Ấm lòng bệnh nhân nghèo

Mô hình "Bếp ăn tình thương" là điểm sáng trong hoạt động trợ giúp nhân đạo, nhằm giúp đỡ bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại các cơ sở y tế. Đây cũng là một trong những mô hình truyền thống của Hội Chữ thập đỏ các cấp trên địa bàn tỉnh, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, thu hút ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân hưởng ứng, tham gia.

Đội tình nguyện Chữ thập đỏ thành phố Phúc Yên phát cơm miễn phí cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện K74 Trung ương. Ảnh: Kim Ly

Nghĩa cử cao đẹp

Mặc dù bệnh nhân nghèo đã được hưởng chế độ đãi ngộ về y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe, song để hồi phục sức khỏe đòi hỏi người bệnh phải có đủ dinh dưỡng hằng ngày thông qua các bữa ăn. Đối với bệnh nhân nghèo, tự lo bữa ăn trong thời gian điều trị tại viện là việc làm khó khăn.

Đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày tại bệnh viện, nhiều trường hợp đã phải xin ra viện điều trị tại nhà do không có khả năng lo được tiền ăn hằng ngày cho người bệnh và người nhà đi nuôi dưỡng.

Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của những người bệnh và mong muốn giúp họ vượt qua những mặc cảm tâm lý, sự thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phát động các hoạt động, phong trào nhân đạo gắn với những việc làm cụ thể để giúp đỡ các bệnh nhân.

Trong đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhận định mô hình “Bếp ăn tình thương” là một trong những hoạt động trợ giúp nhân đạo sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và phù hợp với khả năng, điều kiện của các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện viên. Với mục đích đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai và tuyên truyền, vận động các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện viên tích cực tham gia hưởng ứng.

Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 18 mô hình “Bếp ăn tình thương” với 547 tình nguyện viên tham gia, trong đó, có 3 mô hình tự phát. Các mô hình luôn được duy trì hoạt động đều đặn tại các cơ sở y tế, hoạt động sôi nổi và hiệu quả.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện viên kiến thức về tăng cường giá trị dinh dưỡng cho từng bữa ăn; đồng thời, tổ chức tọa đàm, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình. Thông qua đó, các tình nguyện viên có cơ hội được chia sẻ thông tin và có thêm kinh nghiệm về phương thức hoạt động...

Giai đoạn 2016-2021, với sự đồng hành của một số nhà tài trợ như Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô, Đại đức Thích Vĩnh Trường, Trưởng Ban trị sự Phật giáo thành phố Phúc Yên, Công ty TNHH Toàn Mỹ, Công ty TNHH Hoàng Nam... các “Bếp ăn tình thương” trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ được gần 821.000 suất ăn miễn phí (cơm, cháo, sữa), với tổng trị giá hơn 11,6 tỷ đồng cho các bệnh nhân nghèo.

Nhân rộng mô hình

Một trong những đội tình nguyện viên hoạt động hiệu quả phải kể đến Đội tình nguyện Chữ thập đỏ thành phố Phúc Yên. Hơn 10 năm nay, dù trời nắng hay mưa, thứ 4 hằng tuần, các thành viên của đội tình nguyện lại thay phiên nhau nấu cơm, nấu cháo để phát cho những bệnh nhân đang điều trị tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Bà Nguyễn Thị Minh, Đội trưởng Đội tình nguyện Chữ thập đỏ thành phố Phúc Yên cho biết: “Để có những suất ăn đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các thực phẩm và nguyên liệu chế biến được chúng tôi lựa chọn và mua từ các địa chỉ uy tín.

Vào thứ 4 hằng tuần, chúng tôi sẽ nấu 1 bữa cháo vào buổi sáng và 1 bữa cơm vào buổi chiều, đảm bảo khoảng 800 suất cho mỗi đợt để phát cho các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên và Bệnh viện K74 Trung ương. Còn tại Bệnh viện Giao thông vận tải, mỗi tháng, chúng tôi sẽ đảm bảo khoảng 200 suất cháo buổi sáng và 200 suất cơm buổi chiều. Đi kèm mỗi suất cháo, cơm là 1 hộp sữa để đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Để kịp trao những suất cơm, cháo nóng hổi cho người bệnh ngay đầu giờ sáng, từ 3h30, các thành viên của đội tình nguyện đã đạp xe tới các điểm phát cơm, cháo để chế biến. Tuy vất vả, nhưng ai cũng vui vẻ vì được nhìn thấy những gương mặt phấn khởi, nụ cười hạnh phúc và những lời cảm ơn chân thành của những bệnh nhân được nhận suất ăn. Đó chính là món quà tinh thần lớn nhất, động lực để chúng tôi quyết tâm duy trì lâu dài và có hiệu quả hoạt động thiết thực này”.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nguyễn Văn Bình cho biết: “Bằng sự đóng góp của các tập thể, cá nhân, các tình nguyện viên và sự ủng hộ từ nhiều nguồn tài trợ, những năm qua, “Bếp ăn tình thương” đã giảm bớt gánh nặng về vật chất, động viên, tiếp thêm tinh thần cho hàng nghìn bệnh nhân nghèo, giúp họ yên tâm điều trị bệnh. Thông qua hoạt động của mô hình đã khơi dậy lòng nhân ái, đùm bọc, sẻ chia giữa con người với con người…”.

Mỗi suất cơm của “Bếp ăn tình thương” tuy giá trị về vật chất không lớn nhưng đã khẳng định tính thiết thực của mô hình và thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia.

Để tiếp tục duy trì nghĩa cử cao đẹp đó, đồng thời nhân rộng mô hình, thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ để ngày càng có nhiều hơn nữa bệnh nhân nghèo nhận được sự giúp đỡ, đem đến niềm vui cho các bệnh nhân, đặc biệt là với các bệnh nhân nghèo.

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/71319/am-long-benh-nhan-ngheo.html