An Giang cần bảo đảm có chính sách phù hợp hỗ trợ người bệnh lao

Ngày 27/10, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, chương trình Chống lao quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn giai đoạn 2020-2023 và định hướng hoạt động giai đoạn 2024-2025 tại An Giang.

Quang cảnh hội nghị.

Ông Phan Vân Điền Phương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, thông tin, nhằm hỗ trợ tỉnh An Giang cùng cả nước tiến tới loại trừ bệnh lao vào năm 2035, từ năm 2022 đến 2023, dự án phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương mở rộng triển khai trên phạm vi toàn tỉnh và chương trình dần đi vào hoạt động đều đặn.

Công tác phát hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chủ động phát hiện số bệnh nhân lao tại cộng đồng được tăng lên đáng kể so cùng kỳ năm 2021 (số ca mắc năm 2021 là 3.491, số ca mắc năm 2022 là 5.245), trong 9 tháng năm 2023 số ca mắc lao ác thể là 4.128 ca.

Từ đó, cho thấy sự nỗ lực của cả cộng đồng, của đội ngũ y, bác sĩ tỉnh An Giang và sự đóng góp không nhỏ từ hỗ trợ của dự án.

Thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, ngành y tế tỉnh cảm ơn đến chương trình của dự án, Bệnh viện Phổi Trung ương và các nhà tài trợ đã hỗ trợ An Giang tầm soát được rất nhiều bệnh nhân lao để đưa vào điều trị nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng trong thời gian qua.

Thời gian tới, mong dự án tiếp tục hỗ trợ An Giang tầm soát bệnh lao, hỗ trợ kỹ thuật và ngân sách cho hoạt động phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, tỉnh An Giang đứng thứ 2 toàn quốc về số ca bệnh lao.

Tại An Giang, từ năm 2020, dự án đã bắt đầu hỗ trợ triển khai các hoạt động phát hiện lao và lao tiềm ẩn thông qua chiến lược 2X và đã mang lại các kết quả cao giúp An Giang đẩy nhanh việc phát hiện và điều trị bệnh lao, tăng tỷ lệ phát hiện lên 8-15 lần so với phát hiện thụ động truyền thống trên cả nước.

Mô hình triển khai tại An Giang là một điểm sáng cho chương trình Chống lao quốc gia và đang được nhân rộng cả nước. Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao đã giúp An Giang phát hiện hơn 8.600 người mắc bệnh lao và gần 2.700 người nhiễm lao tiềm ẩn kể từ năm 2020.

Để giảm số ca mắc bệnh lao, Sở Y tế tỉnh An Giang cần tăng cường chỉ đạo bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện đa khoa khu vực hỗ trợ chuyên môn cho hoạt động chẩn đoán và điều trị lao, đặc biệt là lao kháng thuốc.

Cân đối ngân sách hằng năm cho ngành y để hỗ trợ hơn nữa cho hoạt động chống lao và vận động để điều chỉnh, bổ sung định mức chi cho chương trình chống lao.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cần bảo đảm có chính sách phù hợp hỗ trợ người bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn, không có thẻ bảo hiểm y tế và cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống lao.

Tăng cường đầu tư ngân sách cho chương trình chống lao địa phương để bảo đảm đáp ứng phòng, chống lao bền vững và thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/an-giang-can-bao-dam-co-chinh-sach-phu-hop-ho-tro-nguoi-benh-lao-post779679.html