Áo đỏ "giương" vũ khí, sẵn sàng bảo vệ Thủ tướng

Khi chiến dịch biểu tình chống chính phủ Thái Lan tiếp tục diễn ra, giới quan sát tin rằng viễn cảnh xảy ra những cuộc đối đầu bạo lực đang gia tăng với thông tin rộ lên về việc phe áo ủng hộ chính phủ đang tích trữ vũ khí để sẵn sàng đứng lên bảo vệ nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Theo Bangkok Post, các thành viên cực đoan của phe áo đỏ - lực lượng ủng hộ mạnh mẽ cho bà Yingluck và anh trai của bà - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – đã chuẩn bị một kho vũ khí để sẵn sàng nổi dậy trong trường hợp nữ Thủ tướng 46 tuổi bị lật đổ bởi sự can thiệp của quân đội hay hệ thống tư pháp.

Tờ Bangkok Post dẫn lời một nguồn tin từ phe áo đỏ cho biết, “Có một làn sóng chống đối tòa án và phản đối đảo chính rất mạnh trong những người áo đỏ cứng rắn, vốn quen và có kinh nghiệm với việc sử dụng vũ khí”.

Từ thứ Hai đầu tuần (13/1), hàng chục ngàn người biểu tình đang phong tỏa một loạt những khu vực đường giao nhau chính ở Bangkok – thủ đô rộng lớn và cũng là một trung tâm du lịch, kinh tế của Thái Lan. Mục đích của chiến dịch biểu tình đóng cửa thủ đô Bangkok này là nhằm làm tê liệt hoạt động của chính phủ đồng thời triệt tiêu ảnh hưởng chính trị rộng lớn của gia đình Shinawatra, đặc biệt là của cựu Thủ tướng cũng là tỉ phú truyền thông Thaksin.

Được dẫn dắt bởi cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban của Đảng Dân chủ đối lập, những người biểu tình đã dựng hàng loạt lều trại xung quanh các tòa nhà chính phủ. Đây là bước đi nhằm làm tê liệt các tòa nhà, văn phòng chính phủ, khiến các nhân viên phải làm việc từ nhà và các văn phòng khác.

Tuy nhiên, số lượng người biểu tình đang giảm đi một cách nhanh chóng, từ hàng chục nghìn người hồi đầu tuần xuống chỉ còn hơn chục nghìn người thuộc thành phần cực đoan, cứng rắn. Lực lượng này thườngmặc áo màu đen hay quân phục và phần lớn đều đến từ thành trì của ông Suthep ở phía nam.

Trước việc phe biểu tình thực hiện kế hoạch đóng cửa thủ đô gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Bangkok, Cục Điều tra Đặc biệt Thái Lan đã phát lệnh triệu tập 55 lãnh đạo phe biểu tình có liên quan đến chiến dịch làm tê liệt thủ đô hiện nay. Bản thân ông Suthep đang phải đối mặt với cáo buộc nổi loạn ngoài tội danh giết người vì đã ra lệnh thực hiện vụ đàn áp đẫm máu người biểu tình áo đỏ năm 2010 ở thủ đô Bangkok khiến khoảng 90 người chết và 2.000 người bị thương.

Bất chấp những lệnh bắt giữ nói trên, giới thủ lĩnh phe biểu tình vẫn đi lại tự do trong thành phố trong khi 20.000 cảnh sát và binh lính được triển khai để duy trì trật tự phần lớn vẫn ẩn mình.

“Chúng tôi cố gắng không tiếp cận gần với đám đông. Họ có thể tức giận nếu nhìn thấy chúng tôi và điều đó có thể châm ngòi cho những cuộc đụng độ”, một sĩ quan cảnh sát cho biết.

Trong khi quân đội được cho là ủng hộ lực lượng hoàng gia, trung lưu, những thế lực có ảnh hưởng ở đất nước Thái Lan và vì thế đồng cảm với những người biểu tình hiện nay thì Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan được cho là ủng hộ phe của cựu Thủ tướng Thaksin. Bản thân ông Thaksin từng là một sĩ quan cấp trung trong đội ngũ cảnh sát cách đây nhiều năm.

Bất chấp sự vắng mặt của lực lượng an ninh, phần lớn các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình mặc dù hai ngày qua đã xảy ra một vài vụ bạo lực rải rác.

Thêm một khó khăn cho nữ Thủ tướng Thái

Trong khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan mỗi lúc một nghiêm trọng thì nữ Thủ tướng Yingluck phải đối mặt thêm với một thách thức mới. Hội đồng chống tham nhũng của Thái Lan mới đây cho biết, họ sẽ tiến hành điều tra vai trò của bà Yingluck trong chương trình trợ cấp lương thực gây tranh cãi của chính phủ. Có vẻ như phe áo đỏ đã đúng khi chuẩn bị tinh thần cho một cuộc đấu tranh bởi nữ Thủ tướng Yingluck rõ ràng đang phải đối mặt với sức ép lớn hơn đòi bà từ chức.

Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia sẽ điều tra xem có phải Thủ tướng Yingluck đã bỏ qua việc ngăn chặn những tổn thất tài chính từ chương trình trợ cấp lương thực. Chương trình này đã tiêu tốn của chính phủ Thái Lan khoảng 670 tỉ baht (khoảng 20 tỉ USD) từ khi nó bắt đầu được thực hiện hồi tháng 10 năm 2011.

Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia – cơ quan có quyền thực hiện những cuộc điều tra nhằm vào các chính khách, cũng đã cáo buộc hai cựu Bộ trưởng của bà Yingluck cùng với 13 người khác vì việc có liên quan đến những thỏa thuậ lương thực gian lận.

Bà Yingluck – người giám sát ủy ban chính sách lương thực quốc gia. “đã thừa nhận sự phản đối cũng như những tổn thất tài chính từ chương trình trợ cấp giá gạo nhưng không có hành động nào nhằm ngăn chặn tổn thất đó”, ông Vicha Mahakun – một thành viên của Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia cũng là phát ngôn viên của ủy ban, cho biết.

Thủ tướng Yingluck chưa bình luận gì về cuộc điều tra nói trên nhưng trong quá khứ, chính phủ của bà từng lên tiếng bảo vệ chương trình trợ cấp giá gạo, nói rằng việc xử lý chương trình này được thực hiện một cách công khai, minh bạch.

Chương trình trợ cấp giá gạo là một trong một loạt chính sách mà đối thủ của Thủ tướng Yingluck cáo buộc là một công cụ chính trị mà bà này dùng để giành sự ủng hộ của người dân ở những vùng nông thôn nghèo của Thái Lan.

Theo chương trình nói trên, chính phủ mua gạo của người nông dân ở giá trên 50% giá thị trường trong một nỗ lực để giúp cải thiện cuộc sống của người nông thôn nghèo Thái Lan. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng, chương trình này được đánh đổi bằng tiền đóng thuế của người dân Thái.

Kiệt Linh - (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/quoc-te/tin-tuc/17_2113763/ao_do_quot_giuong_quot_vu_khi_san_sang_bao_ve_thu_tuong.html