An toàn trong du lịch – cần lường trước rủi ro

Vụ việc du khách bị nước lũ cuốn trôi ở khu du lịch Làng Cù Lần hay du khách trượt chân té ngã tử vong ở khu du lịch Langbiang, tỉnh Lâm Đồng… đặt ra nhiều vấn đề về việc đảm bảo an toàn cho du khách, đặt biệt là các hoạt động du lịch có yếu tố mạo hiểm.

Cần lường trước rủi ro, nâng cao chuyên môn đội ngũ phục vụ

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Kim Phúc, Giám đốc sáng lập và điều hành Công ty cổ phần We 4U và Anh K’Ho Trekking, cho rằng trong việc thực hiện tour du lịch, công tác đảm bảo an toàn cho du khách là điều bắt buộc, trước hết về đội ngũ phải chuẩn về nghiệp vụ, thứ hai nữa là khả năng lường trước rủi ro.

“Giả sử, hôm đó trời mưa thì bắt buộc là phải hủy tour, tuyến đó lại và mình hoàn tiền cho khách, mặc dù là công ty thiệt hại nhưng phải đảm bảo an toàn là trên hết. Các yếu tố liên quan đến thời tiết, mưa giông, lốc xoáy, lũ quét… không thể kiểm soát được, nên bắt buộc phải thông báo với khách hoãn, hủy hoặc có thể bảo lưu cho chuyến đi sau”, ông Phúc nói thêm.

Du khách đi xe jeep tại khu du lịch Làng Cù Lần. Ảnh: Fanpage khu du lịch Làng Cù Lần

Du khách đi xe jeep tại khu du lịch Làng Cù Lần. Ảnh: Fanpage khu du lịch Làng Cù Lần

Du lịch thể thao cũng như du lịch mạo hiểm có đặc thù về cứu hộ cứu nạn, cần đội ngũ phục vụ có kinh nghiệm, đảm bảo an toàn cho người tham gia. Chia sẻ về điều này, ông Lê Lưu Dũng, CEO của Jungle Boss – đơn vị chuyên tour thám hiểm ở Quảng Bình, cho rằng hướng dẫn viên cho tour du lịch mạo hiểm đòi hỏi nhiều tiêu chí như về sức khỏe, kiến thức kỹ năng dã ngoại, khả năng thích nghi với môi trường tự nhiên, chuyên môn cứu hộ cứu nạn và chăm sóc khách hàng trong trường hợp cần thiết.

Du khách khám phá một dòng thác còn hoang sơ ở Lâm Đồng.

Du khách khám phá một dòng thác còn hoang sơ ở Lâm Đồng.

Ngày 26-10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý đối với các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Theo đó, có yêu cầu việc kinh doanh vận chuyển du lịch phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về an toàn đối với phương tiện, người lao động và đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách; yêu cầu cam kết việc vận chuyển khách du lịch tại Khu du lịch Lang Biang (và các khu, điểm du lịch tương tự) đảm bảo không vượt quá tốc độ 20km/giờ.

Nói về vụ tai nạn tại khu du lịch Làng Cù Lần, ông Phúc nhận định đây là điều đau xót cho cho cả du khách, lẫn danh tiếng du lịch Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. “Thực tế, đây là tai nạn ngoài ý muốn. Đây chưa hẳn là một “tour thể thao mạo hiểm” mà chỉ là sử dụng xe jeep để lội suối trong phạm vi một khu du lịch và dịch vụ này đã thực hiện khá lâu. Tuy nhiên, về độ an toàn của xe jeep hay xe UAZ tôi không đánh giá cao”, ông Phúc chia sẻ.

Mỗi khi xảy ra tai nạn liên quan đến hoạt động du lịch, lại rộ lên vấn đề “mất bò mới lo làm chuồng”, điều đó cho thấy ngành còn đang lúng túng, loay hoay với loại hình du lịch thể thao bảo hiểm, thay vì kiểm soát những nguy cơ gây mất an toàn cho du khách ngay từ đầu, ông Phúc nói.

Đơn vị cung cấp và du khách cần kiểm tra kỹ các yếu tố đảm bảo an toàn khi tham gia tour du lịch mạo hiểm. Ảnh: TL

Đơn vị cung cấp và du khách cần kiểm tra kỹ các yếu tố đảm bảo an toàn khi tham gia tour du lịch mạo hiểm. Ảnh: TL

Chủ động từ phía người tham gia du lịch mạo hiểm

Du khách P.N đến từ TPHCM, từng tham gia tour du lịch vượt thác ở Đà Lạt, cho rằng bản thân du khách cũng phải tự “đảm bảo an toàn” cho chính mình trong hành trình du lịch. Thứ nhất, cần xem xét về tình hình sức khỏe có đủ để tham gia hay không. Thứ hai, cần tuân theo hướng dẫn, quy trình bảo hộ của hướng dẫn viên. Cuối cùng là du khách nên ý thức được mức độ nguy hiểm khi tham gia tour, không vì những bức ảnh “check-in” mà “liều mình”. Khi đó mọi việc có thể nằm “ngoài tầm kiểm soát” của những người phục vụ du lịch, gây ra trường hợp tai nạn đáng tiếc.

“Hơn nữa, quản lý các khu, điểm du lịch cần chủ động lường trước những tình huống bất ngờ xảy ra và có biện pháp xử lý nhanh chóng, đưa yếu tố an toàn cho du khách lên hàng đầu”, anh P.N nói thêm.

Du khách đội nón bảo hộ, mặc áo phao khi tham gia tour “vượt thác”. Ảnh: Netin Travel

Du khách đội nón bảo hộ, mặc áo phao khi tham gia tour “vượt thác”. Ảnh: Netin Travel

Ngoài ra, khách du lịch có thể gia tăng sự an toàn cho chuyến đi với dịch vụ bảo hiểm du lịch. Khi xảy ra rủi ro, người mua tham gia bảo hiểm du lịch trong nước sẽ nhận được các quyền lợi liên quan đến tai nạn, tử vong, bệnh tật, trễ chuyến, hủy chuyến, thất lạc hành lý… Số tiền bảo hiểm chi trả cho mỗi loại rủi ro sẽ được căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm mà du khách ký kết với công ty bảo hiểm hoặc nằm trong chương trình bảo hiểm du lịch được đơn vị lữ hành cung cấp.

Hiện, có các loại hình bảo hiểm du lịch phổ biến gồm bảo hiểm du lịch nội địa, bảo hiểm du lịch quốc tế và bảo hiểm du lịch dành cho khách nước ngoài đi du lịch ở Việt Nam. Đối với bảo hiểm du lịch nội địa, người đi du lịch theo hình thức đặt tour hầu hết được công ty du lịch mua sẵn bảo hiểm du lịch, kèm với giá chuyến đi.

Nguyên Phong – Ngọc Khuyến

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/an-toan-trong-du-lich-can-luong-truoc-rui-ro/