Áp dụng thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học: Vẫn đợi câu trả lời

Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT thay thế cho Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT đã được triển khai ở các nhà trường từ ngày 6-11-2016. Việc điều chỉnh một số nội dung về cách đánh giá học sinh (HS) tiểu học được Bộ GD-ĐT kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực cho giáo viên trong quá trình thực thi, đồng thời tạo thêm động lực cho HS phấn đấu, tiến bộ. Tuy nhiên, do thời gian chính thức triển khai quá ngắn, chưa đủ để đánh giá, đưa ra câu trả lời...

Mục tiêu giảm áp lực cho thầy, cô

Một trong những lý do khiến cho Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT khi triển khai vào thực tiễn vấp phải phản ứng nhiều nhất là làm cho công việc của giáo viên tiểu học vất vả hơn nhiều so với thời điểm trước khi triển khai. Thực tế, hai năm triển khai Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT cho thấy, những áp lực về sổ sách, quy định đánh giá đối với HS không chỉ khiến giáo viên căng thẳng, thậm chí bức xúc, mất quá nhiều thời gian vào những đầu việc đánh giá, mà còn làm ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giáo dục.

Nhiều phương pháp được áp dụng vào giảng dạy sẽ giảm áp lực cho giáo viên Ảnh: Thái Hiền

Nhiều phương pháp được áp dụng vào giảng dạy sẽ giảm áp lực cho giáo viên Ảnh: Thái Hiền

Ghi nhận những ý kiến đóng góp từ cơ sở, ngày 22-9-2016, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá HS tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT. Tinh thần chung của hai thông tư này vẫn là nhìn nhận, đánh giá HS một cách toàn diện, từ nhiều đối tượng khác nhau, đồng thời giảm bớt áp lực học tập, ganh đua về điểm số - tình trạng từng tồn tại khá dài trong một bộ phận phụ huynh, HS. Nội dung điều chỉnh rõ nhất tại Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT là không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ sách nào sử dụng trong quá trình đánh giá HS, giáo viên được hoàn toàn chủ động. Nếu như trước đây, nhiệm vụ của giáo viên là “hằng tháng, giáo viên ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục”, thì nay giáo viên có thể chủ động lựa chọn cách đánh giá (có thể dùng lời nói) và khi cần thiết chỉ cần ghi chép những lưu ý với HS có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội, kịp thời có giải pháp phù hợp giúp các em tiến bộ.

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT Hà Nội), việc áp dụng thông tư mới tạo thuận lợi hơn cho giáo viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và giảm áp lực về việc sử dụng sổ sách. Trước đây, mỗi giáo viên có tới 5 loại sổ để đánh giá HS, nay chỉ còn 2 loại, gồm học bạ và bảng tập hợp kết quả giữa kỳ, cuối kỳ. Việc triển khai thông tư mới vào thời điểm ngày 6-11 là phù hợp, các nhà trường đang chuẩn bị tổ chức kiểm tra giữa học kỳ I nên không gây ra sự xáo trộn hoặc khó khăn với giáo viên, HS. Ghi nhận tại các nhà trường trên địa bàn thành phố cho thấy, hầu hết giáo viên đều rất mong đợi sự điều chỉnh này.

Chấm dứt “khen nhân bản”

Sự ra đời của Thông tư điều chỉnh, bổ sung quy định đánh giá HS tiểu học sẽ khắc phục tình trạng dở khóc, dở cười như đã từng xảy ra, đó là, do khối lượng công việc quá lớn, số lượng HS đông, có nơi giáo viên đã phải dùng giải pháp khắc chữ, nhân bản lời nhận xét…, khiến phụ huynh bức xúc. Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tứ Liên, quận Tây Hồ, quy định đánh giá HS trước đây chỉ có 2 mức là hoàn thành, chưa hoàn thành, nhiều khi còn nặng về định tính, ít khơi dậy được sự nỗ lực của HS, thì nay với Thông tư sửa đổi, bổ sung, HS được đánh giá theo 3 mức (hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành), giúp giáo viên dễ đánh giá hơn. Phụ huynh cũng dễ định lượng kết quả của con mình, chẳng hạn, nếu được đánh giá hoàn thành tốt thì có thể hiểu con ở mức điểm 9-10; nếu ở mức chưa hoàn thành tức là con đang ở mức dưới trung bình, cần phải có sự hỗ trợ kịp thời.

Cô giáo Đỗ Thị Khánh Huyền, chủ nhiệm lớp 2A1 Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên) cho biết, đã nắm rõ những điều chỉnh cụ thể của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT và đang chờ kế hoạch tập huấn thực hiện. Cô Huyền cũng bày tỏ sự đồng tình với quy định đánh giá HS từ việc kết hợp đánh giá của giáo viên, phụ huynh và của HS, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất. Điều này nhấn mạnh vai trò của giáo viên, song cũng ghi nhận sự tham gia hỗ trợ tích cực của chính phụ huynh vào việc giáo dục con. Ngay đầu tuần tới, giáo viên sẽ gửi tới phụ huynh những nội dung đề nghị tham gia đánh giá các con.

Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn cho rằng, trong quy trình thực hiện cách đánh giá mới, kết quả bài kiểm tra định kỳ với việc đánh giá xếp loại HS gần như không có mối liên hệ. Theo quy định HS được xếp loại hoàn thành tốt khi “thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục”, mà không có kèm theo tiêu chí ràng buộc về kết quả bài kiểm tra định kỳ phải đạt bao nhiêu điểm. Thực tế này có thể xảy ra tình trạng, HS có điểm kiểm tra định kỳ đạt 5-6 điểm nhưng vẫn được xếp loại hoàn thành tốt.

Năm học 2016-2017, Hà Nội có 719 trường tiểu học với tổng số 24.000 giáo viên. Hiện tại, Sở GD-ĐT Hà Nội đã triển khai Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT tới đội ngũ cán bộ chủ chốt của phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã và nhà trường; đến cuối tháng 11 sẽ tham dự tập huấn của Bộ GD-ĐT và Trường Đại học Sư phạm I tổ chức để nắm rõ hơn quy trình triển khai. Đây cũng sẽ là cơ hội để những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ bày tỏ băn khoăn, thắc mắc liên quan nhằm triển khai tốt hơn quy định mới trong đánh giá HS tiểu học.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/855242/ap-dung-thong-tu-moi-ve-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-van-doi-cau-tra-loi