Anh nông dân đút túi 2 tỷ đồng/năm nhờ nuôi con 'đặc sản' trong bể xi măng

Bỏ nuôi gà chuyển sang nuôi con đặc sản này, anh Trần Tấn Giang (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có doanh thu hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.

Anh Trần Tấn Giang (47 tuổi, trú ấp Phước Lợi, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, trước đây anh khởi nghiệp bằng nghề nuôi gà công nghiệp, nhưng khi nghe vài người bạn giới thiệu về nuôi lươn trong bể có lợi nhuận cao, đặc biệt là không phải lo đầu ra nên năm 2009 anh tìm hiểu quy trình nuôi rồi xây 3 bể, tìm mua con giống về thả.

Ban đầu, vì chưa có kinh nghiệm chọn giống nên anh Giang mua phải lươn đồng về nuôi. Mất công nuôi nhưng lươn không lớn lại hao hụt dần, anh ngậm ngùi chấp nhận mất cả vốn lẫn công chăm sóc.

Thế nhưng, không từ bỏ đam mê, anh vừa nuôi gà tích lũy vốn, vừa tham khảo sách báo, tìm hiểu qua các trang mạng quy trình nuôi lươn khép kín.

Năm 2019, khi thấy lươn thương phẩm có giá cao dễ bán, sẵn còn quỹ đất trống và số vốn dành được, anh Giang quyết định xây trại lươn hoàn chỉnh, thiết kế đầy đủ chức năng của một trại lươn gồm: khu nuôi lươn bố mẹ, khu ương lươn bột, khu nuôi lươn thương phẩm, hệ thống bể lọc, bể lắng, bể cấp nước hoàn chỉnh…

Để có nguồn lươn giống, anh đã nhờ người quen mua 1 tấn lươn thương phẩm với giá 250 ngàn đồng/kg về nuôi với mục đích là chọn lọc lươn bố mẹ cho sinh sản nhân tạo, thu trứng ấp nở, ương nuôi lươn bột.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên lần này 1 tấn lươn thương phẩm cũng chết khiến anh mất trắng khoảng 250 triệu đồng.

Không chấp nhận “thua cuộc”, anh Giang nhờ người thân tìm mối đặt mua 60.000 con lươn bột (cỡ 45.000con/kg), với giá 900 đồng/con về ương. Vừa làm vừa học qua bạn bè, xem tài liệu, cải tiến, áp dụng kỹ thuật mới nuôi lươn không bùn, không giá thể, sau gần 1 năm kể từ ngày mua lươn bột về ương, anh đã có lươn giống, lươn thương phẩm cung cấp cho khách hàng và chọn được nguồn bố mẹ đạt chất lượng.

Anh Trần Tấn Giang chăm sóc lươn tại trang trại. Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Nói về việc nuôi lươn không bùn, không giá thể, anh Giang chia sẻ với Vietnam+, nuôi lươn không giá thể sẽ giúp bể nuôi dễ vệ sinh, không phải xịt rửa giá thể nên tiết kiệm nước.

Bên cạnh đó, việc nuôi không giá thể sẽ giúp người nuôi theo dõi hoạt động ăn thức ăn và kiểm soát hoàn toàn mầm bệnh trên con lươn, hạn chế động vật ký sinh trong môi trường, trên mang lươn. Nếu không may lươn bị trầy xước thì bệnh lở loét cũng khó xảy ra.

Về công nghệ chảy tràn, anh Giang giải thích bể nuôi có mực nước thấp, thể tích nước ít, khi chảy tràn bể nuôi luôn trong sạch. Việc nước chảy tràn chỉ thực hiện vào ban đêm, điều chỉnh lượng nước vào ra liên tục trong 12 giờ, tương đương khoảng 200% nước trong bể nuôi, ban ngày thay nước 100% sau mỗi lần cho ăn.

Theo báo Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện tại, cơ sở anh có 50 bể nuôi lươn thịt, diện tích mỗi bể 5m2. Cùng với đó, 20 hồ nuôi lươn bố mẹ có diện tích 25m2 và 100 khay ấp trứng và ương lươn bột. Hệ thống bể lắng và bể cấp tự chảy đủ cung cấp nước cho toàn trại lươn.

Đối với lươn sinh sản, anh Giang cho biết hiện tổng đàn bố mẹ khoảng 600kg; trung bình khoảng 20 ngày thu trứng một lần. Đối với 50 bể nuôi lươn thịt, anh Giang thả nuôi theo hình thức "cuốn chiếu," mỗi tháng thả nuôi 5 bể, mỗi bể thả trung bình 2.000 con lươn giống.

Thức ăn nuôi lươn thịt là cám công nghiệp, bổ sung thêm men tiêu hóa định kỳ để phòng bệnh đường ruột cho lươn, sau 3 tháng sẽ được thu hoạch.

Bể nuôi lươn không giá thể, không bùn của gia đình anh Trần Tấn Giang. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Mỗi năm, anh Giang thu hoạch khoảng 20 tấn lươn thịt, bán tại trang trại với giá từ 110.000-120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 2 tỷ đồng/năm.

Trang trại còn cung ứng cho khách hàng địa phương và các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai trung bình 400.000 con giống. Với giá từ 3.500-4.000 đồng/con tùy thời điểm, trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 280 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tư vấn và chuyển giao kỹ thuật nuôi cho nhiều hộ dân.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/anh-nong-dan-dut-tui-2-tynam-nho-nuoi-con-dac-san-trong-be-xi-mang-a651849.html