Ánh sao Biên phòng theo những con tàu xa khơi

'Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt' hơn 64 năm qua đã trở thành phương châm hành động và mục tiêu phấn đấu của mỗi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, khẳng định sự gắn bó máu thịt của (bộ đội biên phòng) BĐBP với nhân dân nơi phên dậu của Tổ quốc. Trên vùng biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi, phương châm đó được BĐBP cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể trong sát cánh cùng người dân phòng chống thiên tai, mưa bão; xả thân cứu người, cứu tàu gặp nạn; hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo và cùng nhau bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tàu CN 09.11.01 BĐBP Quảng Ngãi tuần tra bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân bám biển. Ảnh: Văn Tánh

Nhiều năm mưu sinh trên các vùng biển, đảo, ông Trương Văn Có (ở thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn) vẫn chưa thể quên thời khắc kinh hoàng khi con tàu của ông bị sóng đánh chìm. Đó là một đêm cuối tháng 11/2020, tàu cá do ông làm chủ đang trên đường vào cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) mua nhiên liệu. Trong lúc di chuyển đến phao số 0 thì luồng sóng lớn bất ngờ xuất hiện ập vào phía sau, làm con tàu rung lên bần bật rồi va vào ghềnh đá. Chỉ trong phút chốc, chiếc tàu cá bị vỡ tan tành.

Tai nạn khiến ông Có bị hất tung khỏi tàu, rơi xuống biển chấn thương, 3 bạn thuyền đi cùng bị lạc mất giữa đêm tối mịt mù. Nhận được hung tin, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, BĐBP Quảng Ngãi chia thành 2 mũi, phối hợp cùng ngư dân địa phương tìm kiếm. Hơn 2 giờ căng mình vật lộn với sóng gió, lần theo các mảnh gỗ trôi dạt, các chiến sĩ phát hiện ông Có cùng bạn thuyền bị sóng đánh mắc kẹt trong khe đá dưới núi Bàn chân khổng lồ (xã Tịnh Kỳ). Các chiến sĩ quân y cùng người dân kịp thời cứu nạn nhân ra ngoài, băng bó vết thương đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Cho đến bây giờ, bà Mai Thị Hồng, vợ ông Có vẫn chưa thôi xúc động khi nhớ lại: “Nghe tin tàu bị sóng đánh chìm, chồng tôi bị thương nặng, chân tay tôi rụng rời. Ôm đứa con chưa tròn tuổi mụ, tôi ngã khuỵu như cây chuối gặp bão. Cả nhà chỉ biết cầu mong anh Có được sống trở về. May thay, các chiến sĩ Biên phòng đã cứu sống chồng tôi. Không có các anh, con tôi đã mồ côi bố”...

Nằm trong “khúc ruột miền Trung”, mùa mưa bão tràn về, tai nạn tàu cá xảy ra như “chuyện thường ngày ở huyện”. Thiên tai càng khắc nghiệt, người lính Biên phòng càng “neo” chặt vào dân, dìu dắt nhân dân vượt qua khổ nạn. Nhớ lần theo đoàn công tác phòng chống thiên tai do Đại tá Trần Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ngãi dẫn đầu về xã biển Bình Châu, chứng kiến chỉ huy, chiến sĩ đội mưa hỗ trợ ngư dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền trước cơn bão lớn tôi càng hiểu thêm nỗi gian truân của người lính Biên phòng nơi chân sóng. Dưới làn mưa nhạt nhòa, Đại tá Trần Tuấn Anh trực tiếp kéo dây tời neo chiếc tàu cá vào cầu cảng, bộc bạch với tôi: “Đất nước thanh bình hiển hiện bằng những chuyến tàu ra khơi, về bến tôm cá đầy khoang; đời sống nhân dân làng chài no đủ, hạnh phúc. Song, để đổi lấy niềm vui ấy, ngư dân phải trải qua biết bao khó nhọc. Lênh đênh mưu sinh ở khơi sâu, sóng cả, bà con đối diện với nhiều hiểm nguy, bất trắc...”.

Xã Bình Châu được nhân dân cả nước ví von là “làng biển Hoàng Sa”. Ngư dân nơi đây gắn bó với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa từ thuở cha ông khai bờ, mở cõi. Mỗi rạn san hô, từng con sóng Hoàng Sa đều thân quen với nhịp chèo, tiếng máy của ngư dân Bình Châu. Tuy vậy, hành nghề trên ngư trường này, bà con thường xuyên bị thiên tai, nhân tai đe dọa; đẩy ngư dân vào thế oằn mình chống đỡ. Những lần như vậy, “sợi dây” liên lạc biển-bờ giữa người lính với ngư dân luôn được kết nối. Bộ đội không chỉ hướng dẫn ngư dân đối phó tàu thuyền tông va, “đưa đường, chỉ lối” ngư dân tránh trú gió bão, mà còn sẵn sàng cơ động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi người, phương tiện gặp sự cố, tai nạn trên biển. Thiệt hại của bà con còn được các anh thu thập, ghi nhận và đề nghị cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi.

Cán bộ BĐBP Quảng Ngãi cùng ngư dân Bùi Văn Phải treo cờ Tổ quốc trên tàu trước lúc vươn khơi. Ảnh: Văn Tánh

Đưa tay về phía những con tàu xa bờ neo đậu tại cảng cá Tịnh Hòa (thành phố Quảng Ngãi), Đại tá Trần Tuấn Anh nói với niềm tự hào: “Tỉnh Quảng Ngãi có đội tàu khai thác thủy sản hơn 5.000 chiếc; trong đó, tàu đánh bắt xa bờ chiếm tỉ lệ gần 70%. Xác định mỗi ngư dân là tai mắt của lực lượng thực thi pháp luật, mỗi con tàu là cột mốc chủ quyền nên chúng tôi luôn tạo thuận lợi cho bà con ra khơi, vào lộng làm ăn, tuyên truyền để ngư dân chấp hành pháp luật và nâng cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

Theo Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ngãi, khẩu hiệu “tàu là nhà, biển cả là quê hương” không chỉ để cổ động, mà là câu chuyện nặng lòng của bà con nghề biển. Những năm gần đây, để giữ vững những ngư trường truyền thống, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ngãi chủ động tham mưu, phối hợp cùng chính quyền địa phương, nghiệp đoàn nghề cá thành lập những đội tàu đoàn kết cùng nhau đánh bắt hải sản; cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai, nhân tai... Những lá cờ đỏ, sao vàng bay phấp phới trên đỉnh tàu, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trang trọng trong cabin thuyền trưởng đều do chính bàn tay ngưới lính quân hàm xanh trao tặng. Việc làm ấy đã khuyến khích các thế hệ ngư dân nối nghiệp nghề biển. Vượt lên mọi khó khăn, thách thức, ngư dân xứ Quảng luôn can trường vươn khơi, hiện diện ở ngư trường truyền thống...

“Làm lính Biên phòng mà không lo cho dân, giúp đỡ ngư dân thì làm sao “ăn nói” với cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Trước khi nghĩ những việc lớn lao, thì giúp người dân neo chắc con tàu lúc mưa xa, bão gần cũng là cách bảo vệ sinh kế cho bà con”. Đại tá Trần Tuấn Anh trải lòng.

“Biển là nhà, là núm ruột của chúng tôi. Sau khi ra khơi đánh cá đầy ghe, chúng tôi vô bờ bán cho đầu nậu. Hôm sau lấy lương thực, thực phẩm, mua đầy đủ nhiên liệu ra khơi bám biển, không để tàu nước ngoài xâm phạm làm những việc phi pháp”. Lời bộc bạch từ đáy lòng của thuyền trưởng Đặng Nhiều (ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi) làm cho nhiều người có mặt tại cảng cá Tịnh Kỳ thấu hiểu tình yêu biển, đảo Tổ quốc của ngư dân. Thực tế đã chứng minh, trong bất luận hoàn cảnh nào, những con tàu vươn khơi của Quảng Ngãi luôn kiên cường bám trụ trận địa đánh bắt, để những lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trên khắp vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trời chiều buông ánh hoàng hôn, cơn gió dông từ phương Nam bay về thốc trên mặt biển làm chao đảo những chiếc tàu đang xuôi về bến cảng. Nắm chắc tay lái, thuyền trưởng Bùi Văn Phải, người con của quê hương Hải đội Hoàng Sa (huyện Lý Sơn) điều khiển con tàu lách qua con sóng tiến vào vũng neo đậu. Sau một hồi thương thảo giá với chủ nậu, anh Phải bán 14 tấn cá, thu khoảng gần 600 triệu đồng. Anh chia sẻ, sở dĩ, anh có nhiều phiên biển bội thu là nhờ sự giúp đỡ của BĐBP. “Các anh luôn hỗ trợ tôi tìm kiếm ngư trường, tìm hiểu thông tin thời tiết... Ngư dân chúng tôi có cái ăn, một phần cũng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của người lính quân hàm xanh” - anh Phải bộc bạch.

Ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi làm nghề biển theo nghiệp cha truyền, con nối, con sóng sau theo con sóng trước. Mưu sinh ở khơi xa, bà con không tránh khỏi lúc ốm đau, tai nạn... Song, không một ai bỏ biển, bỏ ngư trường, bởi nơi ấy đã có người lính Biên phòng làm điểm tựa cho họ vươn khơi.

Văn Tánh (Báo Biên phòng)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quoc-phong-an-ninh/anh-sao-bien-phong-theo-nhung-con-tau-xa-khoi/207474.htm