AMM-56: Kỳ vọng về một ASEAN tâm điểm của tăng trưởng

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56 (ANM-56) và các Hội nghị liên quan (diễn ra tại Jakarta, Indonesia từ 10 - 14/7) là dịp để 10 nước ASEAN cũng như các đối tác, tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề nổi cộm hiện nay...

Diễn ra trong bối cảnh khu vực và trên thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56 (ANM-56) và các Hội nghị liên quan (diễn ra tại Jakarta, Indonesia từ 10 - 14/7), là dịp để 10 nước ASEAN cũng như các đối tác, tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề nổi cộm hiện nay như phục hồi kinh tế, thương mại, đầu tư, ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh, an ninh năng lượng và lương thực. Trên hết, là việc củng cố vị thế của ASEAN với tư cách là tâm điểm của tăng trưởng.

Gần 20 cuộc họp, 12 văn kiện cho nhiều vấn đề quan trọng của ASEAN

Ngay ngày khai mạc 11/7, ANM-56 đã ngay lập tức “nóng” với việc rất nhiều vấn đề quan trọng, bức thiết được Hội nghị bàn luận. Mở đầu ngay phiên toàn thể AMM-56 là Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Hội nghị AMM với đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Các Bộ trưởng thông qua Tài liệu khái niệm về các sáng kiến hợp tác chung giữa ASEAN và Cơ quan ngăn cấm vũ khí hạt nhân tại Mỹ Latinh và Caribê (OPANAL), góp phần nâng cao giá trị của Hiệp ước SEANWFZ, đồng thời đóng góp vào các nỗ lực chung chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị.

 Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cùng Tổng Thư ký ASEAN chụp ảnh chung trước khi dự Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Ảnh: Tuấn Anh/ Báo quốc tế

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cùng Tổng Thư ký ASEAN chụp ảnh chung trước khi dự Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Ảnh: Tuấn Anh/ Báo quốc tế

Cũng trong sáng 11/7, các bộ trưởng đã có phiên đối thoại với Ủy ban AICHR. Với 15 hoạt động trong năm qua, Ủy ban AICHR đã thúc đẩy hợp tác về quyền con người đạt kết quả cụ thể trên nhiều lĩnh vực như quyền của người khuyết tật, quyền trẻ em, biến đổi khí hậu, quyền môi trường...

Chiều ngày 11/7, là phiên họp toàn thể Hội nghị AMM-56 với trọng tâm thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quan hệ đối ngoại và cấu trúc khu vực.

Kéo dài đến ngày 14/7, ANM-56, với sự tham gia của 29 quốc gia, Ban Thư ký ASEAN và Liên minh châu Âu (EU), cùng sự tham dự của hơn 1.100 đại biểu và gần 500 phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài khu vực, dự kiến có tổng cộng 18 cuộc họp. Bên cạnh đó còn có 2 cuộc họp 3 bên giữa Chủ tịch ASEAN, Ban Thư ký ASEAN với Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.

AMM-56 và các hội nghị liên quan sẽ tập trung thảo luận 8 vấn đề chính, trong đó vấn đề đầu tiên liên quan đến việc tăng cường thực thi các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN và các bộ quy tắc ứng xử như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), SEANWFZ, Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) nhằm kiến tạo hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Chương trình nghị sự thứ hai của chuỗi hội nghị này là tiếp tục củng cố các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM), đồng thời bắt đầu tăng cường ngoại giao phòng ngừa với sự hồi sinh của các cơ chế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vốn rất quan trọng đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Ba chương trình nghị sự tiếp theo bao gồm khuyến khích các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (NWS) ký kết Nghị định thư SEANWFZ; hoàn thiện Hướng dẫn nhằm thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); an ninh lương thực, cấu trúc y tế khu vực, hợp tác hàng hải và chuyển đổi năng lượng, trong đó có phát triển hệ sinh thái xe điện.

Hai chương trình nghị sự tiếp theo là thiết lập Tầm nhìn Hàng hải ASEAN, làm tài liệu tham khảo cho các nước đối tác trong hợp tác hàng hải với ASEAN; triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) bằng cách lồng ghép hợp tác với các nước đối tác, thông qua việc tổ chức Diễn đàn cơ sở hạ tầng ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Dự kiến, 12 văn kiện sẽ được đúc kết từ các cuộc họp trên, trong đó có Thông cáo chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN

“Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”

“Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” - đó không chỉ là mong muốn của riêng nước Chủ tịch ASEAN Indonesia mà còn là khát vọng, kỳ vọng chung của hết thảy các quốc gia thành viên trong khối. Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra tại Labuan Bajo, hồi tháng 5/2023, lãnh đạo các nước đã bày tỏ ủng hộ và nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, thể hiện sức sống và vị thế của ASEAN, động lực cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.

Tại phiên họp toàn thể ANM-56 lần này, để hiện thực hóa kỳ vọng “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, Bộ trưởng các quốc gia ASEAN nhất trí củng cố hơn nữa khả năng tự cường và thích ứng linh hoạt của ASEAN trước mọi cơ hội và thách thức đặt ra cho khu vực. Theo các đại biểu, trong môi trường chiến lược đầy biến động, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cần được khẳng định mạnh mẽ hơn nữa. ASEAN cần đi đầu trong việc định hình một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ với sự tham gia tích cực và đóng góp trách nhiệm của các đối tác cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Hợp tác trong các lĩnh vực như ổn định tài chính, tự cường chuỗi cung ứng, y tế chuyển đổi số, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… tiếp tục được thúc đẩy trên các kênh chuyên ngành của ASEAN, góp phần nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng ứng phó và chống chịu của ASEAN trước các thách thức hiện tại và tương lai.

Hội nghị nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khuyến khích các đối tác hợp tác cụ thể, thực chất với ASEAN trên các lĩnh vực ưu tiên về kết nối, hợp tác hàng hải, phát triển bền vững và kinh tế, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, góp phần vào hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.

Tiếp nối các cam kết và trách nhiệm của Việt Nam đối với khu vực và với công việc chung của ASEAN

Theo Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, sự tham gia của Việt Nam trong kỳ AMM 56 thể hiện sự tiếp nối các cam kết và trách nhiệm của Việt Nam đối với khu vực và với công việc chung của ASEAN. Ngay từ đầu năm 2023, khi Indonesia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta đã có sự chuẩn bị từ sớm để có thể tham gia, đóng góp hiệu quả cho tất cả các hoạt động của ASEAN trong năm nay. Tại Hội nghị lần này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham dự trên 20 cuộc họp, góp phần tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN, tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, thông qua đó đề cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong ASEAN và trên các diễn đàn quốc tế.

 Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Trong vai trò là cơ quan đầu mối được giao nhiệm vụ đàm phán một số văn kiện trong kỳ Hội nghị lần này, Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã tích cực, chủ động đóng góp các sáng kiến do Việt Nam đề xuất. Nhiều văn kiện lớn như các Tuyên bố chung dự kiến được thông qua tại Hội nghị lần này đều có sự tham gia, đóng góp của Phái đoàn Việt Nam cùng với Phái đoàn các nước ASEAN tại Jakarta và Phái đoàn các nước đối tác. Những đóng góp này của Việt Nam đều được các nước đánh giá cao và ghi nhận, qua đó giúp hình ảnh, vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN tiếp tục được củng cố.

Ngày 11/7, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam cho Cộng đồng ASEAN và Ban Thư ký ASEAN; bày tỏ tin tưởng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Việt Nam trong thực hiện các trọng trách trên cương vị Tổng thư ký ASEAN, nhất là trong đóng góp cho duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN và quan hệ của ASEAN với các đối tác. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN trong củng cố các cơ chế hợp tác của ASEAN và do ASEAN dẫn dắt, đưa ASEAN hoạt động ngày càng hiệu quả và thích ứng với tình hình mới.

Thư Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/amm-56-ky-vong-ve-mot-asean-tam-diem-cua-tang-truong-post255977.html