Ấn tượng Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn năm 2024

Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn được duy trì và tổ chức thường niên vào tháng 3 âm lịch. Đây là thời điểm giao thoa giữa mùa Xuân với mùa Hạ, việc tổ chức lễ hội vừa để nhân dân vui hội, vừa rèn luyện kỹ năng sinh tồn như câu ngạn ngữ

Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn được duy trì và tổ chức thường niên vào tháng 3 âm lịch. Đây là thời điểm giao thoa giữa mùa Xuân với mùa Hạ, việc tổ chức lễ hội vừa để nhân dân vui hội, vừa rèn luyện kỹ năng sinh tồn như câu ngạn ngữ "cơm cày, cá kiếm”. Đây là lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, lễ hội là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường Tló.

Thi quăng chài tại Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn năm 2024.

Năm 2024, lễ hội được tổ chức ngày 6/5 (tức 28/3 âm lịch), gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra tại miếu thờ Khoang Lở, xóm Tân Lập. Thầy mo làm lễ cảm tạ thần linh, thổ địa, thành hoàng, hà bá đã ban cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ông Bùi Văn Ẹo, Nghệ nhân mo Mường xóm Tân Lập cho biết: "Từ thời xưa đến nay, việc tổ chức lễ hội được tiến hành trang nghiêm. Lễ hội đánh cá suối tháng 3 hay còn gọi là Lễ xuống đồng làm cỏ lúa, sau khi cày bừa và cấy xong vụ xuân, lúc cây lúa đã cứng cáp, người dân trong vùng tổ chức đánh cá tập thể ở khoang suối Bo và Khoang Lở. Những con cá nào to nhất sẽ được dân làng dâng lên cúng thờ thành hoàng tại miếu thờ để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn… Xưa kia, đồ tế lễ ngoài xôi, rượu thì nhất thiết phải có 5 con cá to nhất đánh bắt được. Phần lễ được thực hiện trang nghiêm, đầy đủ nghi thức tại miếu thờ, với mong muốn dòng suối Cái mát lành là nơi sinh sôi phát triển của nhiều loài cá, nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng tới người dân về việc giữ gìn và bảo tồn môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên”.

Phần hội diễn ra từ sáng sớm tại sân bãi trước miếu với các hoạt động văn nghệ dân gian như: Hòa tấu chiêng, hát đối, hát thường rang bộ mẹng… và các trò chơi dân gian: thi chèo bè, thi quăng chài, thi đánh bắt cá…; giới thiệu trưng bày các gian hàng ẩm thực với những món ăn độc đáo của người Mường. Ngày nay có thêm một số môn: bơi, bóng chuyền, bóng đá...

Bà Bùi Thị Chọn, xóm Tân Lập chia sẻ: Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn là một trong những lễ hội rất độc đáo của người Mường Tân Lạc. Lễ hội được tổ chức không chỉ thể hiện sự gắn kết, giao lưu giữa cộng đồng với nhau mà còn thể hiện thái độ, trách nhiệm giữa con người với mẹ thiên nhiên và được hòa mình cùng thiên nhiên. Đồng thời là dịp để người dân vui chơi, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng”. Năm nào bà Chọn cũng đi dự lễ hội, với bà đến lễ hội không chỉ được sống trong không gian văn hóa đặc sắc của người Mường Tló, mà còn được thưởng thức các hoạt động giải trí và thỏa nguyện nhu cầu văn hóa tâm linh.

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn cho biết: Hiện nay, do có phương tiện truyền thông hiện đại, Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn được nhiều người biết đến và tham gia, trở thành ngày hội lớn, thu hút nhiều du khách thập phương. Việc tổ chức lễ hội góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống của người Mường sinh sống ở huyện Tân Lạc. Cùng với đó, tuyên truyền sâu rộng đến người dân cần trân trọng, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên ban tặng. Đồng thời động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua học tập, lao động, sản xuất, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Để bảo tồn lễ hội độc đáo này, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã thả thêm cá giống để vừa cải thiện môi trường nước và phục vụ lễ hội hàng năm.

Mai Chinh (Trung tâm VH-TT&TT huyện Tân Lạc)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/189146/an-tuong-le-hoi-danh-ca-suoi-truyen-thong-xa-lo-son-nam-2024.htm