An toàn thực phẩm 'mùa' Trung thu

Trước những nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Thái Nguyên đã tham mưu với tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nước giải khát… trên địa bàn.

Sau mấy năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tết Trung thu 2023 là dịp để các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và người dân trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho trẻ em. Theo đó, nhu cầu của người dân về các loại thực phẩm như nước giải khát, bánh, kẹo, sữa chế biến, sản phẩm từ tinh bột và đặc biệt là bánh nướng, bánh dẻo tăng đột biến. Do vậy, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm “mùa” Trung thu được rất nhiều người quan tâm.

Nhằm đảm bảo ATVSTP, Siêu thị Minh Cầu chỉ kinh doanh các loại bánh nướng, bánh dẻo có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, Siêu thị cũng sản xuất và tung ra thị trường các loại bánh chất lượng.

Nhằm đảm bảo ATVSTP, Siêu thị Minh Cầu chỉ kinh doanh các loại bánh nướng, bánh dẻo có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, Siêu thị cũng sản xuất và tung ra thị trường các loại bánh chất lượng.

Tìm hiểu tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quầy tạp hóa, các địa điểm bán hoa quả trên địa bàn TP. Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy các mặt hàng thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Trung thu năm nay khá đa dạng.

Ngoài những hoa quả, nước giải khát, bánh, kẹo đang được tiêu thụ khá mạnh thì các loại bánh nướng, bánh dẻo cũng được hầu hết gia đình lựa chọn. Chị Nguyễn Kim Oanh, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Tết Trung thu không thể thiếu bán nướng, bánh dẻo. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tôi thường chọn các loại bánh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như Kinh Đô, Hữu Nghị…

Có thể thấy, nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình, người dân đã chủ động lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trên nhãn mác có ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Riêng đối với mặt hàng hoa quả, hầu hết người dân lựa chọn những cửa hàng kinh doanh hoa quả “sạch” hoặc đến các siêu thị như Minh Cầu, Go… để mua hàng.

Khi nhận thức của người dân ở các đô thị về ATVSTP được nâng lên, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lại được đưa về các vùng nông thôn, miền núi, vùng cao trong tỉnh.

Ông Hà Văn Rã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai, nói: Các loại thực phẩm kém chất lượng là một trong những những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn về mất ATVSTP, Sở Y tế Thái Nguyên đã tham mưu với tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nước giải khát… trên địa bàn.

Ông Lý Văn Cảnh, Trưởng Phòng ATVSTP, Sở Y Tế, cho hay: Hoạt động thanh, kiểm tra nhằm chấn chỉnh hành vi sản xuất, kinh doanh mất ATVSTP. Đây cũng là dịp để các cấp, ngành chức năng hướng dẫn các địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, nhất là việc thay đổi hành vi sử dụng thực phẩm đúng hướng dẫn vệ sinh ATTP và phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh hoạt động thanh, kiểm tra, ngành Y tế cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn phải có trang thiết bị, dụng cụ đảm bảo vệ sinh; gửi mẫu kiểm nghiệm định kỳ; người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm phải khám sức khỏe định kỳ đầy đủ.

Đặc biệt, nguyên liệu chế biến thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế.

Cùng với đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở sử dụng bao bì thực phẩm phải sạch sẽ, an toàn, ghi nhãn sản phẩm đầy đủ thông tin có ngày sản xuất, hạn sử dụng, số công bố sản phẩm, cách bảo quản thực phẩm.

Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay: Chúng tôi yêu cầu các cơ sở kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo điều kiện vệ sinh nơi bán sản phẩm, bảo quản bánh nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để bánh trực tiếp dưới ánh nắng, không để gần hàng hóa có mùi lạ; tuyệt đối không được bán bánh quá hạn sử dụng, bánh mốc. Người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ đầy đủ.

Bên cạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cấp, ngành chức năng, người dân cũng nên chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân. Ngoài việc mua thực phẩm ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện vệ sinh, sản phẩm có xuất xứ, khi sử dụng, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, người tiêu dùng nên hợp tác, báo cáo với chính quyền địa phương, cơ quan y tế gần nhất để đề phòng ngộ độc thực phẩm…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/suc-khoe/202309/an-toan-thuc-pham-mua-trung-thu-f5d7b1d/