Ấn Độ khẩn trương dập dịch do virus Nipah bùng phát

Kerala, bang miền Nam Ấn Độ đang khẩn cấp ngăn chặn sự bùng phát của virus Nipah sau khi 2 người thiệt mạng vì căn bệnh hiếm gặp và thường gây tử vong này. Chính quyền địa phương cũng đóng cửa các trường học và xét nghiệm hàng trăm người để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Ngôi làng Ayanchery ở huyện Kozhikode, bang Kerala bị cách ly vì có ổ dịch

Ngôi làng Ayanchery ở huyện Kozhikode, bang Kerala bị cách ly vì có ổ dịch

Thận trọng khoanh vùng - cách ly

Người đứng đầu chính quyền bang Kerala Pinarayi Vijayan cho biết, loại virus này đã được phát hiện ở huyện Kozhikode. Theo ông Vijayan, đây là đợt bùng phát virus thứ tư của bang kể từ năm 2018. “Chúng ta không nên sợ hãi mà hãy thận trọng đối mặt với tình huống này”, ông Vijayan viết trên mạng xã hội đồng thời kêu gọi người dân tuân theo các hướng dẫn an toàn của cơ quan y tế.

Cho đến nay, hơn 700 người ở bang Kerala đã được xác định là có tiếp xúc gần và đang được xét nghiệm virus, Bộ trưởng Y tế bang Veena George nói với các phóng viên hôm 13-9. Trong số đó, 77 người được coi là “nguy cơ cao”, đã được yêu cầu ở nhà và theo dõi sức khỏe. Chính quyền Kozhikode đã đóng cửa một số trường học trong khi 7 ngôi làng đã được tuyên bố là “khu vực cách ly”.

Trước đó, bang Kerala, Ấn Độ cũng từng trải qua đợt bùng phát virus Nipah chết người vào năm 2018, khiến 17 người thiệt mạng và người dân rơi vào tâm lý hoảng loạn. Trong số người thiệt mạng có một y tá đang điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện ở Kozhikode. Năm sau, Kerala đưa hơn 300 người vào diện giám sát sau khi một người đàn ông được chẩn đoán nhiễm virus. Bang này đã xảy ra một đợt bùng phát khác vào năm 2021, cướp đi sinh mạng của một cậu bé 12 tuổi.

Triệu chứng, nguồn gốc và cách ngăn ngừa

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nipah là một loại virus lây truyền từ động vật sang người. Tuy nhiên, nó cũng có thể lây truyền qua thực phẩm bị ô nhiễm hoặc lây truyền trực tiếp giữa người với người. Virus Nipah ban đầu thường gây ra các triệu chứng như đau đầu và buồn ngủ nhưng người bệnh sau đó nhanh chóng chuyển sang hôn mê trong vòng vài ngày. Nó có thể gây ra hội chứng hô hấp cấp tính, biểu hiện là phổi không thể cung cấp đủ oxy cho cơ thể và bệnh viêm não nguy hiểm. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viêm não có tỷ lệ tử vong từ 40-75%. Những người sống sót sau viêm não cấp tính có thể hồi phục nhưng cũng để lại di chứng lâu dài như rối loạn co giật hay thay đổi tính cách. Loại virus này nằm trong danh sách của WHO nêu các mối đe dọa về dịch bệnh cần được nghiên cứu và phát triển khẩn cấp.

Virus Nipah lần đầu tiên được xác định trong đợt bùng phát năm 1998-1999 ở Malaysia, nơi gần 300 người bị nhiễm bệnh và hơn 100 người chết. Khi đó, hơn 1 triệu con lợn đã được tiêu hủy để ngăn chặn virus lây lan. Loại virus này được đặt theo tên ngôi làng Kampung Sungai Nipah ở Malaysia, nơi người chăn nuôi lợn mắc bệnh. Theo WHO, trong đợt bùng phát đó, hầu hết các ca nhiễm bệnh ở người là do tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh. Sau đó, virus cũng bùng phát ở Ấn Độ và Bangladesh, với hơn 600 trường hợp nhiễm bệnh ở người từ năm 1998 đến năm 2015. Thống kê từ năm 2001 - 2008, khoảng một nửa số trường hợp được xác nhận ở Bangladesh là do lây truyền từ người sang người khi các nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân bị nhiễm bệnh.

Làm thế nào để phòng ngừa virus Nipah? Hiện thế giới chưa có vaccine phòng bệnh và việc điều trị chỉ giới hạn ở chăm sóc hỗ trợ. Dựa trên kinh nghiệm thu được và thông tin thu thập được trong các đợt dịch trước đây, việc vệ sinh và khử trùng trang trại lợn thường xuyên và kỹ lưỡng bằng chất tẩy rửa thích hợp có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng. Đối với động vật, nếu nghi ngờ có ổ dịch, cơ sở phải được cách ly ngay lập tức. WHO cũng đề xuất, “việc tiêu hủy động vật bị nhiễm bệnh bằng cách chôn cất hoặc đốt xác có thể là cần thiết để giảm nguy cơ lây truyền sang người”.

Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ và giáo dục về các biện pháp phòng ngừa thích hợp là cách duy nhất để giảm thiểu hoặc ngăn ngừa lây nhiễm giữa người với người, bên cạnh các biện pháp an toàn phòng bệnh tiêu chuẩn. Đối với nguy cơ lây truyền qua các sản phẩm trái cây, quả có dấu hiệu bị dơi cắn thì bỏ đi, các loại quả thông thường phải rửa kỹ và gọt vỏ trước khi ăn.

Theo CNN/Al Jazeera

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/an-do-khan-truong-dap-dich-do-virus-nipah-bung-phat-post551726.antd