Ao chống chịu biến đổi khí hậu: Giải pháp cho vùng hạn ở miền Trung-Tây Nguyên

Dự kiến đến năm 2026, hơn 1.500 ao chống chịu biến đổi khí hậu được đưa vào sử dụng tại 5 tỉnh khu vực miền Trung và duyên hải Nam Trung Bộ.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam tại lễ bàn giao đưa vào sử dụng ao chống chịu biến đổi khí hậu cho người dân Đắk Lắk. (Nguồn: UNDP Việt Nam)

Nỗi niềm "khô hạn"

Đắk Lắk vào những tháng cao điểm mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 hàng năm sau luôn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhiều công trình thủy lợi, chủ yếu là hồ đập nhỏ rơi vào mực nước "chết", khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây gặp rất nhiều khó khăn, bởi nguồn nước mặt hiện có chỉ đáp ứng khoảng 40% so với nhu cầu.

Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp Đắk Lắk, tính đến cuối tháng 3/2023 đã có hơn 1.300 ha (lúa, cây trồng cạn) khô kiệt nước, dẫn đến khả năng mất trắng; gần 160.000 ha (cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, mắc ca và cây ăn trái) thiếu hụt nguồn nước tưới cho những đợt tiếp theo.

Trước thực trạng hạn hán xảy ra ngày càng gay gắt và nghiêm trọng, giải pháp chống hạn luôn là yêu cầu cấp thiết. Đây là lý do Đắk Lắk nằm trong danh sách địa phương thụ hưởng Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam" (Dự án SACCR) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện cùng với chính quyền địa phương và sự tài trợ của Quỹ Khí hậu xanh.

Dự án này đã và đang hỗ trợ thi công các ao chống chịu biến đổi khí hậu cho các hộ dân nghèo, cận nghèo, phụ nữ trụ cột dân tộc thiểu số. Tính riêng tại tỉnh Đắk Lắk, đến 30/10/2023, Dự án đã triển khai xong 70 ao, trong đó huyện Krông Pắc (34 ao) và huyện Ea Kar (36 ao). Tổng dung tích 70 ao là hơn 60.000 m3 với diện tích tưới hơn 52 ha.

Người dân tại công trình ao chống chịu biến đổi khí hậu cho hộ ông Lê Văn Thắng. (Nguồn: UNDP Việt Nam)

Sự hỗ trợ thiết thực

Tại buổi lễ bàn giao ao chống chịu biến đổi khí hậu diễn ra mới đây, ông Lê Văn Thắng - đại diện hộ dân hưởng lợi, đã cảm ơn sự hỗ trợ mà Dự án đã mang lại. Ông Thắng cho biết, trước đây gia đình có một cái ao nhỏ để chứa nước nhưng hàng năm chỉ đủ tưới khoảng 2 đợt trong mùa khô là hết nước, nên số cây trồng trong vườn rẫy thường xuyên bị thiếu nước, làm giảm năng suất và giảm thu nhập của gia đình. Rất nhiều lần gia đình dự tính đào mở rộng ao để có đủ nước tưới vào mùa khô nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa thể thực hiện được.

"Vừa qua, gia đình tôi rất vui và may mắn khi được Dự án SACCR tỉnh Đắk Lắk quan tâm, hỗ trợ đưa máy móc vào đào thêm ao cho rộng và sâu hơn, từ đó ao nhà tôi đã chứa được nhiều nước hơn", ông Thắng chia sẻ.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương đã có nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ nông dân canh tác trong tình hình biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho các nông hộ sản xuất nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Chính vì vậy, Dự án SACCR "có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân vùng hạn trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay".

Dự án SACCR được triển khai nhằm cải thiện an ninh nguồn nước và bảo vệ sinh kế của các nông hộ nhỏ trong khu vực. (Nguồn: UNDP Việt Nam)

Mục tiêu hơn 1.500 ao

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, những ao này là kết quả của sự hợp tác hiệu quả giữa các cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự án SACCR có mục tiêu xây dựng và cải tạo hơn 1.500 ao thu nước mưa, trong đó có 260 ao ở Đắk Lắk.

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống! Nước là yếu tố quan trọng nhất để cây trồng phát triển. Hạn hán, El Nino và biến đổi khí hậu đang có tác động tiêu cực đến nguồn nước. Đào ao để hứng nước mưa là một giải pháp tốt để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi mong các hộ dân sẽ tìm hiểu mô hình ao chống chịu của Dự án này và nhân rộng”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng địa phương và dự án, ông Phạm Đình Văn - Trưởng ban Quản lý trung ương các dự án thủy lợi (CPO) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các hộ quản lý ao không chỉ ở Đắk Lắk mà trên toàn Dự án trong các hoạt động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn nước quý hiếm trong mùa khô”.

Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam” được triển khai nhằm cải thiện an ninh nguồn nước và bảo vệ sinh kế của các nông hộ nhỏ trong khu vực. Đến năm 2026, dự kiến sẽ có 1.507 ao chống chịu khí hậu được xây dựng, bàn giao và vận hành đưa vào sử dụng.

Khánh Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ao-chong-chiu-bien-doi-khi-hau-giai-phap-cho-vung-han-o-mien-trung-tay-nguyen-248486.html