được tổ chức với chủ đề “Mở, Kết nối, Cân bằng”.

Các nhà lãnh đạo gặp nhau trong bối cảnh quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức bao gồm lạm phát gia tăng, các căng thẳng địa chính trị leo thang, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.

APEC được thành lập năm 1989, là một diễn đàn kinh tế hàng đầu của khu vực với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Chiếm gần 40% dân số thế giới, 21 nền kinh tế thành viên APEC đóng góp một nửa thương mại toàn cầu và hơn 60% GDP của thế giới.

Theo China Daily, Nikkei Asia, Reuters

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/apec-ra-tuyen-bo-chung-nhan-manh-tang-cuong-thuong-mai-da-phuong/