'Án mạng lầu 4' - Lương Bích Hữu, Trương Thế Vinh gây thất vọng

Dự án của Nguyễn Hữu Tuấn có sự độc đáo nhất định so với nhiều phim Việt thời điểm hiện tại. Song, tác phẩm bộc lộ nhiều hạn chế về kịch bản, diễn xuất.

Genre: Giật gân
Director: Nguyễn Hữu Tuấn
Cast: Lương Bích Hữu, Trương Thế Vinh...
Rating: 4/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

Lấy cảm hứng từ một bộ phim Iran trình làng tròn 1 thập kỷ trước, Án mạng lầu 4 là tác phẩm thuộc thể loại giật gân/tâm lý tội phạm, có lồng ghép một số yếu tố kinh dị.

Chuyện phim xoay quanh cặp vợ chồng trẻ tên Thắng (Trương Thế Vinh) và Đình Đình (Lương Bích Hữu). Ngay trước giờ ra sân bay sang nước ngoài, họ nhận lời trông giúp đứa bé sơ sinh từ người hàng xóm. Không lâu sau, cặp đôi bàng hoàng phát hiện đứa bé đã chết từ lúc nào. Đứng trước tình huống bất ngờ, họ phải cùng nhau tìm ra thủ phạm đã đẩy mình vào tình thế này.

Tác phẩm có thời lượng 106 phút, lấy bối cảnh chính xoay quanh căn chung cư mà vợ chồng Thắng và Đình Đình sinh sống.

Có ý tưởng nhưng đi chệch hướng

Đứa con tinh thần của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn có sự pha trộn nhiều thể loại. Song nhìn chung, có thể nói bộ phim chủ yếu thuộc dòng tâm lý tội phạm chứ không phải kinh dị, dựa vào phương thức mà nó tác động tới người xem.

Thông thường, ý định của một phim kinh dị là gây kinh hãi, ám ảnh bằng cách đánh thức những nỗi sợ tiềm ẩn - cách các nhà làm phim làm tăng vọt lượng adrenaline trong máu khán giả. Song, yếu tố này hiện lên khá mờ nhạt với Án mạng lầu 4. Thay vào đó, tác phẩm tập trung tái hiện và phân tích tâm lý nhân vật khi bị đặt trong một vụ việc bí ẩn, gây tò mò. Cái chết của đứa bé là cái cớ đẩy đôi vợ chồng trẻ vào hành trình khám phá những bí mật ẩn giấu phía sau.

Đi theo thể loại truy tìm tội phạm (Whodunnit), nội dung tác phẩm cho thấy nét khác biệt nhất định so với nhiều phim Việt ở thời điểm hiện tại.

 Lương Bích Hữu lấn sân điện ảnh trong Án mạng lầu 4.

Lương Bích Hữu lấn sân điện ảnh trong Án mạng lầu 4.

Hai trong số những yếu tố trung tâm của dòng Whodunnit là việc giải phẫu tâm lý vai diễn, cùng với hành trình tiếp cận và xử lý vụ án. Chính vì vậy, nó đòi hỏi kịch bản với cấu trúc lớp lang, theo dõi sát sao động cơ cùng hành trình phát triển tâm lý trước những thông tin và sự kiện diễn ra. Từng hành động, lời nói của nhân vật đều có thể là manh mối dẫn đến kết quả.

Song, công thức này chưa được áp dụng hiệu quả với Án mạng lầu 4. Nguyễn Hữu Tuấn thiếu sự bám sát thể loại xuyên suốt phim, dẫn đến sự xuất hiện của nhiều tình tiết lan man, làm loãng mạch truyện. Phim cũng vì vậy mà khó khơi gợi hứng thú, càng về sau lại càng lê thê.

Ngay từ đầu phim, câu hỏi nguyên nhân cặp vợ chồng trẻ chuẩn bị ra sân bay lại nhận trông một đứa trẻ sơ sinh từ tay người lạ gây thắc mắc. “Background” mà biên kịch xây dựng cho nhân vật chưa đủ làm người xem tin vào logic hành động này. Người chồng hiện lên là kẻ thiếu kiên nhẫn và bộc trực, có chút nóng tính, lại cộc cằn, hay “để bụng”. Trong khi, cô vợ xởi lởi, có chút mơ mộng và nhiều hành động thể hiện sự cầu toàn.

Thế nhưng khi đứng trước cái chết bất thường của đứa trẻ, người chồng lại chọn cách liên tục nói dối, đẩy câu chuyện sang hướng tồi tệ hơn. Cách nhân vật hành xử, đối diện với tình huống không phải theo kiểu người lo lắng, lúng túng trước biến cố mà lại lộ vẻ bất an, “có tật giật mình” hơn.

Cả hai gấp rút sang nước ngoài vì công việc, song lại... tìm đủ cách trì hoãn việc giải quyết rắc rối. Nửa già thời lượng phim trôi qua, cặp vợ chồng vẫn chưa tìm được hướng đi cụ thể, quanh quẩn việc người chồng lấp liếm vụ việc còn cô vợ trốn biệt trong phòng cùng cái xác.

 Dàn cảnh phim chưa cho thấy nhiều ấn tượng về mặt thẩm mỹ.

Dàn cảnh phim chưa cho thấy nhiều ấn tượng về mặt thẩm mỹ.

Sự xuất hiện của những người khách viếng thăm cũng có nhiều điểm bất thường. Từ cha của đứa bé sơ sinh thể hiện mình nóng tính, ông chủ nhà cho đến người phụ nữ tới thu mua đồ cũ ồn ào và vô duyên... Họ thay phiên xuất hiện và liên tục tỏ ra vội vã - ép cặp đôi vợ chồng vào những tình huống bức bối một cách đầy sắp đặt.

Tâm lý nhân vật chính vì vậy mà thiếu không gian để tự phát triển, bị gò ép một cách gượng gạo.

Diễn xuất kém thuyết phục

Án mạng lầu 4 có thêm thắt gia vị kinh dị hòng kích thích người xem. Đó là một ý tưởng đáng khen, song thực tế chưa thể hiện hiệu quả. Cách sử dụng hiệu ứng âm thanh hòng hù dọa hay gia tăng cảm giác căng thẳng tỏ ra cũ kỹ. Một số cảnh quay thậm chí còn để lộ việc sử dụng búp bê đạo cụ.

Điểm cộng là bối cảnh chung cư cũ cùng màu sắc phim mang lại cảm giác ngột ngạt cần thiết cho bộ phim.

 Diễn xuất vụng về của dàn cast không thuyết phục được người xem.

Diễn xuất vụng về của dàn cast không thuyết phục được người xem.

Hóa thân nhân vật người chồng, Trương Thế Vinh có màn thể hiện kém thuyết phục. Tính cách vai diễn thiếu sự nhất quán, trong khi chiều sâu tâm lý cũng chưa được thể hiện sắc nét. Ngay từ những thước phim ban đầu, nhân vật Thắng thể hiện là một người nghiện thuốc, chi tiết có tác động không nhỏ tới câu chuyện.

Song, thói quen này bị lãng quên suốt một phần thời lượng phim, kể cả những lúc tâm lý nhân vật bất ổn, bồn chồn và hoảng loạn trước cái chết của đứa bé. Sự bất an, lúng túng của nhân vật hầu như chỉ thể hiện theo kiểu tình huống (làm rối tung mọi việc, đun nước sôi quên bật nút...) thay vì bộc lộ qua diễn xuất, biểu cảm.

Tương tự, vai diễn của Lương Bích Hữu khá mờ nhạt vì thực tế có phân nửa thời lượng chỉ trốn cùng cái xác. Cảm xúc lo lắng, sợ hãi và hoảng loạn chưa được tái hiện thuyết phục. Trong khi, những cảnh phim bộc lộ nội tâm lại chưa đủ sâu sắc, tinh tế. Thoại của Đình Đình và Thắng còn hạn chế, nhiều đoạn rất kịch và lên gân. Thiếu sự tương tác, tung hứng giữa bộ đôi diễn viên chính, câu nói “Mình là vợ chồng mà anh” thốt lên ở hồi cuối phim vì vậy mà tỏ ra đầy gượng gạo.

Sau cả chuỗi hành động đẩy câu chuyện đi vào bế tắc, Thắng và Đình Đình mới quyết định tìm nguyên nhân cái chết của đứa trẻ, hay chứng minh mình trong sạch - thứ vốn dĩ mà họ phải nghĩ đến ngay từ đầu.

Điểm trừ khác nằm ở dàn nhân vật phụ trong phim. Họ hoặc xuất hiện mờ nhạt, gượng ép, hoặc làm lố như vật Tuyền (Tuyền Mập). Một số lời thoại ngô nghê, như việc người bà của đứa bé hỏi Thắng liệu có phải đứa trẻ khóc quấy, đòi dắt đi dạo trong khi nó chỉ là em bé sơ sinh.

Cái kết mà biên kịch dành cho câu chuyện của Án mạng lầu 4 cũng gây ức chế vì chưa thể giải quyết vấn đề. Chẳng có bí mật nào được vạch trần, trong khi nhân vật cũng không nhận được bài học. Đôi vợ chồng trẻ quyết tâm “hất nước bẩn sang nhà hàng xóm”, song lại nhận lời nán lại dùng cơm, dù có thể nghĩ ra cả trăm lý do để từ chối.

Việc biên kịch đặt vấn đề xoay quanh chuyện sính ngoại (thích đi xuất khẩu lao động, bọn trẻ nói tiếng Anh chứ không nói tiếng Việt) chỉ dừng lại ở bề nổi. Những cài cắm này không mang nhiều ý nghĩa, lại khiến phim trở nên nhập nhằng về thể loại.

Án mạng lầu 4 vội vàng khép lại khi các nút thắt quan trọng của thể loại tâm lý tội phạm chưa được giải mã, khiến trải nghiệm xem phim của khán giả thiếu trọn vẹn.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/an-mang-lau-4-luong-bich-huu-truong-the-vinh-gay-that-vong-post1476010.html