An Giang bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử

An Giang đã triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) với hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, giúp loại hình nghệ thuật ĐCTT phát triển đúng định hướng, tính chất, bảo lưu những giá trị nghệ thuật truyền thống hiệu quả và phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống, mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

ĐCTT là loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam, bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế, kết hợp với văn học dân gian từ cuối thế kỷ 19. Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động. Năm 2013, UNESCO vinh danh nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó, khẳng định vị trí và tầm quan trọng của nghệ thuật ĐCTT trong nền âm nhạc Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) An Giang Trương Bá Trạng cho biết: Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT luôn được quan tâm chỉ đạo, kịp thời và sâu sát của các cấp lãnh đạo, các cơ quan đơn vị. Hàng năm, ngành văn hóa và các địa phương đã thực hiện công tác sưu tầm, kiểm kê, bổ sung các thông tin, số liệu mới về loại hình nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn. Năm 2022, Sở VH, TT & DL đã thực hiện số hóa thông tin di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia do Chính phủ đã cam kết với UNESCO.

Bên cạnh đó, để tôn vinh nghệ nhân, Sở VH, TT & DL An Giang đã xây dựng hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Qua 3 đợt xét tặng, An Giang có 3 nghệ nhân nhân dân, 24 nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ.

Phong trào ĐCTT ngày càng phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh, với số lượng câu lạc bộ (CLB), nghệ nhân và người tham gia thể loại này không ngừng tăng về số lượng, chất lượng. Đặc biệt, tỉnh thường xuyên tổ chức khảo sát thực tế, nắm tình hình hoạt động của các CLB, mô hình hoạt động hiệu quả, cách làm hay, để định hướng tổ chức các hoạt động cho CLB ĐCTT hiệu quả hơn.

Đến nay, toàn tỉnh An Giang hình thành và duy trì hoạt động 12 đội ĐCTT chuyên thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Ở mỗi xã, thị trấn đều hình thành và duy trì các CLB ĐCTT sinh hoạt trong các dịp sinh hoạt văn hóa, lễ hội, sinh hoạt nội bộ gia đình. Hầu hết các CLB đều tự trang bị để phục vụ cho hoạt động ĐCTT tại địa phương. Các hoạt động hội thi, liên hoan giao lưu giữa các địa phương được tổ chức hàng năm, với chất lượng ngày một nâng cao, nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ nhiệt tình của các nghệ nhân, góp phần phát triển nghệ thuật ĐCTT và phát hiện các nhân tố năng khiếu cho tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng tổ chức quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về nghệ thuật ĐCTT, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ; quảng bá trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL An Giang Trương Bá Trạng nhấn mạnh: Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và thực hiện tốt cam kết với UNESCO, An Giang tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2027. Trong đó, tiếp tục chú trọng thực hiện hiệu quả công tác nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn quản lý.

Hệ thống hóa cơ sở dữ liệu trong quản lý và khai thác cung cấp thông tin nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn gắn với quảng bá, giới thiệu giá trị di sản nghệ thuật ĐCTT bằng việc tổ chức trưng bày, triển lãm; tạo điều kiện cho cộng đồng thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ; đa dạng các hình thức giáo dục di sản phù hợp trong và ngoài trường học.

Ngành VH, TT & DL từ tỉnh đến cơ sở giữa vai trò nòng cốt trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động: Hội thi, liên hoan, trình diễn nghệ thuật ĐCTT phục vụ Nhân dân; tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới cho các bài bản tài tử, sáng tác các bài ca cổ; quản lý, tổ chức hoạt động giao lưu các CLB; xây dựng chương trình, tiết mục tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn về nghệ thuật ĐCTT cấp khu vực, toàn quốc. Tăng cường quản lý nhà nước để di sản văn hóa nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được thực hành đúng hình thức, nội dung nghệ thuật nguyên bản.

Đồng thời, ngăn ngừa, loại bỏ và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch bản chất di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội. Bên cạnh đó, có chính sách khích lệ, động viên, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, đoàn thể… tích cực tham gia vào quá trình bảo vệ, quản lý và khai thác, nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ.

Nhằm tiếp tục tạo lan tỏa, tạo sức sống mới cho nghệ thuật ĐCTT, Sở VH, TT & DL đã tổ chức lớp tập huấn truyền dạy 20 bài bản tổ ĐCTT cho các nghệ nhân, thành viên các câu lạc bộ ĐCTT trong tỉnh. Nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh chia sẻ: “Qua lớp tập huấn, nhằm duy trì và phát triển số lượng, chất lượng phong trào ĐCTT tại địa phương. Đồng thời, nâng cao trình độ thực hành các kỹ năng lưu truyền nghệ thuật ĐCTT của lực lượng nghệ nhân và của những người yêu thích ĐCTT trong tỉnh”.

TRUNG HIẾU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-a380461.html