Ấn Độ hợp tác an ninh hàng hải với Myanmar

Trong chuyến thăm Myanmar, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đạt được một chiến thắng ngoại giao là thỏa thuận hợp tác an ninh hàng hải với Myanmar, trong lúc Ấn Độ chống sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bà Aung San Suu Kyi và Thủ tướng Modi mừng quan hệ hợp tác - Ảnh: Getty Images

Bà Aung San Suu Kyi và Thủ tướng Modi mừng quan hệ hợp tác - Ảnh: Getty Images

Sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở hội nghị thượng đỉnh 5 nền kinh tế đang nổi (BRICS) tại Hạ Môn (Trung Quốc), Thủ tướng Modi bắt đầu chuyến thăm Myanmar ngày 5.9.

Hôm sau, ông cùng Cố vấn chính phủ Aung San Suu Kyi ký 11 văn bản ghi nhớ về nhiều lĩnh vực, bao gồm kiểm soát vùng ven biển và an ninh hàng hải. Ấn và Myanmar chung biên giới 1.600 km ở 4 bang đông bắc, trong khi Myanmar thân thiện là điều quan trọng cho an ninh hàng hải của Ấn vào lúc Trung Quốc có nhiều tham vọng trên vùng biển thuộc khu vực này.

Tại cuộc họp báo, bà Suu Kyi bày tỏ hy vọng quan hệ song phương sâu sắc hơn, lưu ý còn nhiều lĩnh vực tiềm năng khác để hợp tác. Ông Modi hoan nghênh mối quan hệ xây dựng cơ sở hạ tầng giữa hai nước, đề cao việc mở rộng cảng Sittwe ở vùng biển phía tây Myanmar, cùng việc hoàn thành một bến đường sông ở Paletwa.

Hai công trình này thuộc một dự án được bắt đầu từ năm 2010, tạo điều kiện cho dòng hàng hóa dễ dàng đến 7 bang đông bắc Ấn nằm kẹp giữa Bangladesh và Myanmar. Tuyến giao thông đường thủy này từ cảng Sittwe đến bến Paletwa trên dòng sông Kaladan. Giai đoạn kế là xây con đường nối Paletwa với bang Mizoram (Ấn) với chính phủ Ấn hỗ trợ tài chính và các công ty Ấn cũng tham gia.

Theo một chuyên viên ngoại giao ở New Delhi nói với trang Nikkei Asian Review ngày 7.9, việc lãnh đạo Ấn mở rộng vòng tay với các nước láng giếng là việc làm cần thiết để chống Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh.

Trước khi hai nhà lãnh đạo dự BRICS, Ấn - Trung đồng ý rút quân khỏi vùng cao nguyên Doklam thuộc Bhutan và giáp Ấn Độ ở dãy núi Hymalaya. Trung Quốc cũng đòi chủ quyền cao nguyên này, gọi là Động Lãng và đã cho binh lính xây dựng một con đường. Bhutan nhờ Ấn can thiệp và quân đội Ấn - Trung căng thẳng suốt hai tháng rưỡi mới kết thúc.

New Delhi ngại Bắc Kinh kiểm soát được Doklam sẽ đe dọa các bang đông bắc Ấn, và cũng lo tầm ảnh hưởng với các nước láng giềng đang suy yếu. Bhutan đã giảm sự chỉ trích Trung Quốc, trong khi Thủ tướng Nepal Sher Bahadur Deuba nhấn mạnh Nepal đứng trung lập, khi ông thăm New Delhi hồi tháng 8.

Bắc Kinh tìm mọi cách lôi kéo Bhutan, Nepal, hợp tác với Sri Lanka và Pakistan để mở cảng trong dự án Một Vành Đai Một con đường nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi.

Trung Quốc cũng đề nghị hỗ trợ kinh tế Myanmar, đã khởi công xây tuyến ống dẫn dầu ở cảng Kyaukpyu (nam Sittwe) hồi tháng 4. Trung Quốc còn tính xây một cảng nước sâu và một công viên công nghiệp ở Myanmar, và có tin ông Tập dự tính thăm Myanmar trong tháng 10 hoặc tháng 11 tới.

Theo Nikkei Asian Review, bằng cách bắt tay ông Tập ở Hạ Môn sau khi kết thúc vụ tranh chấp Doklam, rồi bay đến Myanmar, Thủ tướng Modi có lẽ hy vọng chứng minh với thế giới: Ấn Độ đang đuổi kịp Trung Quốc trong cuộc tranh giành tầm ảnh hưởng ở châu Á.

Vĩnh Thụy (theo Asia Nikkei Review)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/an-do-hop-tac-an-ninh-hang-hai-voi-myanmar-71013.html