Ấm áp tình thân!

Tết không chỉ có 'Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh'. Bức tranh mùa xuân còn được tô điểm bằng màu sắc của sự đoàn viên. Trong lời kể của những người con xa xứ, tết gắn liền với không khí ấm áp, quây quần bên đại gia đình.

Chị Nguyễn Hoàng Yến (đang sống ở Hà Lan) diện áo dài truyền thống để ra phố chụp ảnh nhân dịp tết

1. Bốn năm sống tại Hà Lan là 4 lần chị Nguyễn Hoàng Yến (30 tuổi, quê phường 1, TP.Tân An) đón tết xa nhà. Dù vậy, chị Yến vẫn có một cái tết ấm áp cùng bạn bè. Đặc biệt năm nay, trở thành cô dâu mới, chị được đón Tết Cổ truyền của dân tộc với chồng là người Hà Lan.

“Đón tết nơi xứ người”, câu nói làm không ít người con xa xứ chạnh lòng, suy ngẫm nhưng không vì thế mà họ để ngày tết lặng lẽ trôi qua trong nỗi khắc khoải nhớ quê hương. Chị Yến cũng vậy, những ngày cuối năm, tâm trạng của chị lại nôn nao, trông chờ tết dù đang ở tận đất Hà Lan xa xôi.

Chị Yến trải lòng: “Tôi nhớ lắm những ngày tết cùng gia đình, người thân ở quê hương. Đó là những cuộc gặp gỡ bà con từ gần đến xa cùng tụ hội về nhà nội, ngoại. Những câu chuyện được thăm hỏi, sẻ chia dường như không có hồi kết. Bạn bè họp mặt, chúc tết nhau cũng là hoạt động không thể thiếu. Rồi không khí se lạnh hòa cùng sắc hoa, nhất là mai vàng và tiếng nhạc xuân tạo nên không khí tết tràn ngập khắp mọi nẻo đường. Tôi nhớ nhất bữa cơm đoàn viên với những món ăn truyền thống ngày tết giúp thắt chặt tình cảm gia đình”.

Ở xứ người, chị Yến khó tìm được cảm giác đón tết như ở quê hương nhưng cũng có nhiều hoạt động để xoa dịu nỗi nhớ nhà. “Mỗi dịp tết đến, xuân về, tôi cùng các bạn, nhất là các bạn người Việt Nam tập trung nấu các món ăn truyền thống, yêu thích để thưởng thức, xem như bữa tiệc đón năm mới.

Đêm giao thừa, tôi gọi điện thoại về Việt Nam để chúc tết gia đình, người thân và cùng các bạn xem các chương trình Táo quân. Trong những ngày tết, tôi thường mở nhạc xuân để không khí tết thêm sôi động và cùng các bạn mặc áo dài truyền thống, ra phố chụp ảnh kỷ niệm. Tôi không quên chúc tết các bạn, anh, chị người Việt Nam và cùng lì xì hoặc tặng nhau những món quà nhỏ xinh” - chị Yến kể.

Năm nay, tết của chị Yến thêm phần ý nghĩa khi được đón tết cùng chồng là người Hà Lan. Chồng chị từng đến Việt Nam 1 lần và biết chút ít về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là ý nghĩa ngày Tết Cổ truyền. Anh cũng là người rất giỏi nấu nướng và có thể nấu nhiều món của châu Á lẫn châu Âu, do vậy học rất nhanh món ăn của Việt Nam để trổ tài với vợ, nhất là trong dịp tết. Tết năm nay, chị và chồng có nhiều dự định để đón một cái tết thật ấm áp cùng nhau.

Chị Yến tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp cao học, hầu hết bạn bè về nước hoặc chuyển đến nơi khác sinh sống. Không được cùng nhau đón tết như 3 năm trước nhưng bù lại, tôi được đón tết với chồng. Có lẽ tết năm nay không ồn ào, náo nhiệt như mọi năm nhưng sẽ ấm áp hơn rất nhiều.

Đó là cùng chồng thưởng thức bữa cơm đoàn viên với đầy đủ các món ăn truyền thống ngày tết như thịt kho tàu, dưa giá, củ kiệu, canh khổ qua hầm,... và xem những bộ phim tết; đặc biệt là video call cho gia đình, người thân, bạn bè để trò chuyện, chúc nhau bình an, may mắn, hạnh phúc”.

Một năm nữa đón tết nơi xứ người nhưng ý nghĩa ngày tết với chị Yến vẫn vẹn nguyên. Chị luôn tự hào và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam dù ở xứ người.

2. Lê Quang Khánh (SN 2001) là du học sinh Việt Nam ở tiểu bang Ohio, Mỹ. Năm nay, Khánh và em trai về nước đón Tết Dương lịch với gia đình. Rời quê hương Long An khi mới 16 tuổi, Khánh nỗ lực đạt thành tích cao, nhận học bổng để trở thành niềm tự hào của ba mẹ. Khoảng thời gian đầu nơi đất khách, tết đến, Khánh sum họp gia đình qua màn hình máy tính, chạnh lòng lắm nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn, cả nhà động viên cùng cố gắng.

Lê Quang Khánh hiện là du học sinh ở tiểu bang Ohio, Mỹ (Ảnh: NVCC)

Khánh tâm sự: “Vì ở Mỹ không có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán như ở Việt Nam nên những ngày này, tôi vẫn đi học, đi làm bình thường. Lúc mới qua Mỹ, những ngày tết, tôi buồn và nhớ nhà lắm nhưng dần dần cũng quen. Tết, tôi cũng chuẩn bị vài món ăn truyền thống như cách đón tết xa nhà”. Thời khắc giao thừa, Khánh sẽ gọi điện thoại về chúc tết gia đình, người thân. Với Khánh, tết xa quê chỉ cần vậy là ấm áp lắm rồi!

3. Rời Long An đến Kiên Giang lập nghiệp từ năm 2001, chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (SN 1976) luôn về đoàn viên với gia đình vào mỗi dịp tết. Chị Dung chia sẻ: “Thông thường, tôi sẽ về Long An từ ngày 28 tháng Chạp, đến mùng 3 thì trở lại Kiên Giang. Nếu năm nào bận quá, không thể về kịp để đón giao thừa, tôi sẽ sắp xếp thời gian để thăm chị em, họ hàng vào dịp tảo mộ hoặc đợi qua mùng 3 mới về”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung trang trí cây mai, chuẩn bị bánh, mứt để đón tết ở Long An

Từ khoảng 20 tháng Chạp, chị Dung bắt đầu mua hoa, cây kiểng trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đưa ông Táo, mua sắm tết,... Năm nào về Long An, chị cũng mang theo đặc sản Kiên Giang biếu họ hàng. Theo chị Dung, những ngày đầu năm mới, được ở bên gia đình là điều hạnh phúc nhất./.

Tết là thời điểm ai cũng nôn nao trở về nhà sau một năm dài để được cùng người thân sum vầy, gửi nhau những lời chúc tốt lành. Và hơn hết, tết sẽ mang đến cho mỗi người sự hứng khởi của những ngày đầu năm, cầu chúc cho một năm an vui, hạnh phúc.

Hoàng Lan - Ngọc Sương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/am-ap-tinh-than--a170329.html