Ăn thịt thú rừng có thực sự sạch và mang lại may mắn trong ngày Tết như nhiều người nghĩ?

Ngày Tết, nhiều gia đình lặn lội nhờ mua một số loại thịt thú rừng để thưởng thức với tâm lý sạch, may mắn cả năm. Liệu ăn thịt thú rừng có thực sự sạch và mang lại may mắn trong ngày Tết như nhiều người nghĩ?

Ăn thịt thú rừng liệu có sạch?

Những ngày Tết đến, ăn thịt thú rừng, đặc biệt các loài như tê tê, cầy/chồn, lợn rừng, dúi, don…, được coi là sở thích và đặc sản của nhiều người dân. Thậm chí, còn có quan niệm cho rằng ăn các loại thịt thú rừng ngày Tết để may mắn, là sạch vì có nguồn gốc từ tự nhiên. Bởi vậy mà giá thịt thú rừng những ngày cận Tết càng được đẩy lên cao.

Tuy nhiên, việc cho rằng thịt thú rừng ‘siêu sạch’ mà ăn tái, ăn tiết canh lại là sai lầm của người tiêu dùng. Đã có những trường hợp nhiễm giun xoắn do ăn thịt lợn rừng thật đáng tiếc. Thông tin từ Viện Sốt rét – ký sinh trùng - côn trùng trung ương, nhiều con lợn rừng đã mang trong mình ấu trùng giun xoắn, liên cầu khuẩn… nên khi ăn thịt lợn rừng chưa chín hay ăn tiết canh, ăn tái… rất dễ bị nhiễm các loại mầm bệnh này.

Ngoài ra, ăn tiết canh lợn rừng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mắc liên cầu khuẩn lợn. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), giống lợn nào cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Tỷ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn không triệu chứng trong một đàn lợn luôn ở mức 60% - 100%. Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, thậm chí có người bị bệnh sau 1-2 tuần.

'Thịt thú rừng' vẫn tiền ẩn nguy cơ với sức khỏe con người. Ảnh LĐ

Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn diễn biến bệnh nặng rất nhanh. Người nhiễm có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc nổi các ban trên người, chỉ sau vài giờ đã diễn biến nặng khi không được cấp cứu kịp thời. Việc điều trị lại vô cùng tốn kém mà không dễ dàng. Nếu chữa khỏi, tỷ lệ để lại di chứng nặng nề vẫn cao, phổ biến nhất là điếc, di chứng thần kinh, hoại tử phải cắt cụt chi…

Chuyên gia cũng cho biết, không chỉ ăn tiết canh, những người chế biến, giết mổ… không tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn cũng có thể nhiễm liên cầu khuẩn thông qua các tổn thương, trầy xước trên da. Ngoài thịt lợn rừng, các loài động vật hoang dã khác như tê tê, khỉ, cầy/chồn, chim trời, dúi… đầu tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh có khả năng lây truyền giữa người và động vật.

Nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi từ động vật hoang dã

Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện Wildlife Conservation Society Văn phòng Việt Nam (WCS Việt Nam) cho biết, việc săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, và chế biến trái phép các loài động vật hoang dã tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro.

Đầu tiên là rủi ro về mặt pháp lý, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, người thực hiện các hành vi như săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, chế biến động vật rừng trái quy định pháp luật có nguy cơ bị phạt tiền lên tới 400 triệu đồng theo quy định của Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi ghị định 07/2022/NĐ-CP) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng hơn, tùy theo nhóm loài bị xâm hại, người thực hiện các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm xử lý hình sự với mức phạt tù từ 6 tháng lên tới 15 năm tù, quy định tại Điều 234 và Điều 244 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện Wildlife Conservation Society Văn phòng Việt Nam (WCS Việt Nam)

Bên cạnh đó, là những nguy cơ đối với sức khỏe con người. Bà Thủy cũng cho biết thêm, các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng trên 60% các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi trên người có nguồn gốc từ động vật và 2/3 trong số đó là các bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Tại Việt Nam, WCS Việt Nam đã và đang phối hợp với các đối tác trong nước thực hiện nghiên cứu về những mầm bệnh trên các loài động vật hoang dã và các rủi ro lây truyền giữa người và động vật, nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Sau hơn 10 năm nghiên cứu, 46 virus được phát hiện trên nhiều loài động vật hoang dã khác nhau (như linh trưởng, tê tê, cầy/chồn, dơi, nhím, dúi…) tại các mắt xích dọc theo chuỗi cung ứng động vật hoang dã tại Việt Nam; trong đó có 26 virus mới chưa từng được phát hiện trước đây và 20 virus đã biết.

Trong số 26 virus mới, có 5 chủng virus thuộc họ corona (gồm các virus đã gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm như SARS, COVID-19, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS)…), 2 chủng virus thuộc họ Herpes (gồm các virus đã gây ra các bệnh như thủy đậu, zona), 5 chủng virus thuộc họ Paramyxo (gồm các virus đã gây ra các bệnh như sởi, quai bị và gần đây bệnh do virus Nipah cũng là 1 chủng virusthuộc họ Paramyxo-) và 14 chủng virus Rhabdo (gồm các virus gây bệnh dại…).

Trước bối cảnh nhiều dịch bệnh mới nổi xuất hiện trong thời gian gần đây được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến động vật hoang dã, để ngăn ngừa các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai, bà Hoàng Bích Thủy nhấn mạnh việc cần có một giải pháp đồng bộ từ quản lý động vật hoang dã, phòng chống dịch bệnh lây truyền giữa người và động vật cũng như các chế tài xử lý đủ sức răn đe.

Trong đó, một số giải pháp cấp bách có thể thực hiện, bao gồm: (1) Bổ sung quy định về kiểm soát dịch bệnh lây truyền giữa động vật hoang dã và người trong dự thảo Luật Phòng bệnh đang được xây dựng; (2) Nghiên cứu và ban hành các quy định liên quan đến kiểm soát tiêu thụ động vật hoang dã và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, trong đó cần đưa ra các chế tài xử phạt tương ứng đối với tiêu thụ trái pháp luật động vật hoang dã; (3) Tăng cường truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã và các rủi ro lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật để nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/an-thit-thu-rung-co-thuc-su-sach-va-mang-lai-may-man-trong-ngay-tet-nhu-nhieu-nguoi-nghi-172240208120758071.htm