Ấm áp lớp học tình thương

Nằm ở vị trí khá khiêm tốn, cơ sở vật chất giới hạn, sách vở vẫn chưa được đầy đủ, phong phú nhưng lớp học tình thương tại chùa Sreyvonsa, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài được duy trì ổn định từ 5 năm qua. Với học sinh nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, lớp học không chỉ là nơi các em được cung cấp kiến thức mà còn được truyền đạt nhiều kỹ năng sống, điều hay, lẽ phải trong cuộc sống và quan trọng hơn, đó chính là nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ mọi người xung quanh.

LÊN CHÙA HỌC CHỮ

Sau gần 2 năm phải tạm ngưng đến trường do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đến đầu tháng 6 năm nay, lớp học tình thương đã được mở lại. Bên cạnh những gương mặt học sinh, các tình nguyện viên quen thuộc, lớp học năm nay có thêm nhiều thành viên mới. Buổi lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, rất nhiều phần quà đã được các mạnh thường quân gửi tặng để tiếp thêm động lực, giúp các em vui vẻ và an tâm đến trường. Niềm vui, phấn khởi không chỉ với học sinh, đó còn là các thầy, cô, tình nguyện viên đứng lớp và các cấp lãnh đạo phường. “Chúng tôi rất vui khi lớp học tình thương đã mở lại sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch. Lớp học mở ngay vào dịp hè, đồng nghĩa với một sân chơi bổ ích sẽ mang đến cho các em, đồng thời giúp các em có những kiến thức hữu ích, thiết thực” - Phó chủ tịch UBND phường Tân Xuân Lê Thị Hương Giang hồ hởi.

Tại lễ khai giảng lớp học, mạnh thường quân đã đồng hành, hỗ trợ nhiều phần quà giúp các em an tâm, phấn khởi đến trường

Con học đã 3 năm rồi. Ở đây, con được các cô dạy nhiều điều, dạy chữ, dạy vẽ, đặc biệt các cô còn dạy các bạn nữ may vá, thêu thùa… Chúng con thích lắm.

Em Thạch Thị Hà, lớp học tình thương tại chùa Sreyvonsa

Lớp học tình thương hiện duy trì từ 8-10 giờ sáng hằng ngày, từ thứ hai đến thứ sáu, với gần 30 học sinh. Mỗi em đến đây đều có hoàn cảnh đặc biệt riêng. Có em chưa biết mặt chữ, có em đã đi học nhưng không theo kịp bạn và cũng có em khuyết tật, câm, điếc bẩm sinh… Các em đến lớp, trước là bổ sung kiến thức, tiếp đó là học các kỹ năng sống, rèn luyện tính tổ chức, kỷ luật. Do trong lớp có 2/3 học sinh dân tộc Khmer nên ngoài dạy tiếng Việt, thầy trụ trì ở đây cũng dành thêm thời gian để dạy chữ Khmer cho các em. Đó chính là hoạt động ý nghĩa, góp phần bảo tồn, duy trì chữ viết và văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer. Đặc biệt trong những ngày hè, ngoài truyền đạt kiến thức cơ bản, các em còn được học thêm kỹ năng phòng, chống đuối nước và xâm hại tình dục… Đây là những kỹ năng vô cùng thiết yếu để cuộc sống của các em được tốt hơn mỗi ngày.

TẬN TỤY VÌ HỌC SINH “ĐẶC BIỆT”

Để duy trì được lớp học trong thời gian qua, vai trò của các tình nguyện viên tham gia đứng lớp vô cùng quan trọng. Lớp học có nhiều thành phần học sinh, lứa tuổi, cấp học khác nhau nên khó khăn là điều không tránh khỏi. Nhưng với sự kiên trì, tình yêu thương và phương pháp giảng dạy phù hợp, mỗi buổi học đều diễn ra trong sự thích thú của học sinh.

Phần lớn các em theo học tại đây đã thiệt thòi về vật chất và tinh thần. Tham gia tình nguyện viên lớp học, chúng em muốn bù đắp cho các em một phần nào đó. Trong đó, dạy các em biết chữ là điều cần làm nhất, tiếp đó là dạy các em những kiến thức bổ ích, giúp mình và bạn bè an toàn, tránh các tai nạn thương tích.

Tình nguyện viên Nguyễn Thành Phú, học sinh Trường THPT Đồng Xoài

Tham gia dạy tại lớp học tình thương có sự góp mặt của nhiều tình nguyện viên, đó có thể là sinh viên đang nghỉ hè, công nhân, viên chức, học sinh phổ thông hay cả người buôn bán nhỏ. Chị Võ Thị Kim Anh buôn bán tại nhà, tuy nhiên chị đã sắp xếp thời gian, dành 1 ngày trong tuần để lên chùa dạy cho các em. Ngoài dạy chữ, chị còn truyền đạt thêm nhiều kỹ năng sống. “Các em ở đây có nhiều lứa tuổi, sự phát triển, tiếp thu không đồng đều nên việc dạy đôi khi cũng vất vả và mệt. Nhưng bù lại các em rất đam mê học nên tôi vui lắm. Các em biết được mặt chữ, biết viết tên, tuổi, địa chỉ của mình là chúng tôi vui rồi” - chị Kim Anh mong muốn.

Hay như Nguyễn Thành Phú, học sinh Trường THPT Đồng Xoài, ngoài lịch đứng lớp tại đây, những lúc rảnh Phú cũng có mặt để hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể hơn cho các em tiếp thu chậm hoặc tổ chức nhiều trò chơi lúc giải lao.

Mỗi khi đến lớp, ngoài học chữ, kỹ năng, các em luôn nhận được sự đồng hành của các mạnh thường quân. Ngày khai giảng, các em được tặng balô, cặp sách mới hay gạo, mì gói, nhu yếu phẩm hằng ngày… Những phần quà tuy nhỏ nhưng chính là động lực để các em có thêm niềm vui đến lớp học chữ, học làm người, chuẩn bị cho tương lai tốt hơn.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/134264/am-ap-lop-hoc-tinh-thuong