Áp xe và nhiều biến chứng đáng sợ sau tiêm filler nâng ngực

Tiêm filler nâng ngực, chị em có thể gặp phải nhiều biến chứng đáng sợ như bị áp xe, dị ứng, biến dạng ngực,...thậm chí tử vong.

Ngực phải sưng to, có mủ sau tiêm filler

Mới đây, Bệnh viện Da liễu TP HCM tiếp nhận bệnh nhân nữ (26 tuổi, ngụ quận Bình Tân) bị áp xe lớn ở vùng ngực sau khi tiêm chất làm đầy (filler) để tăng kích cỡ ngực.

Thông tin trên báo Người Lao Động cho biết, trước khi đến viện 3 tuần, cô gái thấy một tài khoản Facebook ở Hà Nội quảng cáo dịch vụ tiêm filler tăng kích cỡ ngực vô cùng "hấp dẫn" với những hình ảnh "bắt mắt" nên đã liên hệ.

Sau khi thỏa thuận giá cả, thời gian, người tiêm từ Hà Nội vào TP HCM thuê phòng khách sạn để tiêm filler nâng ngực cho cô gái cùng vài người khác. Cô đã được tiêm 350cc filler vào ngực với giá 25 triệu đồng.

Sau tiêm, hai bên ngực của cô bị đỏ, đau. Cô đã liên hệ thì được tư vấn không sao, rằng đó là dấu hiệu bình thường.

Bệnh nhân được thăm khám sau phẫu thuật. Ảnh: Người Lao Động.

Tuy nhiên, khoảng 1 tuần, trước khi nhập viện, vùng ngực bên phải cô gái sưng to, cương mủ, đỏ và đau nhức nhiều. Cô tiếp tục gọi cho nhân viên thì được hướng dẫn uống thuốc Zinnat, ngậm Alphachoay và dùng nước ấm lăn ngực nhưng tình trạng không đỡ mà ngày nặng hơn, ngực phải đỏ và có mủ nhiều hơn nên đã đến Bệnh viện Da Liễu TP HCM cấp cứu.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, kháng viêm. Sau đó, bác sĩ đã phẫu thuật bơm, rửa, nạo để lấy mủ, chất làm đầy ra ngoài.

Tử vong sau khi tiêm filler nâng ngực

Tháng 6/2023, một cô gái 27 tuổi tử vong sau khi tiêm filler nâng ngực trong khách sạn ở TP HCM.

Báo Dân Trí đưa tin về vụ việc này cho biết, bệnh nhân là chị L. (27 tuổi, quê Cà Mau). Theo thông tin ban đầu, sáng 27/6, chị L. đến một khách sạn trên địa bàn phường 2, quận 10 (TP HCM) để thực hiện tiêm filler nâng ngực. Ít phút sau khi tiêm filler, nạn nhân bất ngờ xuất hiện tình trạng sùi bọt mép, tím tái rồi lâm dần vào ngưng tim, ngưng thở.

Gần 11h cùng ngày, bệnh nhân được gia đình và người thực hiện phẫu thuật đưa vào Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh cấp cứu. Trước tình trạng nguy kịch, ngưng tuần hoàn hô hấp của chị L., các bác sĩ lập tức đưa bệnh nhân vào khoa Hồi sức cấp cứu, tiến hành mọi thủ thuật xử trí theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng không thành công.

Bệnh nhân L. được xác định tử vong ngoại viện lúc 12h38 ngày 27/6.

Nhiễm tụ cầu vàng sau tiêm filler nâng ngực

Vào tháng 5/2023, tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình và vi phẫu đã tiếp nhận bệnh nhân nữ (31 tuổi, trú tại Bắc Giang) trong tình trạng ngực trái có khối chắc, ranh giới không rõ, sưng nóng, đỏ, đau...sau khi tiêm filler nâng ngực.

Báo Người Lao Động dẫn lời bệnh nhân cho biết, trước đó một tháng, sau khi nghe thông tin quảng cáo trên mạng, chị đã đến spa với mong muốn cải thiện vòng một. Người phụ nữ này trả cho spa số tiền 6 triệu đồng để dùng sóng xung kích làm tăng thể tích ngực.

Tuy nhiên, trong quá trình làm, chủ spa lại cho rằng tình trạng ngực của bệnh nhân cần dịch vụ sóng xung kích cao cấp hơn và yêu cầu đóng 20 triệu đồng. Bệnh nhân có thể trả sau, trả góp. Sau đó, chị này bị spa bịt mắt, tiêm chất làm đầy không rõ loại, số lượng và cấy chỉ vào ngực.

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật chích rạch ổ áp-xe của bệnh nhân. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Ngày hôm sau, người phụ nữ thấy đau ngực, khó thở, nổi ban đỏ toàn thân, vào cấp cứu tại một bệnh viện ở Bắc Giang.

Sau 3 ngày ra viện, chị quay lại spa tiêm tan, rút chỉ. Bệnh nhân lại bị phát ban, đau ngực phải vào viện. Người phụ nữ được dùng kháng sinh chống viêm kéo dài gần một tháng nhưng ngực trái của chị vẫn đau tức ngực kéo dài. Bệnh nhân đã đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm khám.

Sau khi hút dịch ra khỏi ngực bên trái, kết quả phát hiện vi khuẩn tụ cầu vàng trong chất dịch lấy từ ngực bệnh nhân.

Ngực hoại tử sau tiêm filler

Cuối tháng 9/2022, một phụ nữ 38 tuổi đã phải vào Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng ngực trái hoại tử sắp vỡ, ngực phải bắt đầu có dấu hiệu hoại tử da, cứng ngắc. Được biết, trước đó, bệnh nhân đã tiêm filler nâng ngực tại spa với giá 20 triệu đồng.

Vietnamnet đưa tin, mới đầu, chị thấy ngực cũng có sự khác biệt. Nhưng một tháng sau, phần ngực bắt đầu có dấu hiệu bất thường đau và cương lên. Từ đó, chị liên tục phải dùng kháng sinh, vì cứ dừng thuốc ngực lại sưng to, đau. Khi tình trạng này càng nặng hơn, chị phải đến khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) để thăm khám.

Ảnh minh họa.

Tai biến nặng, phải can thiệp ECMO và chạy thận

Đó là trường hợp biến chứng sau tiêm filler của bệnh nhân T.T.P. (39 tuổi, ngụ Quận Bình Tân, TP HCM).

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, vào ngày 23/4/2022, chị T.T.P. đã đến một cơ sở thẩm mỹ để tiêm 3 lọ filler (chất làm đầy) Alisa (50ml/lọ) vào vùng ngực và mặt. Sau khi tiêm filler, chị P. cảm thấy mệt. Ngày hôm sau chị cảm thấy mệt và khó thở hơn nên đã đến Bệnh viện Quận Bình Tân để theo dõi. Tại đây, chị P bị tụt huyết áp và đã được chuyển viện khẩn qua Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu lúc 21 giờ ngày 24/4/2022.

Sau cuộc hội chẩn khẩn cấp, các y bác sĩ đã lập ê-kíp để can thiệp bằng kỹ thuật ECMO ngay trong đêm cho chị P. vì bệnh nhân đã vào bệnh cảnh choáng tim, tim hầu như không co bóp.

Bệnh nhân còn bị tổn thương gan và tổn thương thận cấp. Ngoài việc đặt ECMO cho bệnh nhân, các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy còn cho chạy thận nhân tạo hỗ trợ. Đến ngày thứ 8, bệnh nhân ổn định, được rút ECMO, ngưng chạy thận, chức năng gan, thận và tim gần như hồi phục hoàn toàn.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã khuyến cáo không tiêm filler vào ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ để tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn, bởi việc này có thể dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

Để đảm bảo an toàn khi nâng ngực, bác sĩ khuyến cáo, nên ưu tiên các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ hoặc các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, đứng đầu bởi các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ giàu kinh nghiệm.

Sau khi nâng ngực, trong tháng đầu, chị em phải theo dõi các triệu chứng. Nếu có các triệu chứng viêm nhiễm như sưng, nóng, đỏ, đau, cần đến ngay cơ sở chuyên khoa hoặc gặp bác sĩ đã nâng ngực cho mình để thăm khám. Ngoài ra, cần thường xuyên thăm khám định kỳ xem có hiện tượng rò dịch hoặc u cục gì không để được điều trị, xử lý kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video: Phẫu thuật chuyển giới thành công cho bé gái 5 tuổi

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/ap-xe-va-nhieu-bien-chung-dang-so-sau-tiem-filler-nang-nguc-1887426.html