Ấn Độ đặt cược vào xe điện

Nguồn ảnh: ibtimes.co.in Mức độ khan hiếm của các loại xe 4 bánh cá nhân và một lượng lớn xe 2 bánh sẽ là động lực giúp Ấn Độ 'nhảy cóc' ở mảng xe điện.

Nguồn ảnh: ibtimes.co.in

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khởi động cuộc đua của Ấn Độ với mục tiêu đưa tất cả xe chở khách mới bán ra đều là xe điện vào năm 2030. Đơn hàng lớn nhất đã rơi vào tay một công ty mà đến nay vẫn chưa thương mại hóa sản xuất xe điện.

Tata Motors Ltd. chưa hề bán ra một chiếc xe điện nào dù Tổng Giám đốc Guenter Butschek nói rằng vị thế người đến sau của Tata là một yếu tố thuận lợi trong bối cảnh tiến bộ công nghệ đang kéo chi phí giảm sâu. Tata cùng với Mahindra & Mahindra Ltd. - nhà sản xuất xe điện duy nhất của Ấn Độ có kế hoạch tăng công suất sản xuất xe lên 5.000 chiếc mỗi tháng - cho thấy khoảng cách mà Ấn Đọ cần phải thu hẹp khi so sánh với Trung Quốc và Mỹ.

Tăng tốc sản xuất xe điện tại một đất nước mà các hãng sản xuất ô tô hằng năm bán ra 2,5 triệu chiếc xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch chỉ là một phần của vấn đề mà thôi; tìm kiếm nguồn điện không bị gián đoạn mới là một vấn đề lớn khác. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho xe điện, cụ thể là việc phát triển mạng lưới các điểm sạc pin, vẫn chưa hề hiện diện tại Ấn Độ, càng nới rộng khoảng cách giữa Ấn Độ và Trung Quốc, vốn là nước đang dẫn đầu chiếm hơn 40% thị phần xe hơi điện bán ra trên toàn thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc có 336.000 xe ô tô điện rong ruổi trên các con đường vào năm 2016, hơn gấp đôi con số 160.000 tại Mỹ trong khi Ấn Độ chỉ có 450 xe điện đang lưu thông.

“Chính phủ cần phải dựng lên các điểm sạc pin thì mô hình kinh doanh xe điện mới có thể bền vững. Các hãng xe Ấn Độ có thể cung cấp xe điện để đạt được thời hạn đưa ra. Nhưng vấn đề là các chủ sở hữu xe điện làm gì khi mà không có điểm sạc pin?”, Ram Kidambi, đối tác tại hãng tư vấn A.T. Kearney, nhận xét.

Công cuộc chinh phục mục tiêu đưa tất cả lượng xe mới bán ra đều là xe điện trong chưa tới 15 năm là một phần trong kế hoạch của ông Modi nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Bloomberg New Energy Finance dự đoán mục tiêu này sẽ “cực kỳ khó khăn” vì thiếu một chính sách rõ ràng và thiếu trợ cấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã hưởng lợi từ các khoản trợ cấp hào phóng của các chính quyền địa phương.

Ấn Độ hiện có khoảng 350 điểm sạc pin trong khi Trung Quốc đã có khoảng 215.000 điểm được lắp đặt tính đến cuối năm 2016, theo báo cáo của Bloomberg New Energy Finance. Sẽ mất khoảng 15 năm tại Ấn Độ để tổng chi phí sở hữu xe điện bằng với sở hữu xe truyền thống, cũng bằng khoảng thời gian quốc gia Nam Á này có kế hoạch chấm dứt việc bán xe chạy xăng dầu. Theo đánh giá của Pawan Goenka, Giám đốc Điều hành tại hãng xe Mahindra & Mahindra, mục tiêu xe điện của Ấn Độ dường như quá tham vọng.

Thế nhưng, chính quyền của ông Modi đang kỳ vọng sẽ mau chóng tạo ra sự thay đổi bằng cách giữ thế chủ động. Enery Efficiency Services Ltd. - đơn vị nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ, có nhiệm vụ giúp Ấn Độ giảm lượng khí thải ra và hạn chế nhập khẩu nhiên liệu - đang mua 10.000 xe chạy pin từ hãng xe Tata Motors và Mahindra & Mahindra để thay thế xe chạy bằng xăng dầu được sử dụng bởi chính phủ liên bang trong khoảng 4 năm.

Xe điện mở ra một nguồn doanh thu mới cho các nhà bán lẻ điện đang thua lỗ của Ấn Độ và có thể khơi dậy sự hứng thú của họ trong việc tham gia xây dựng các điểm sạc pin, theo Shantanu Jaiswal, đứng đầu bộ phận nghiên cứu Ấn Độ tại Bloomberg New Energy Finance ở New Delhi.

“Ở những khu vực có lưu lượng giao thông cao, đây là một ý tưởng kinh doanh rất tốt. Tuy nhiên, ở những vùng nông thôn, nơi mức độ tập trung của xe điện có thể không cao lắm, thì việc thu hút đầu tư vào việc xây dựng trạm sạc pin có thể vẫn là một thách thức như chúng ta đã chứng kiến trong vấn đề điện khí hóa hộ gia đình”, Jaiswal nói.

Có thể thấy, sở hữu ô tô tại Ấn Độ vẫn còn thấp, với chỉ 18 xe trên mỗi 1.000 công dân so với con số gần 69 ở Trung Quốc và 786 ở Mỹ, theo nghiên cứu của Niti Aayog, một cơ quan hoạch định chính sách và Rocky Mountain Institute (trụ sở đặt tại bang Colorado, Mỹ). Mức độ khan hiếm của các loại xe 4 bánh do cá nhân sở hữu và một lượng lớn xe 2 bánh sẽ là động lực giúp Ấn Độ “nhảy cóc” ở mảng xe điện khi nhu cầu cao hơn có thể kéo giá xe giảm xuống.

Đó là điều mà Tata và Mahindra & Mahindra đang đặt cược vào. Tata đang chạy thử nghiệm các chiếc xe bus chạy điện sau khi phát triển những phiên bản cắm sạc của các mẫu xe hatchback Bolt và Tiago. Mahindra cũng có kế hoạch nâng cao công suất sản xuất xe điện gần gấp 10 lần lên tới 5.000 chiếc mỗi tháng trong 2-3 năm tới.

Tata Motors vạch ra chiến lược gồm 2 mảng: bán xe cho chính phủ và sau đó tung ra các mẫu xe bus và xe tải chạy điện để phục vụ cho phân khúc vận tải đại trà. Các kế hoạch cho cả 2 mảng này đều đã sẵn sàng, Butschek thuộc Tata cho biết. “Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào mảng xe điện”, ông nói.

Đàm Hoa

Nguồn Bloomberg/IEA

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/kham-pha/an-do-dat-cuoc-vao-xe-dien-3320641/