Ăn thịt lợn chưa nấu chín có nguy cơ nhiễm giun sán

Nhiều người cho rằng chỉ ăn tiết canh thì mới bị nhiễm giun sán. Tuy nhiên, nếu ăn thịt lợn chưa được nấu chín cũng sẽ có nguy cơ bị nhiễm giun sán như bệnh liên cầu khuẩn lợn, sán dây lợn, giun xoắn…

1.Bệnh liên cầu khuẩn lợn

Bệnh liên cầu khuẩn lợn (vi khuẩn Streptococcus suis) có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó lợn là chủ yếu.

Bệnh có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị. Vi khuẩn này "cư trú" trong hầu họng lợn, có thể lây truyền sang người qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn bệnh, hoặc qua ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

Đây là bệnh nguy hiểm bởi vi khuẩn có thể gây viêm màng não, để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Ở một số địa phương 95 - 98% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn bị viêm màng não.

Người bị lây bệnh này do tiếp xúc với lợn bị bệnh, với thịt lợn và sản phẩm của lợn bệnh, do ăn phải thực phẩm nhiễm Streptococcus suis, đặc biệt là món tiết canh lợn. Vi khuẩn Streptococcus suis phát triển thuận lợi ở nhiệt độ bình thường, nhất là ở 37 - 38 độ C. Do đó, thức ăn, nước uống bảo quản không đảm bảo vệ sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Đặc biệt, các thức ăn chế biến từ lợn như lòng lợn, tiết canh và các thức ăn nguội làm sẵn bày bán không hợp vệ sinh sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi.

Cần lưu ý có thể lợn mang liên cầu lợn nhưng không có biểu hiện bệnh, do đó ngay cả khi ăn thịt lợn "sạch" thì vẫn cần nấu chín.

Liên cầu khuẩn lợn có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bị bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa được nấu chín hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da (đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…).

2. Giun xoắn

Giun xoắn (Trichinella Spiralis) là ký sinh trùng đặc biệt nguy hiểm, vượt hẳn ra ngoài giới hạn các bệnh giun sán thông thường. Nó cũng là bệnh giun duy nhất gây sốt cao kéo dài ở giai đoạn đầu, có thể nhầm với các bệnh nhiễm khuẩn nặng như thương hàn, sốt rét…

Người mắc bệnh giun xoắn chủ yếu là do ăn phải thịt lợn bị nhiễm giun xoắn nấu chưa chín, nhất là món lòng lợn luộc chưa kỹ và món tiết canh, vì trong thành ruột non và máu con vật này có rất nhiều giun xoắn và ấu trùng.

Giun xoắn rất nhỏ, mắt thường khó nhìn thấy. Chúng sống chủ yếu trong ruột non một số loài vật, đặc biệt là lợn. Những ấu trùng giun xoắn khi mới sinh chỉ 90 - 100 micromet, theo máu đi khắp cơ thể rồi dừng lại ở các cơ và thành kén trong các cơ. Trong kén này (bào nang), ấu trùng cuộn tròn lại ẩn nấp và sống rất bền bỉ.

Các chuyên gia về ký sinh trùng cho hay, người bị nhiễm ấu trùng giun xoắn khi ăn phải thịt có kén mang ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín. Vào cơ thể người, ấu trùng thoát kén tại dạ dày và di chuyển đến ruột non.

Ở ruột non, chỉ sau 24 giờ ấu trùng nhanh chóng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4 - 5 ngày giun cái có thể đẻ ấu trùng. Trong khoảng 4 - 6 tuần ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim trái và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành... ký sinh bất cứ nơi đâu, tạo kén.

Sau 10 - 15 ngày, các kén có ấu trùng này có khả năng lây nhiễm. Kén giun xoắn trong tổ chức cơ có thể tồn tại vài năm, thậm chí tới 20 - 30 năm và vẫn có khả năng lây nhiễm.

Nếu ăn thịt lợn chưa được nấu chín sẽ có nguy cơ bị nhiễm giun sán

3. Bệnh sán dây

Bệnh sán dây ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành.

Nếu ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn thì sẽ bị nhiễm ấu trùng sán lợn.

Sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt…

Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết.

Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Bị mắc bệnh sán trưởng thành ở ruột nếu ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo). Khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non, rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.

Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới. Mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 - 12 mét. Chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.

Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt, chủ yếu gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Triệu chứng chủ yếu là người bị bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài. Đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.

Như vậy, có thể nói không chỉ tiết canh mà ngay cả khi thịt lợn chưa được nấu chín cũng có nguy cơ bị nhiễm giun sán rất cao. Để phòng bệnh thì không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống (nguy cơ bệnh ấu trùng sán lợn).

BS Lê Thị Hằng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/an-thit-lon-chua-nau-chin-co-nguy-co-nhiem-giun-san-169240204135944461.htm