Ấn tượng điệu múa câu cá trong nghệ thuật hát múa Ải Lao

Điệu hát múa Ải Lao là nghi thức truyền thống chỉ diễn ra ở lễ hội Gióng làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội mang tính nhân văn và thể hiện khát vọng hòa bình của người Việt Nam ta.

Theo tìm hiểu, hát múa Ải Lao là một loại hình nghệ thuật dân gian độc nhất vô nhị, mỗi lời hát cất lên đều theo một nhịp trống, nhịp phách vô cùng đặc biệt.

Tại hội Gióng đền Phù Đổng hàng năm (tháng ba Âm lịch), hát múa Ải Lao được coi là một trong những nghi lễ quan trọng và đã trở thành tục lệ của người dân nơi đây dịp Tết đến Xuân về.

Điệu hát múa Ải Lao uyển chuyển, linh hoạt mang đậm nét văn hóa truyền thống dân gian Việt Nam.

Hiện nay, phường Ải Lao đang biểu diễn 14 bài hát là: Lễ trình, Hát thờ đền Thượng, Hát sử, Kéo hội đi đường, Rước hội xuống đồng vào Giá Ngự, Uốn cành, Tre ngà, Hát thờ đền Mẫu, Giải núi, Vào chùa hát thờ, Lập đồn, Lễ tạ, Lên đình Hội Xá, Vào chùa. Hiện các bài hát Ải Lao cổ vẫn được Phường lưu giữ và phát huy.

Nhân vật ông Hoàng Hổ (giữa) và những người trong phường hát Ải Lao là đoàn quân tượng trưng cho đội quân tổng hợp, đã đoàn kết một lòng vùng lên đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Theo dân gian truyền miệng, thời Hùng Vương thứ 6, nước Văn Lang khi đó có giặc Ân phương Bắc sang xâm lược, ông Gióng làng Phù Đổng cưỡi ngựa sắt phá cường Ân, khi qua sông Thiên Đức, đám trẻ làng Hội Xá đã buộc trâu bò, đi theo ông Gióng đánh giặc. Trước khi ông Gióng ra trận, đoàn Ải Lao thực hiện nhiệm vụ khám đường (kiểm tra đường, bãi đánh trận). Sau trận thắng của ông Gióng, lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và lễ khao quân tổ chức trong không khí rộn rã của lời ca, điệu múa của phường Ải Lao.

Trong đoàn quân đi theo ông Gióng có ông Hoàng Hổ, là một trong những thiên tướng nhà Trời được sai xuống đi theo Thánh Gióng đánh giặc. Thắng giặc rồi, ông Gióng lên đỉnh núi Sóc Sơn, cả người cả ngựa bay về trời. Mẹ ông Gióng không thấy con về, bà buồn rầu, thương nhớ. Đám trẻ trâu được lệnh nhà Vua đã đến bên mẹ Gióng hát múa cho bà vơi đi nỗi buồn. Từ đó có tên phường hát múa Ải Lao.

Theo Nhà nghiên cứu Cao Huy Đính, người đã có nhiều công nghiên cứu về hát múa Ải Lao xác định hai từ Ải Lao theo Hán cổ là buộc trâu bò. Vì vậy, đám trẻ trâu Hội Xá buộc trâu bò theo ông Gióng đánh giặc được gọi là phường Ải Lao.

Tại hội Gióng đền Phù Đổng vào tháng ba âm lịch hàng năm, hát múa Ải Lao được coi là một trong những nghi lễ quan trọng. Ông Hoàng Hổ và phường Ải Lao là đoàn quân tượng trưng cho đội quân tổng hợp, đã đoàn kết một lòng đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Ngoài Hội Gióng ở đền Phù Đổng, hiện nay, phường Ải Lao còn biểu diễn ở hội làng Hội Xá (ngày 8 - 9 tháng Hai Âm lịch) và hội làng Đổng Xuyên (ngày 8 tháng Tư Âm lịch). Hát múa Ải Lao gắn liền với Thánh Gióng - một trong Tứ bất tử, cùng với tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước.

Người tham gia phường Ải Lao đều phải trai đinh của các giáp, ngoại tộc không được tham gia. Hiện nay, các thành viên của phường Ải Lao đều từ 35 tuổi trở lên, nhiều người trên 60 tuổi. Do đó, phường Ải Lao góp phần bảo tồn, gìn giữ nhiều khía cạnh nghệ thuật như các điệu múa cổ, ca từ cổ và làn điệu cổ truyền lại từ bao đời.

Không khí hát múa Ải Lao tại khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sáng 13/2.

Với giá trị tiêu biểu, Hát múa Ải Lao được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL ngày 16/9/2016.

Việt Trung

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/an-tuong-dieu-mua-cau-ca-trong-nghe-thuat-hat-mua-ai-lao-post284395.html