Ấn tượng ngôi trường của các dân tộc

5 năm liên tục có học sinh đậu tốt nghiệp THPT quốc gia, đạt tỷ lệ tuyệt đối 100%. Hàng năm, trên 70% học sinh của trường được tuyển vào cao đẳng, đại học. Năm học 2015 – 2016, trường “ẵm” 84 giải học sinh giỏi cấp tỉnh… Đó là những điều ấn tượng về Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THPT Bình Phước ( gọi tắt là Trường dân tộc nội trú) - ngôi trường của con em đồng bào các dân tộc thiểu số nằm ở miền núi nghèo Bình Phước.

Đến Trường dân tộc nội trú (tọa lạc thị xã Đồng Xoài) đập vào mắt mọi người đó là ngôi trường sạch đẹp, mát mẻ, các phòng học, bàn ghế, cầu thang… đều sạch trơn. Dưới ngôi trường ấy hiện có 360 em học sinh thuộc 13 thành phần dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước đang theo học.

Uốn nắn từ đầu vào

Thầy Dương Minh Châu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ trước đến nay, tiêu chuẩn mỗi năm nhà trường được tuyển tổng cộng 120 học sinh. Trước đây theo hình thức xét tuyển, còn năm nay là năm đầu tiên nhà trường tổ chức thi tuyển đầu vào.

Không phải cứ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước học xong lớp 9 là được theo học tại trường mà phải qua sàng lọc khá khó khăn. Như những năm trước đây áp dụng hình thức xét tuyển thì có khoảng 400 em đăng ký, xét 120, còn năm nay hơn 300 đăng ký dự thi, tuyển 120 em, được chia thành 4 lớp. Ngoài ra, các em được xét tuyển vào trường còn phải sinh sống ở những xã đặc biệt khó khăn thuộc các địa phương.

“Cái khó khăn nhất của trường là chất lượng về học lực của học sinh đầu cấp” – thầy Châu nói và lý giải: cứ vào đầu năm học hàng năm, nhà trường tổ chức thi khảo sát hoặc test (thử) đối với học sinh lớp 10 đầu cấp đã “qua vòng loại”.

Qua đợt thi này cho thấy, điểm số của các em rất thấp, thậm chí nhiều em yếu kém, mất căn bản môn học, nhất là các môn khối tự nhiên như toán, lý, hóa, có em được 2 hoặc 3 điểm.

Thời gian biểu cho việc học tập của các em sẽ được áp dụng ngay sau đợt thi theo chương trình đã được “lập trình” sẵn. Ngoài thời gian học chính khóa vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối, các em sẽ được giáo viên của trường dạy phụ đạo hoàn toàn miễn phí, em nào yếu môn nào sẽ được kèm sát môn đó. Thêm nữa, nhà trường hướng dẫn các em hình thành các tổ, nhóm học tập, bạn giỏi chỉ bạn yếu kém. Với quyết tâm của thầy lẫn trò nên thường chỉ sau một học kỳ đầu cấp hầu hết các em được củng cố kiến thức và bắt được nhịp.

“Khi vào trường, rất nhiều học sinh rơi vào tình trạng mất gốc kiến thức do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động tới. Với quỹ thời gian hạn hẹp của giáo viên trên lớp không đủ để theo sát kèm cặp từng học sinh. Vì vậy, cần thiết hơn cả là ý thức học tập cùng sự kèm cặp quản lý sát sao của giáo viên trong trường và sự giúp đỡ của bạn bè, nhờ đó mới có thể khắc phục được tình trạng này” – cô Nguyễn Thị Thúy có 11 năm gắn bó với trường nói, và đưa ra phương pháp khắc phục tình trạng mất căn bản đó là, xác định nguyên nhân gây mất gốc kiến thức ở các em, kế đến là lựa chọn giải pháp phù hợp để kèm các em và sau đó duy trì giải pháp.

Học sinh Trường dân tộc nội trú tập thể dục giữa giờ.

Rèn ý thức tự học

Có thể nói, do sinh ra ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vả lại hoàn cảnh kinh tế gia đình hầu hết đều khó khăn nên ngay từ ngày vào trường, các em đã được thầy cô dạy dỗ, rèn luyện tính siêng năng, ý thức tự học.

Em Châu Thanh - lớp 12A, dân tộc Tày, nhà ở huyện Lộc Ninh, đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính cấp tỉnh, năm học 2015 – 2016, nói: “Hồi đầu năm lớp 10 khi thi sát hạch điểm số của em rất thấp nhưng nhờ được các thầy cô trong trường tận tình dạy dỗ và bạn bè chỉ bảo nên sau khoảng 3 tháng em đã lấy lại được kiến thức cơ bản, từ đó học lực cải thiện rồi em dần tiến lên và bắt kịp bạn bè”.

Em Nông Thị Bích – lớp 12A, dân tộc Tày, đạt giải đồng kỳ thi học sinh giỏi Olympic 19-5 cấp tỉnh, năm học 2015-2016, cho biết, mỗi giờ lên lớp các giáo viên luôn khơi dậy tinh thần và khả năng tự học, tự trau dồi kiến thức cho học sinh.

Em Lý Thị Sao – lớp 12A, dân tộc Tày, đạt giải ba học sinh giỏi toán trên máy tính cấp tỉnh và giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi giải toán trên Internet năm học 2015 – 2016 cho biết: “Ở Trường dân tộc nội trú, thầy cô đã chỉ dạy và tạo cơ hội cho chúng em có thời gian tự học. Chúng em có hứng thú, say mê học hành cũng là nhờ các thầy cô đã truyền lửa, truyền lòng nhiệt tình, say mê cho chúng em. Ngay cả các phương pháp triển khai, phân tích và nghiên cứu sâu về vấn đề, thầy cô đã hướng dẫn và gợi mở cho chúng em, đây là điều quan trọng giúp em đạt điểm cao trong các kỳ thi học sinh giỏi thời gian qua” – em Lý Thị Sao nói.

Các em học sinh cho biết, 100% học sinh của trường không học thêm bên ngoài, tất cả kiến thức đều được các em tự tìm hiểu dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Với phương châm đó, các học sinh đã học tập một cách nghiêm túc, hoàn toàn chủ động và thoải mái, cảm giác chính mình được làm chủ kiến thức khiến các em học tập hăng say hơn. Có lẽ vì thế mà so với các trường dân tộc nội trú khác, mặc dù còn khó khăn nhưng trường đã giành được những thành tích đáng tự hào.

Ngoài ý thức tự học, một điểm đáng khen với học sinh Trường dân tộc nội trú đó là ý thức “săn” học bổng. Theo qui định của nhà trường, học sinh có học lực khá được nhận 20% lương cơ bản/tháng, giỏi 25%, xuất sắc 30%. Theo thống kê, trung bình hàng năm tỉ lệ học sinh khá, giỏi của trường luôn chiếm trên 70%. Cũng theo thống kê, hàng năm nhà trường trao hơn nửa tỉ đồng học bổng cho thành tích học tập của học sinh.

Học sinh Trường dân tộc nội trú trong lễ khai giảng năng học 2016-2017.

Dạy đi đôi với dỗ

Thầy Dương Minh Châu cho biết, chủ trương của trường là dạy đi đôi với dỗ, dạy chữ lễ trước, rồi mới truyền đạt kiến thức. Trong suốt ba năm học, các em đều được trường lồng ghép dạy toàn diện từ truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước đến cách hát Quốc ca, chào cờ, cách bắt tay, chào hỏi người lớn tuổi, bạn bè, nhất là kỹ năng giao tiếp, giữ vệ sinh môi trường…

Thầy Châu khẳng định, ngay từ năm đầu (lớp 10), các giáo viên có nhiệm vụ hướng dẫn chi tiết phương pháp học tập ở lớp, ở ký túc xá, tự học và học tổ, nhóm thế nào để đạt hiệu quả cao. Cô Trần Thị Thanh – Tổ trưởng tổ văn cho biết: “Giáo viên không chỉ đóng vai trò người truyền lửa, nhiệt huyết mà quan trọng là gieo được vào tâm hồn các em đức tính say mê, tự giác trong học tập và khát vọng vươn lên”.

Giờ học chính khóa của học sinh Trường dân tộc nội trú.

Có thể nói tài sản quý của trường là đội ngũ giáo viên. Bằng cách tự rèn luyện, đội ngũ giáo viên của trường mặc dù phần lớn còn trẻ nhưng vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, vừa tâm huyết với nghề, với học sinh, không đòi hỏi cao sang mà chỉ tận tâm, tận lực truyền đạt kiến thức cho học sinh.

“Ngoài lương, giáo viên trong trường còn được hưởng phụ cấp 120%, do đó không người nào đi dạy thêm. Còn đối với học sinh, các em được miễn phí toàn bộ từ ăn ở đến vui chơi giải trí, thể thao” – thầy Châu nói về những ưu tiên của trường được hưởng.

Có được thành công như hôm nay còn là sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo tỉnh Bình Phước. Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện hoàn thiện về cơ sở vật chất để thầy trò yên tâm dạy và học. Từ thành công của Trường dân tộc nội trú cho thấy, nếu địa phương quan tâm đầu tư đúng mức, đúng hướng, thầy trò đoàn kết cùng nỗ lực tiến lên thì sự nghiệp giáo dục ắt sẽ đạt thành công.

Ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước:

Tỉnh Bình Phước có trên 920.000 dân, với 41 trong tổng số 54 dân tộc anh em đang sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 20%.

Mặc dù Trường dân tộc nội trú là ngôi trường của con em đồng bào các dân tộc thiểu số hầu hết có hoàn cảnh kinh tế nghèo khó nhưng những năm qua đã đạt nhiều thành tích đáng tự hào. Biết mình là “con nhà nghèo”, đến từ các vùng quê nghèo của tỉnh nên các em không ỷ lại mà luôn biết tự nỗ lực vượt qua khó khăn, tự ý thức vươn lên trong học tập với mong ước giản dị, đó là bằng kiến thức đã học sau này trở thành công dân tốt, có việc làm ổn định.

Ngoài ra, nhà trường đã tạo được niềm tin vững chắc nơi các bậc phụ huynh học sinh. Những phụ huynh có con em học ở Trường dân tộc nội trú luôn an tâm và rất tin tưởng vào sự giáo dục của nhà trường. Học sinh không chỉ được trang bị kiến thức mà còn được giáo dục đạo đức, lễ nghĩa, cách cư xử và giao tiếp có văn hóa, được lớn lên cả thể xác, trí tuệ và tâm hồn.

Đức Trí

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/an-tuong-ngoi-truong-cua-cac-dan-toc-411780/