Âm vang cồng chiêng giữa đại ngàn

Sau 16 năm không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sau 16 năm không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Đăk Lăk vẫn nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng bằng nhiều giải pháp để tiếng chiêng tiếp tục ngân vang trong các buôn làng.

Trẻ hóa nghệ nhân cồng chiêng

Sự hiện diện của văn hóa cồng chiêng không chỉ dưới mái nhà sàn, bên bếp lửa, trên nương rẫy hay các lễ hội mà âm thanh ấy là tiếng nói và thông điệp trao gửi giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cộng đồng với thế giới thần linh, trở thành chất xúc tác không thể thiếu đối với đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều lễ nghi, tục lệ đẹp đã mai một dần, hoạt động văn hóa, tín ngưỡng liên quan tới cồng chiêng ngày càng ít được sử dụng trong đời sống cộng đồng các dân tộc. Vì vậy, thế hệ trẻ ít có điều kiện được tiếp xúc, học tập và sử dụng cồng chiêng. Khi nhận ra nguy cơ thất truyền vật thiêng của bon, buôn, chính thế hệ đi trước là những người trăn trở, nặng lòng gìn giữ văn hóa cồng chiêng như một phần của cuộc đời mình.

Nghệ nhân Ưu tú H’Săn Êban (Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) là nữ nghệ nhân duy nhất đánh trống dẫn nhịp chiêng của tỉnh Đăk Lăk. Cả đời gắn bó với chiếc trống dẫn nhịp cho cả đội chiêng hợp tấu, ở tuổi ngoài 80, nghệ nhân H’Săn đau đáu nỗi niềm người kế tục, trăn trở việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa chiêng.

Nghệ nhân Ưu tú H’Săn Êban đã tham gia lớp truyền dạy cho 19 bé gái độ tuổi từ 6-13 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk mở. Sau 2 tháng kiên trì truyền dạy, không giấu được niềm vui, nghệ nhân H’Săn Êban tự hào: “Thế hệ chúng tôi - đội chiêng già chỉ còn lại vài người thôi. Kế cận, nối tiếp chúng tôi có đội chiêng trẻ, bây giờ buôn có thêm đội cồng chiêng nhí, tiếng chiêng Jho sẽ vang mãi đến các thế hệ mai sau”.

Nghệ nhân H’Săn kể rằng, khoảng 6 - 7 năm trước, các thành viên trong đội chiêng của bà tuổi đã cao không thể đi biểu diễn như trước, đội nghệ nhân chiêng nữ đã đến từng hộ gia đình có con gái trong buôn để vận động tham gia đội chiêng, các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng mà ngành văn hóa tổ chức và hình thành nên đội chiêng nữ trẻ. Đến bây giờ, buôn đã có thêm đội chiêng nữ nhí.

“Chiếc trống chính là linh hồn của đội chiêng nữ Jho. Người Ê Đê Bih chỉ mình tôi biết sử dụng trống nhưng mãi đến bây giờ mới tìm được người kế nhiệm thông qua lớp truyền dạy đánh cồng chiêng” - nghệ nhân H’Săn chia sẻ.

Không chỉ mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk còn tặng cho đội chiêng Buôn Trấp 1 bộ chiêng Jho và 30 bộ trang phục truyền thống. Cùng với hoạt động truyền dạy, trao chiêng và trang phục truyền thống đã tạo động lực để các thế hệ phụ nữ Ê Đê nói riêng và các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung tiếp tục phát huy văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng, tiếp thêm động lực cho các thế hệ trẻ người Ê Đê giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.

Để di sản trở thành tài sản

Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đăk Lăk Đặng Gia Duẩn cho biết, cùng sở hữu di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, là không gian văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên được UNESCO ghi danh, nhưng Đăk Lăk là tỉnh duy nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên có 5 nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó có 4 nghị quyết chính thức và 1 nghị quyết kéo dài thêm. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đăk Lăk đối với văn hóa cồng chiêng.

 Nghệ nhân Ưu tú HSăn Êban (thứ 4 từ trái qua) truyền dạy cồng chiêng Jhô cho các thế hệ trẻ trong buôn

Nghệ nhân Ưu tú HSăn Êban (thứ 4 từ trái qua) truyền dạy cồng chiêng Jhô cho các thế hệ trẻ trong buôn

Mục tiêu cuối cùng của việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng không phải là việc cấp được bao nhiêu bộ chiêng, bao nhiêu bộ trang phục, mà là chủ thể của văn hóa cồng chiêng cảm nhận rằng, bản thân họ phải yêu quý, giữ gìn và phát triển vốn quý văn hóa mà họ đang sở hữu.

“Khi một cộng đồng dân tộc thiểu số ở một buôn, xã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa và sử dụng cồng chiêng để tái hiện những nghi thức, nghi lễ, thì có nghĩa rằng cồng chiêng không thể thiếu được trong đời sống của bà con buôn làng và công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng đạt kết quả cao nhất” - ông Đặng Gia Duẩn nhấn mạnh. Anh Y Nem Ông (buôn Liêng Ông, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) bày tỏ niềm vui khi tham gia lớp truyền dạy cồng chiêng do tỉnh Đăk Lăk tổ chức. Theo anh Y Nem Ông, lâu nay, người yêu thích cồng chiêng trong buôn muốn học phải tự mày mò theo các nghệ nhân để học. Bây giờ được học bài bản qua lớp học, buôn còn được trao chiêng, trang phục truyền thống nên thế hệ trẻ trong buôn rất hào hứng. Sau 2 tháng học, các học viên đã đánh được hai bài chiêng cơ bản của người M’nông Gar.

“Được trao tặng chiêng, đội chiêng trẻ chúng tôi có điều kiện luyện tập thường xuyên hơn. Chúng tôi mong rằng, đội chiêng trẻ tiếp tục được quan tâm để có thể đi biểu diễn, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình” - anh Y Nem Ông cho biết thêm.

Việc mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tỉnh Đăk Lăk nói riêng và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung. Qua đó, góp phần đào tạo những đội chiêng trẻ, gìn giữ các bài bản chiêng cũng như khơi dậy, tiếp lửa cho thế hệ trẻ trong buôn làng tiếp tục phát huy nhịp cồng chiêng của cộng đồng, từng bước đưa di sản văn hóa trở thành tài sản của dân tộc.

Đức Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/am-vang-cong-chieng-giua-dai-ngan-239530.html