Ấm áp ngày trở về

Dẫu tuổi cao, sức yếu nhưng những người lính một thời vào sinh ra tử ở Quảng Trị vẫn luôn mong muốn trở về chiến trường xưa. Trên hành trình trở về gắn liền với những nghĩa cử đẹp, họ luôn nhận được sự quan tâm ấm áp.

Các cựu chiến binh trở về Quảng Trị, thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn - Ảnh: T.L

Các cựu chiến binh trở về Quảng Trị, thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn - Ảnh: T.L

Sự thúc giục của con tim

Năm nào cũng vậy, dẫu bận rộn đến đâu, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng thu xếp thời gian để về Quảng Trị. Nói là “về” bởi từ lâu, ông đã xem Quảng Trị như quê hương thứ hai. Ở mảnh đất này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu từng trải qua 8 năm với gần 3.000 ngày sát cánh cùng đồng đội. Ông không thể nhớ hết số lần vuốt mắt những người lính mãi mãi nằm xuống ở độ tuổi đôi mươi. Vì thế, mỗi lần về Quảng Trị, cái cảm giác xúc động, bồi hồi lại trào dâng trong trái tim Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Từng gương mặt thân thương cứ thế hiện về trong ông như thước phim quay chậm.

Không chỉ dâng hương, dâng hoa, mỗi lần về Quảng Trị, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn mong muốn được làm một điều gì đó ý nghĩa cho đồng đội và chiến trường xưa. Ngay sau khi đất nước thống nhất, ông nghĩ ngay tới những người lính còn nằm lại trên chiến trường. Vì thế, tìm kiếm đồng đội đã hy sinh nhanh chóng trở thành điểm mở đầu cho hành trình tri ân không ngơi nghỉ của vị tướng.

Hành trình ấy tiếp nối bằng rất nhiều hoạt động như thăm hỏi, tặng quà cho cựu chiến binh, người dân có hoàn cảnh khác nhau; góp sức xây dựng những công trình tri ân; cứu trợ bão lũ... “Quảng Trị là quê hương thứ hai, nơi tôi có những nghĩa tình sâu nghĩa nặng đối với đồng bào, đồng chí và đồng đội. Vì thế, tôi luôn muốn trở về mảnh đất này cùng những việc làm tốt đẹp”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định.

Cũng như Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, trở về với Quảng Trị là “mệnh lệnh từ trái tim” cựu chiến binh Lê Bá Dương, từng cầm súng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, mỗi khi gạt nước mắt chôn cất đồng đội, cựu chiến binh Lê Bá Dương lại bấm bụng tự thề: “Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình, chúng tôi sẽ trở lại tìm đưa các anh em về với quê hương, gia đình”.

Vậy mà, nhiều năm sau chiến tranh, với những chuyến kiếm tìm trong đau đáu lời thề, cựu chiến binh Lê Bá Dương vẫn không thể đưa hết đồng đội về quê. Đó là lý do thôi thúc ông thai nghén ý tưởng, tổ chức chương trình “Đưa quê hương vào cho đồng đội”.

Nói về ý tưởng tổ chức chương trình, ông Lê Bá Dương chia sẻ: “Không đưa được đồng đội đã hy sinh về quê hương, tôi và những người lính may mắn còn sống quyết tâm đưa quê hương vào cho đồng đội. Đó là sự thúc giục của trái tim. Dẫu tuổi ngày càng già, sức khỏe đã yếu nhưng chúng tôi luôn nỗ lực”.

Cựu chiến binh Lê Bá Dương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh ở Quảng Trị - Ảnh: Q.H

Cựu chiến binh Lê Bá Dương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh ở Quảng Trị - Ảnh: Q.H

Cũng như Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và cựu chiến binh Lê Bá Dương, Quảng Trị luôn là “chốn mong về” của những người lính một thời vào sinh, ra tử. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng nhiều cựu chiến binh đã thực hiện được mong muốn ấy.

Trung bình mỗi năm, Quảng Trị đón tiếp hàng chục ngàn lượt cựu chiến binh, người thân và du khách. Không chỉ dâng hương, dâng hoa, nhiều người lính trở lại với chiến trường xưa còn có những hoạt động nghĩa tình. Ai cũng mong muốn góp sức giúp Quảng Trị đổi mới, phát triển và người dân, đặc biệt là đồng đội vơi bớt khó khăn.

Ngày về thêm ấm áp

Chuyện trò xoay quanh câu chuyện sự trở về của những người lính, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Nguyên Hồng cho biết, hằng năm, Quảng Trị đón tiếp rất nhiều cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa và đồng đội. Đặc biệt, vào dịp 30/4 và 27/7, số lượng cựu chiến binh đến Quảng Trị luôn tăng cao. Dịp 27/7 năm nay, tỉnh Quảng Trị đón gần 15.000 lượt cựu chiến binh, thân nhân và du khách. Để thể hiện tình cảm trân quý với sự trở về này, cán bộ, người dân Quảng Trị đã luôn nỗ lực làm tốt công tác đón tiếp, hỗ trợ cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ.

Theo ông Lê Nguyên Hồng, trong rất nhiều sự nỗ lực, đáng chú ý là từ đầu tháng 7/2022 đến nay, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức đón các đoàn đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn vào ban đêm.

Các địa điểm này luôn có người túc trực để phục vụ việc thăm viếng của các đoàn cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ. Dẫu biết việc tổ chức viếng vào ban đêm sẽ khiến những người làm nhiệm vụ vất vả hơn nhưng ai cũng thuận lòng. Bởi, họ có thể góp phần giúp các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ và du khách tránh được cái nắng nóng vào ban ngày.

Các cựu chiến binh trở về thăm chiến trường xưa và đồng đội trong tình yêu thương tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: Q.H

Các cựu chiến binh trở về thăm chiến trường xưa và đồng đội trong tình yêu thương tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: Q.H

Tại các địa phương trong tỉnh, nhiều cách làm hay, sáng tạo cũng được triển khai để hỗ trợ những người lính trở về cũng như thân nhân của họ. Trên mảnh đất Thành Cổ, cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh thị xã Quảng Trị thường ví mình với hình ảnh một người con trai trong gia đình lớn, ở lại với nếp nhà xưa để lo liệu việc hương khói và đón tiếp thân nhân, là đồng chí, đồng đội trở về. Vì thế, dù một hay nhiều cựu chiến binh liên lạc với cán bộ, hội viên của hội, họ cũng sẵn sàng đón tiếp, hỗ trợ.

Mới đây, cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Quảng Trị và các tổ chức, đoàn thể, Hội Cựu chiến binh thị xã Quảng Trị đã tổ chức gian hàng 0 đồng và bữa cơm “Nghĩa tình đồng đội” để phục vụ cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ đến thị xã Quảng Trị.

Ông Trương Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Quảng Trị cho biết: “Trung bình mỗi năm, hội đón tiếp hàng chục đoàn với hàng trăm lượt cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ. Có năm chúng tôi đón tiếp đến 70 đoàn. Khi khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn hết phòng, chúng tôi bố trí cho đồng đội, thân nhân liệt sĩ về ở tại nhà mình hoặc nhờ các gia đình khác ở khu phố giúp đỡ”, ông Thủy cho biết.

Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Quảng Trị Trương Xuân Thủy, trong số cán bộ, hội viên của hội, có nhiều người là cựu chiến binh Thành Cổ. Tuy đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau nhưng họ đều chọn chiến trường xưa làm quê hương thứ hai. Ở Khu phố 2, phường 3, thị xã Quảng Trị, ngôi nhà của cựu chiến binh Cao Xuân Ý thường xuyên có sự hiện diện của những chiếc áo lính sờn bạc.

Ông Ý quê gốc Quảng Bình, năm 1972, ông được điều động vào Quảng Trị và cùng đồng đội trải qua 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Là người may mắn còn sống sau chiến tranh, ông luôn nhắc nhủ bản thân làm một điều gì đó cho đồng đội đã hy sinh.

Đi qua những nẻo đường đời, cuối cùng, từ sự thúc giục của trái tim, ông Ý chọn thị xã Quảng Trị để sống. Ông cảm thấy ấm lòng khi hằng tháng được thắp nén hương cho đồng đội đã khuất. Biết tin ông chọn sống ở chiến trường xưa, nhiều đồng đội, thân nhân liệt sĩ thường ghé thăm, nhờ hỗ trợ. Đối với bất cứ ai, ông Ý và các thành viên trong gia đình cũng giúp đỡ nhiệt tình. “Nếu cho thời gian trở lại, tôi vẫn sẽ ở đây để làm nhiệm vụ cuối cùng của một người lính”, ông Ý khẳng định.

Trải qua khói lửa của chiến tranh, những người lính năm xưa đều thấu hiểu sâu sắc chữ nghĩa, chữ tình. Đó là động lực thôi thúc họ luôn hướng về, trở về với Quảng Trị, chiến trường xưa và đồng đội. Trên hành trình trở về có phần khó khăn do tuổi tác, sức khỏe, các cựu chiến binh như được tiếp thêm sức mạnh bởi nghĩa tình Quảng Trị, thể hiện sinh động ở sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, cũng có khi đơn giản, mộc mạc qua những lời nói, việc làm ý nghĩa của các cán bộ, cựu chiến binh, người dân địa phương. Đây cũng chính là điều khiến những người lính năm xưa luôn muốn có thêm những lần trở về Quảng Trị.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/am-ap-ngay-tro-ve/179543.htm