Anh nông dân thu bộn tiền nhờ nuôi con 'đặc sản' dân nhậu thích mê

Nuôi con vật này, chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng chi phí chăn nuôi ít, ít công chăm sóc và có đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi chồn hương sinh sản và bán thịt chồn thương phẩm đã manh nha ở một vài địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Giá chồn thịt cao, đầu ra ổn định, nên đây đang là mô hình được đánh giá có nhiều triển vọng… Một trong những người nuôi chồn hương thành công và được nhiều người biết đến ở Nghệ An là anh Trần Hữu Thành.

Chia sẻ với báo Dân Việt, anh Trần Hữu Thành (trú tại xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) cho biết đầu năm 2023, anh quyết định đầu tư chuồng trại để nuôi chồn hương sinh sản. Hơn 1 tỷ đồng được anh đầu tư làm hệ thống chuồng hiện đại, khép kín tại hai cơ sở ở xã Bắc Sơn và xã Đặng Sơn.

Chuồng trại để nuôi chồn hương được anh Trần Hữu Thành xây dựng hiện đại. Ảnh: T.P/Dân Việt

Chuồng nuôi chồn hương được anh Thành thiết kế dạng lồng sắt cao khoảng 70cm, rộng từ 3m2 đến 5m2 tùy vào số lượng nuôi nhốt. Chuồng được đặt cách nền từ 1 đến 1,5m để thông thoáng và tiện vệ sinh chuồng trại. Mỗi ô chuồng đều được bố trí rộng rãi giúp chồn có không gian vận động, dọn vệ sinh hàng ngày, đảm bảo chuồng luôn sạch, khô, thoáng, tránh ẩm thấp.

Chuồng nuôi chồn hương được lắp đặt hệ thống camera, máy đo nhiệt độ, nước tự động... Ảnh: Thanh Phúc/báo Nghệ An

Trong chuồng nuôi chồn hương anh Thành còn lắp thêm camera, máy đo nhiệt độ phòng, nước tự động để tiện theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của chồn hương.

Chuồng cũng được phân chia thành các khu riêng biệt: Khu nuôi cá thể, khu nuôi các cặp chồn vợ chồng, khu nuôi chồn sơ sinh… Tùy giai đoạn phát triển, sẽ nhốt chồn trong lồng theo tỉ lệ 1-2 hoặc nhiều con.

Sau khi đã xây dựng xong hệ thống chuồng trại, tháng 2/2023, anh Thành đã bỏ ra hơn 600 triệu đồng để mua 30 cặp chồn hương giống từ Vĩnh Long về nuôi.

Trước khi bắt đầu nuôi chồn hương anh Thành cũng đã lặn lội vào tận các trang trại ở ở Vĩnh Long, Cần Thơ để học hỏi kinh nghiệm.

“Mặc dù đây là vật nuôi mới mẻ nhưng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ. Điều quan trọng nhất trong nuôi chồn là hệ thống chuồng trại phải đảm bảo thoáng, mát vào mùa Hè; ấm vào mùa Đông và luôn sạch sẽ. Người chăm sóc chồn phải am hiểu đặc tính của loài, biết được cá tính của từng con chồn để có cách chăm sóc phù hợp”, anh Thành chia sẻ với báo Nghệ An.

Hiện tại, nhu cầu thị trường tiêu thụ chồn hương rất lớn. Ảnh: Dân Việt

Thức ăn của chồn hương chủ yếu là chuối chín và cá sông, tôm, cua đồng. Mỗi ngày cho ăn một lần vào các buổi chiều do tập tính hoang dã, ban ngày chồn hương thường ngủ, chỉ thức dậy vào tầm chiều và ban đêm để kiếm ăn. Nước uống cho chồn hương phải sạch và qua xử lý kỹ nhằm tránh các bệnh liên quan đến đường ruột.

Sau 9 tháng nuôi, đàn chồn hương của anh Thành phát triển tốt, có 4 cặp chồn đã sinh sản.

Chị Trần Thị Oanh, công nhân phụ trách chăm sóc chồn cho biết: “Chồn mẹ 1 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con, mùa sinh sản kéo dài từ tháng Ba đến tháng Bảy. Chồn sinh sản cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi, để phòng ngừa chồn mẹ sau khi sinh thiếu chất sẽ ăn con non. Chồn con nuôi khoảng 10-12 tháng là có thể xuất bán thương phẩm hoặc giữ lại nuôi làm chồn sinh sản”.

Hiện tại, trang trại của anh Thành đang tập trung nhân giống, mở rộng quy mô chuồng trại để có lượng chồn ổn định thì mới kết nối đầu ra, bao tiêu sản phẩm. Nuôi chồn hương, chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng chi phí chăn nuôi ít, nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, ít công chăm sóc và có đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Báo Nghệ An.

Chồn hương được chế biến thành các món ăn đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng, khách sạn. Hiện tại, nhu cầu thị trường tiêu thụ chồn hương rất lớn, thương lái từ các nơi đã liên hệ đặt mua chồn giống, chồn thịt trước.

Ông Nguyễn Bá Châu - Phó phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương, Nghệ An cho biết: Đối với mô hình nuôi chồn hương, đây là hướng chăn nuôi mới nhiều triển vọng. Các hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, chính quyền hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hoàn thiện các thủ tục đảm bảo tính pháp lý, thuận lợi để phát triển.

Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ở một số địa phương đang đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi chồn hương thương phẩm như: Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu. Theo tính toán, mỗi ngày, chi phí thức ăn cho chồn chỉ tốn khoảng 2.000-3.000 đồng/con, thậm chí nhiều hộ nuôi có thể khép kín, tự cung, tự cấp để tiết giảm tối đa chi phí.

Trong khi đó, chồn giống nuôi 2 tháng là có thể bán với giá 6 đến 8 triệu đồng/cặp. Chồn hương thương phẩm có giá dao động từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/kg. Nếu nuôi thành công và có đầu ra ổn định thì chồn hương là loại vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao nhất, lãi lớn nhất so với các vật nuôi khác.

Tại huyện Thanh Chương, Nghệ An nhiều gia đình cũng đã đầu tư nuôi chồn hương thương phẩm. Hội Nông dân huyện Thanh Chương đã chỉ đạo thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi chồn hương thương phẩm ở xã Thanh Tiên. Tổ có 9 thành viên tham gia.

Việc thành lập tổ hội nuôi chồn hương là hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, tăng số lượng đàn chồn hương sinh sản và thương phẩm phục vụ cho thị trường.

Bên cạnh đó, các thành viên cũng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời liên kết tạo đầu ra ổn định cho chồn hương thương phẩm.

Đặc biệt, các thành viên trong tổ đã liên kết với nhau để mua con giống cùng một nguồn, chia sẻ cách chăm sóc và cùng tạo mối tiêu thụ chồn thương phẩm.

Ngoài ra, thông qua tổ hội, các cấp ngành cũng đã có kế hoạch nhân rộng đàn, kết nối với các cơ sở nuôi chồn hương thương phẩm khác trên địa bàn tỉnh để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc chồn, liên kết với các nhà hàng, khách sạn để tạo đầu ra ổn định cho con chồn.

Thông qua mô hình tổ hội, các hội nuôi cũng hoàn thành các thủ tục để được cấp mã số trại nuôi, các giấy phép, thủ tục đăng ký nuôi.

Đến sau mùa sinh sản, số lượng con giống được sinh ra và lượng chồn hương được nuôi ở các hộ đều phải ghi chép tăng hoặc giảm đàn, chốt sổ để báo cho kiểm lâm địa bàn. Vì vậy, khi mỗi con chồn hương bán thành phẩm cũng kèm theo thông tin xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.

Một số hộ nuôi chồn hương đã thành công, mang lại hiệu quả đã khuyến khích nhiều người dân mạnh dạn đầu tư chuồng trại. Các hộ nuôi trước truyền đạt kinh nghiệm và phân phối con giống cho các hộ mới bắt đầu nuôi, từ đó tăng đàn cùng nhau phát triển kinh tế.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/anh-nong-dan-thu-bon-tien-nho-nuoi-con-dac-san-dan-nhau-thich-me-a649032.html