Ấm lòng mô hình 'bán trú dân nuôi'

Nhằm duy trì tỷ lệ chuyên cần tại các điểm trường thôn Ty Tu, Trường Tiểu học Đắk Hà (xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã triển khai mô hình 'bán trú dân nuôi' để các em học sinh nơi đây được ăn, ngủ tại trường vào buổi trưa, sau đó sẽ tiếp tục học vào buổi chiều.

Một bữa ăn của các em học sinh điểm trường Ty Tu. Ảnh: Thanh Tùng

Một bữa ăn của các em học sinh điểm trường Ty Tu. Ảnh: Thanh Tùng

Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các em học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Nhưng các em tại các điểm trường thôn, do khoảng cách từ nhà đến trường dưới 4km nên không được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Do đó, các em thường học xong buổi sáng sẽ trở về nhà ăn cơm rồi chiều lên học tiếp, hoặc mang cơm đến trường ăn trưa. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc duy trì chuyên cần và chế độ dinh dưỡng cho các em”.

“Trong thời gian tới, xã Đắk Hà sẽ tiếp tục vận động phụ huynh 3 thôn nấu cơm cho con mang đến trường học; đồng thời, kết nối, xin nguồn lực từ các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh để đồng hành, hỗ trợ cho các em học sinh không được hưởng chế độ ưu đãi theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, cùng nhà trường, phụ huynh chăm sóc, nuôi dạy các em vững bước trên con đường tương lai” - ông Dương Đăng Khoa nhấn mạnh.

Điểm trường Ty Tu gồm 63 học sinh thuộc các thôn Ty Tu, Đăk Pờ Trang, Kon Ling đến học. Các em học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu đi bộ đến trường. Nhiều gia đình bố mẹ phơi mình cả ngày trên rẫy nên gói cơm cho con mang theo đi học ở lại buổi trưa, nhiều bạn nhỏ sau khi học sẽ quay về nhà ăn cơm và chiều “quên” đi học. Cô Vân cho biết, những năm trước, khi chưa triển khai mô hình “bán trú dân nuôi”, tỷ lệ chuyên cần của học sinh vào buổi chiều rất thấp, có hôm chỉ có vài em đi học.

Cũng dễ hiểu thôi, sau khi học xong buổi sáng, các em đi bộ về ăn cơm, chưa kịp nghỉ ngơi thì lại đến giờ học. Nhiều hôm trời mưa, đường sá trơn trượt, nên các em lười đến trường. Chính vì thế, nhà trường triển khai mô hình để nâng cao tỷ lệ chuyên cần, giúp các em được ăn, được ngủ vào buổi trưa, đảm bảo sức khỏe cho những tiết học vào buổi chiều.

Biết tin nhà trường triển khai mô hình, phụ huynh rất vui mừng và đồng tình ủng hộ. Mô hình hoạt động theo hình thức nhà trường cùng phụ huynh thực hiện. Trước khi học sinh đến trường, các phụ huynh sẽ chuẩn bị cơm cho các con mang theo. Còn thức ăn, chỗ ngủ, nhà trường sẽ lo cho các em.

Cô Vân tâm sự: “Để có tiền lo thức ăn cho 63 em học sinh trong thời gian dài là bài toán rất khó. Trước đây, nhà trường có đề xuất giáo viên, cán bộ mỗi người 1 tháng đóng 100.000 đồng để lo thức ăn cho học sinh, nhưng về sau, thấy giáo viên nào cũng khó khăn nên nhà trường phải tìm cách khác. Lúc này, nhà trường quyết định chăn nuôi, trồng rau, sau đó bán lấy tiền mua thức ăn cho học sinh”.

Tận dụng các khoảnh đất trống sau trường, nhà trường tiến hành rào lại, dùng những mảnh tôn cũ quây lại thành chuồng heo, chuồng vịt. Từ số tiền vận động từ các mạnh thường quân, nhà trường bắt đầu mua heo giống, gà, vịt về nuôi, thức ăn chủ yếu là đồ ăn thừa của các em học sinh. Cùng với đó, nhà trường trồng các loại rau để phục vụ bữa ăn cho giáo viên và học sinh trong trường.

Cô Vân cho biết: "Mỗi lần nhà trường nuôi khoảng từ 7 đến 10 con heo và vài chục con gà, vịt. Số tiền bán được, chúng tôi sẽ trích một phần để mua giống mới, phần còn lại góp vào nấu chung với bữa ăn của các em học sinh được hưởng chế độ. Sau khi nấu xong, nhà trường sẽ cử giáo viên chở thức ăn lên tận điểm trường, cùng nhau chia ra cho các em học sinh. Cùng với đó, nhà trường cũng không quên mang theo cơm phòng ngừa lo cho những em học sinh không mang cơm hoặc mang ít, không đủ ăn. Các em học sinh ăn không nhiều đồ ăn, chỉ cần biết cách tính toán, san sẻ là có thể lo được bữa ăn cho 63 em học sinh".

Trồng rau phục vụ cho bữa ăn của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Đắk Hà. Ảnh: Thanh Tùng

Trồng rau phục vụ cho bữa ăn của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Đắk Hà. Ảnh: Thanh Tùng

Cùng với việc chăn nuôi, trồng rau, nhà trường vẫn thường xuyên kêu gọi các đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp. Bởi những lúc heo còn nhỏ, rau chưa lớn, nhà trường phải cần những nguồn lực, sự đóng góp từ các tấm lòng vàng để 63 em học sinh nơi đây được ăn trưa hết một năm học.

Cô Vân cho hay: "Hiện tại, có Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô mỗi tháng hỗ trợ 3 triệu đồng, đồng hành cùng nhà trường trong việc chăm lo bữa trưa cho các em học sinh điểm trường Ty Tu. Đầu năm học, UBND xã có hỗ trợ 6 triệu đồng, cùng một ít gạo, mì tôm cho nhà trường để hỗ trợ các em học sinh không được hưởng chế độ".

Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đắk Hà thông tin: "Việc Trường Tiểu học Đắk Hà triển khai mô hình “bán trú dân nuôi” đã giúp tỷ lệ chuyên cần học sinh tại điểm trường thôn Ty Tu được cải thiện rõ rệt. Các em học sinh đi học buổi sáng rồi ở lại ăn trưa, ngủ nghỉ để chiều học tiếp. Nhiều phụ huynh cũng rất phấn khởi, vui mừng vì con mình được ăn uống đầy đủ, mặc dù không được hưởng chế độ".

Thanh Tùng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/am-long-mo-hinh-ban-tru-dan-nuoi-post462158.html