AN-225 Mriya: Số phận hẩm hiu của chiếc máy bay lớn nhất thế giới, trách nhiệm thuộc về ai?

Antonov AN-225 Mriya được mệnh danh là máy bay lớn nhất thế giới, có trọng tải còn lớn hơn một số mẫu máy bay vận tải quân sự.

Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, các lực lượng Nga đã chiếm giữ được sân bay Hostomel, cách thủ đô Kiev 20 dặm về phía Đông Nam. Quân đội Nga đóng ở khu vực trong nhiều tuần, cho đến khi các lực lượng Ukraine tuyên bố giành lại quyền kiểm soát gần đây.

AN-225 Mriya, máy bay lớn nhất thế giới đã bị phá hủy. (Nguồn: Business Insider)

AN-225 Mriya, máy bay lớn nhất thế giới đã bị phá hủy. (Nguồn: Business Insider)

Khi tiếp quản trở lại sân bay, các lực lượng Ukraine nói rằng đã phát hiện chiếc máy bay Antonov AN-225, vốn lập kỷ lục Guinness thế giới là chiếc máy bay có trọng tải lớn nhất, đã bị phá hủy hoàn toàn.

"Giấc mơ" của Ukraine

Theo Ukroboronprom - công ty chuyên về các thiết bị quốc phòng của Ukraine và là hãng quản lý chiếc máy bay này, khi chiến sự nổ ra, các máy bay khác đã rời sân bay Hostomel, nhưng chiếc Mriya đang được bảo dưỡng và không thể di chuyển.

Antonov AN-225 Mriya là một chiếc máy bay vận tải hàng hóa chiến lược được thiết kế bởi Công ty Antonov trong khoảng những năm 1980, giai đoạn Ukraine còn là một phần trong Liên bang Xô Viết.

Chiếc máy bay này ban đầu được chế tạo để vận chuyển tàu con thoi Buran và bộ tên lửa phóng của nó. Khi đó, Liên Xô đẩy mạnh phát triển một mẫu tàu con thoi để phóng lên vũ trụ, và cần phát triển một loại máy bay để vận chuyển chúng một cách nhanh chóng và an toàn, từ cơ sở sản xuất gần Moscow đến Sân bay vũ trụ Baikonur (Kazakhstan).

Antonov AN-225 đã được thiết kế dựa trên một mẫu máy bay sẵn có là An-124 Ruslan, vốn cũng là một chiếc máy bay rất lớn, lớn hơn cả Boeing 747-400.

Theo bản thiết kế, kích thước tổng thể của AN-225 được gia tăng đáng kể, đảm bảo mục tiêu tăng gấp đôi công suất vận tải của AN-124. Theo đó, AN-225 được nâng tổng số động cơ lên thành 6, so với 4 của bản AN-124.

Hệ thống càng cất cánh, hạ cánh cũng được kéo dài thêm, nâng tổng số bánh xe lên con số 32. AN-225 cũng được bổ sung bộ đuôi kép mới với bộ cân bằng trục dọc khá lớn. Sải cánh của AN-225 Mriya lớn hơn so với bất kỳ máy bay nào đang hoạt động.

Hiện nay, chỉ có duy nhất một chiếc AN-225 từng được chế tạo bởi công ty Antonov và lần đầu cất cánh vào năm 1988.

Máy bay được đặt tên AN-225 Mriya. Mriya trong tiếng Ukraine có nghĩa là “giấc mơ”. Đây cũng là chiếc máy bay đầu tiên của Liên Xô được đặt tên theo tiếng Ukraine.

AN-225 là máy bay vận tải lớn nhất thế giới. Năm 2009, sách kỷ lục Guinness thế giới đã công nhận Mriya có khả năng nâng được vật nặng nhất so với bất kỳ máy bay nào khác: một máy phát điện nặng 187,6 tấn. Ngoài ra, máy bay này còn nắm giữ một số kỷ lục khác, bao gồm: Máy bay duy nhất có trọng lượng cất cánh tối đa hơn 600 tấn, và máy bay có sải cánh rộng nhất.

Chiếc AN-225 cõng tàu con thoi Buran trên lưng. (Nguồn: TASS).

Chiếc AN-225 cõng tàu con thoi Buran trên lưng. (Nguồn: TASS).

Thời gian bay có hạn

Kể từ khi chính thức cất cánh, AN-225 chỉ thực hiện một vài chuyến bay để đưa tàu con thoi Buran đến địa điểm thử nghiệm và quay lại cơ sở sản xuất. Năm 1989, AN-225 đã "cõng" Buran tới Triển lãm Hàng không Paris, nhưng đây cũng là lần cuối chiếc máy bay này thực hiện sứ mệnh ban đầu của mình.

Sau đó, các nhà thiết kế đã lên kế hoạch biến AN-225 thành một khách sạn trên không và có thể chứa tới 1.500 khách. Tuy nhiên, ý tưởng này đã không thể thực hiện được và chiếc máy bay này buộc phải “đắp chiếu”.

Năm 2001, AN-225 được lau dọn, nâng cấp toàn diện với nhiều trang thiết bị hiện đại và đưa vào sử dụng trở lại, chủ yếu dùng để chở những “mặt hàng đặc biệt” mà ít máy bay khác có thể thực hiện được. AN-225 đã từng được huy động vào vận chuyển vũ khí, khí tài như xe thiết giáp, máy bay trực thăng… và gần đây nhất là thiết bị bảo hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Mặt hàng nguyên khối nặng nhất AN-225 từng vận chuyển là một chiếc máy phát điện có trọng lượng 187 tấn được đưa từ Đức đến Armenia năm 2009. AN-225 cũng lập kỷ lục khác như chở 2 tuabin gió dài gần 42m mỗi chiếc từ Trung Quốc đến Đan Mạch. Đây là mặt hàng được vận chuyển bằng đường không dài nhất trong lịch sử vận tải.

Hãng Antonov đã không ngừng nâng cấp chiếc AN-225 theo kịp các quy định và yêu cầu hàng không quốc tế để có thể phục vụ trong ngành vận tải hàng không ít nhất 25 năm nữa.

Tuy nhiên, AN-225 rất ít khi bay, do chi phí vận hành cao. Nó tiêu thụ hơn 20 tấn nhiên liệu cho mỗi giờ bay, tương đương 6.700 USD theo thời giá năm 2020. Do đó, chiếc máy bay này chỉ được sử dụng đến đối với những đơn hàng vận chuyển có yêu cầu khắt khe nhất.

Chưa ai nhận trách nhiệm

Thông tin đầu tiên về số phận của chiếc máy bay được cập nhật bởi tài khoản facebook Horizon.mt hôm 27/2. Tài khoản này viết: “Hôm nay đã đánh dấu một ngày buồn trong lịch sử hàng không khi chiếc máy bay mang tính biểu tượng đã mãi mãi biến mất, chúng ta sẽ không thể quên đi nỗi đau buồn và mất mát do cuộc xung đột gây ra”.

Phía Ukraine đã cáo buộc Nga cố ý phá hoại chiếc máy bay lớn nhất thế giới này. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter rằng: "AN-225 Mriya đã bị Nga phá hủy nhưng họ không bao giờ phá hủy được giấc mơ của người Ukraine. Chúng tôi sẽ chế tạo lại chiếc máy bay. Chúng tôi sẽ thực hiện ước mơ về một Ukraine mạnh mẽ, tự do và dân chủ".

Trong khi đó, Moscow phản bác lại rằng, sau khi quân Nga chiếm được sân bay, Ukraine đã thực hiện các cuộc pháo kích quy mô lớn và đạn pháo đã bắn trúng khu nhà chứa chiếc AN-225.

Ngày 1/4 vừa qua, hãng hàng không Ryanair (Ireland) tuyên bố sẽ đặt mua và hỗ trợ việc chế tạo chiếc AN-225 thứ hai. Tuy nhiên, đây sẽ là một thách thức vô cùng lớn, bởi ước tính sẽ phải mất 5 năm và 3 tỷ USD để chế tạo lại chiếc máy bay "khổng lồ" này.

(tổng hợp)

Đài Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-225-mriya-so-phan-ham-hiu-cua-chiec-may-bay-lon-nhat-the-gioi-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-179517.html