Ăn ong đầu mùa

Gần Tết, khách có nhu cầu mua mật ong để xài nhiều hơn, anh Hai Khanh (Phạm Duy Khanh, chủ Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt, Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) cũng bắt đầu những chuyến ăn ong đầu mùa. Từ đầu tháng 11 âm lịch, mưa đã dứt, trời nắng ráo, hoa tràm nở thơm bát ngát, báo hiệu vào mùa gác kèo ong, anh Khanh rủ tôi đi cùng.

Ăn ong là cách nói quen thuộc của người dân địa phương về quá trình đi lấy mật của tổ ong và chỉ mùa nắng thì mật mới ngon. Từ TP Cà Mau, 6 giờ sáng là tôi xuất phát. Chạy xe hơn 1 tiếng đồng hồ, vừa gần tới nơi thì thấy anh Hai Khanh chạy xe cái vèo ngang mặt. Tới nhà hỏi thăm thì chị Hai (vợ anh Khanh) nói: “Khách gọi điện dặn ảnh mấy bữa trước mà lo đi gác kèo, hồi tối này ảnh mới nhớ ra. 5 giờ sáng đi cắt 4 tổ, được 20 lít mật giao cho khách”.

Vậy là anh Khanh gởi tôi cho anh Hai Hoàng (Huỳnh Vũ Hoàng) dẫn đi rừng lấy thêm 1 tổ nữa để giao cho khách ở Ðá Bạc. Anh Hoàng cũng là thợ rừng, hơn 20 năm kinh nghiệm làm nghề gác kèo ong, ăn ong. Anh đem theo thau, xịa, bó đuốc xơ dừa, cây dao, 2 cái nón bảo hộ. Anh Hoàng nói: “Làm đuốc hun khói bằng xơ dừa là tốt nhất, mùi khói dễ chịu, ong không hoảng loạn đến nỗi bỏ kèo đi luôn”.

Ðể cắt được tổ ong, thợ rừng dùng xơ dừa quấn thành bó đuốc, hun khói cho đàn ong tạm thời bay ra khỏi tổ.

Ðây là lần thứ ba tôi đi rừng ăn ong. Dù đã dạn dĩ hơn nhưng khi anh Hoàng chỉ cho tôi thấy cái tổ ong thiệt bự trên kèo, tôi lại bắt đầu run, tim đập thình thịch. Anh Hoàng càn qua đám sậy rậm rạp, tôi cố nén lo, men theo sau. Tới tổ ong, anh Hoàng nhẹ nhàng thổi đuốc cho ra khói, đàn ong vỡ tổ túa ra đen trên đầu. Tổ ong này đóng được nửa tháng, đã đủ mật để thu hoạch. Anh Hoàng nhắm chừng: “Tổ này bề ngang chừng 1,8 m, dài xuống chừng 9 tấc”.

Anh Hoàng nhanh nhẹn cắt 1/3 phần mật và tàng ong non, mỗi tổ nếu khai thác tốt có thể lấy mật từ 3-4 lần.

Phần mật đã đầy ống, được bít lớp sáp trắng bên ngoài là mật rất ngon. Khi trời nắng, hoa tràm nở nhiều, ong hút được nhiều mật hơn.

Tôi mải chụp hình nên bị ong chích 2 mũi trên tay. Nhớ lời mấy anh từng dặn, ong có chích cũng không được đập vì ong nghe mùi đồng loại (khét nọc) sẽ kéo đến đông hơn, nên tôi chỉ dám phủi nhẹ cho ong bay đi rồi gỡ kim ra, chuồi lẹ xuống xuồng. Thấy tôi bị ong tấn công, anh Hoàng trấn an, đưa bó đuốc cho tôi thổi khói, huơ huơ cho ong bay đi, còn anh thì bơi xuồng thiệt lẹ ra khỏi đám rừng.

Vô tới nhà, chị Hai lẹ tay giúp tôi chườm nước đá vô chỗ bị ong chích và đưa chai dầu cho tôi xức, rồi lo đóng mật để kịp giao cho khách. Những người khách như tôi, khi muốn tìm hiểu về nghề này thì vẫn thích hành trình đi ăn ong hơn là đi gác kèo để thấy thành quả của những người thợ rừng lao động vất vả; tận mắt thấy cách thu hoạch những giọt mật kỳ diệu của vùng rừng tràm U Minh Hạ. Mỗi lần đến tôi càng yêu cái sự tự nhiên, mộc mạc, gần gũi, chịu thương chịu khó của con người và vùng đất nơi đây.

Ði cắt 1 tổ ong được 5 lít mật, chị Hai Khanh đóng mật để kịp giao cho khách.

Tàng ong non có độ đạm và dinh dưỡng cao, có thể chế biến được nhiều món ngon, như gỏi ong non bắp chuối, gỏi cuốn ong non, cháo ong non, ong non chiên giòn...

Thảo Mơ thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/an-ong-dau-mua-a30694.html