Ấn Độ – Pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng vì an ninh, thịnh vượng

Trong chuyến thăm New Delhi từ ngày 25 đến 26-1 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Ấn Độ và Pháp đã nhất trí hợp tác sản xuất thiết bị quốc phòng bao gồm trực thăng và tàu ngầm cho lực lượng vũ trang Ấn Độ, cũng như cho các quốc gia thân thiện.

Kết quả thực chất này chính là điểm nhấn của chuyến thăm được cho là mang tính biểu tượng cao vào đúng thời điểm kỷ niệm 75 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ và hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Theo Reuters, Tổng thống Macron và Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi đã nhất trí tăng cường quan hệ song phương trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng, năng lượng hạt nhân, nghiên cứu không gian và sử dụng trí tuệ nhân tạo cho các dịch vụ công như biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp.

">

Tấm áp phích cỡ lớn có hình ảnh Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Pháp Macron ca ngợi tình hữu nghị Pháp – Ấn. Ảnh: Getty

Trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận trong việc thúc đẩy các biện pháp để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Các nhà lãnh đạo hai bên hoan nghênh việc thành lập cơ sở bảo trì, sửa chữa và dịch vụ đại tu của Tập đoàn công nghiệp hàng không Safran của Pháp cho động cơ đẩy hàng không (LEAP) ở Ấn Độ và bổ sung những dịch vụ tương tự cho động cơ Rafale. Ấn Độ và Pháp cũng nhất trí tăng cường hợp tác ở khu vực Tây Nam Ấn Độ Dương, dựa trên các chương trình giám sát chung từ lãnh thổ đảo La Reunion của Pháp vào năm 2020 và 2022. Trong chuyến thăm, Ấn Độ và Pháp đã củng cố lộ trình hợp tác công nghiệp quốc phòng cùng có lợi để cùng phát triển, sản xuất các dự án quân sự quan trọng cũng như hợp tác công nghệ trên các lĩnh vực như không gian, chiến tranh trên bộ, không gian mạng và trí tuệ nhân tạo, theo một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.

Trong chuyến thăm Ấn Độ lần này, Pháp đặt mục tiêu đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng với New Delhi. Hợp tác quân sự, quốc phòng và những hợp đồng mua bán vũ khí đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ song phương. Thành phần đoàn tháp tùng Tổng thống Macron trong chuyến công du gồm Bộ trưởng Quốc phòng cùng các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành công nghiệp quốc phòng, đã thể hiện rõ điều đó.

Trong chuyến thăm Pháp hồi tháng 7-2023, Thủ tướng Modi từng khẳng định, hợp tác quốc phòng là nền tảng quan trọng và là biểu tượng của sự tin tưởng sâu sắc giữa hai nước. Hiện Pháp là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ấn Độ (xếp sau Nga). Hai bên đang tiếp tục đàm phán các thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô-la Mỹ về việc Pháp cung cấp máy bay chiến đấu và tàu ngầm cho quân đội Ấn Độ. Ấn Độ đã mua 36 chiến đấu cơ hiện đại Rafale của Pháp và đang đàm phán để mua thêm 26 chiếc khác. Những hợp đồng này được trông đợi sẽ làm sâu sắc thêm hợp tác lâu dài của hai bên về quốc phòng.

Có thể thấy, Ấn Độ và Pháp có nhiều lý do để thắt chặt hơn nữa hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giới phân tích cho biết, Ấn Độ được coi là một trụ cột trong chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp và hai nước có nhiều điểm tương đồng về tầm nhìn toàn cầu. Cụ thể, hai nước chia sẻ tầm nhìn chung về hòa bình và an ninh, nhất là ở châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời duy trì các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Với 1,5 triệu công dân Pháp sống trong khu vực, Pháp là cường quốc châu Âu tích cực nhất tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung được đưa ra sau chuyến thăm tới Ấn Độ của Tổng thống Macron nêu rõ mối quan hệ đối tác hai nước có thể giúp tìm ra giải pháp cho những thách thức toàn cầu, khôi phục chủ nghĩa đa phương, giúp xây dựng một trật tự quốc tế ổn định cũng như một thế giới gắn kết và thống nhất hơn. Ấn Độ và Pháp tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược góp phần xây dựng sự thịnh vượng, khả năng phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy an ninh của các quốc gia và tương lai bền vững.

Cả Ấn Độ và Pháp cũng cho thấy có nhiều điểm tương đồng về quan điểm chính trị. Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào dịp kỷ niệm 100 năm độc lập vào năm 2047, cũng như có thể vượt qua sức ảnh hưởng của các nước phương Tây trên trường quốc tế. Tương tự như vậy, Pháp cũng muốn tái khẳng định vị trí và thoát khỏi tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng của các cường quốc, trong đó có Mỹ. Bên cạnh đó, Pháp đang nổi lên như một đối tác quan trọng trong sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” nhằm mục đích nội địa hóa sản xuất quốc phòng của quốc gia Nam Á. Sự hợp tác an ninh vượt ra ngoài các thỏa thuận vũ khí khi hai nước cùng tiến hành những cuộc tập trận quân sự chung thường xuyên và trao đổi thể chế.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/an-do-phap-thuc-day-hop-tac-quoc-phong-vi-an-ninh-thinh-vuong-763080

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/640800-an-do-phap-thuc-day-hop-tac-quoc-phong-vi-an-ninh-thinh-vuong.html