Ám ảnh ùn tắc tại phà Cát Lái

Dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, nỗi lo ùn tắc giao thông ở phà Cát Lái (nối TP.HCM với H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) lại tái diễn. Đáng nói, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết triệt để nhằm góp phần tăng sự thông thương, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.

Đường Lý Thái Tổ (xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch) thường xảy ra ùn tắc cục bộ vào các dịp cuối tuần, lễ, Tết do dòng xe đông đúc xếp hàng qua phà Cát Lái. Ảnh: Đ.Tùng

* Ngán ngẩm chờ phà mùa lễ, Tết

Mỗi dịp cuối tuần, anh Nguyễn Trọng Luân (đang sống và làm việc tại TP.Thủ Đức, TP.HCM) đều dùng xe máy chở vợ con về thăm cha mẹ tại H.Long Thành. Nhưng hầu như tuần nào anh cũng phải chờ khá lâu để lên phà Cát Lái di chuyển qua sông Đồng Nai (cả chiều từ TP.HCM về Đồng Nai và ngược lại). Vì trên xe luôn chở theo lỉnh kỉnh ba lô, túi xách nên việc chen giữa dòng người đông đúc rồi lên phà luôn khiến anh mệt mỏi.

Anh Nguyễn Trọng Luân cho biết: “Lưu lượng khách qua phà ngày càng tăng cao khiến phà thường xuyên ùn tắc vào các giờ cao điểm và các ngày cuối tuần, lễ, Tết. Đặc biệt, vào các ngày đầu và ngày cuối những dịp nghỉ lễ, Tết dài ngày, đường Lý Thái Tổ ở phía H.Nhơn Trạch và đường Nguyễn Thị Định ở phía TP.HCM thường xuyên xuất hiện dòng xe máy, ô tô dài hàng trăm mét chờ lên phà. Việc này khiến chúng tôi rất mệt mỏi do chờ đợi lâu giữa dòng xe nóng bức”.

Phó giám đốc Sở GT-VT NGUYỄN BÔN:

Kết nối giữa TP.HCM và Đồng Nai sẽ thuận lợi hơn khi có cầu Cát Lái

Cầu Cát Lái khi hình thành và đưa vào khai thác trong tương lai sẽ tạo điều kiện đi lại thông suốt, an toàn, nhanh chóng cho người dân cũng như việc vận chuyển hàng hóa. Việc này sẽ góp phần tạo đà phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ cho các địa phương hai bên bờ sông. Đặc biệt sẽ giải quyết được việc đi lại của người dân trong các dịp lễ, Tết, cuối tuần được thuận lợi hơn.

Anh NGUYỄN VĂN ĐÔNG (ngụ xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch):

Nghiên cứu mở rộng đường xuống phà

Vào các dịp lễ, Tết, ở khu vực phà Cát Lái lại xuất hiện tình trạng ùn tắc và hình thành dòng xe xếp hàng kéo dài trên đường Lý Thái Tổ chờ lên phà. Tình trạng này diễn ra suốt nhiều năm qua mà chưa thể khắc phục được. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng xem xét mở rộng thêm đường Lý Thái Tổ để đảm bảo an toàn giao thông, vì tuyến đường hiện nay quá nhỏ so với lượng xe di chuyển đông đúc mỗi ngày.

Minh Thành (ghi)

Theo cơ quan chức năng, phà Cát Lái kết nối TP.HCM với Đồng Nai hiện có 7 chiếc phà đang được khai thác, số lượng khách qua phà bình quân khoảng 50 ngàn lượt/ngày. Tuy nhiên, trong các dịp cuối tuần, lễ, Tết, lượng khách qua phà có khi tăng đến 50%, lên đến hơn 75 ngàn lượt/ngày, dẫn tới ùn tắc.

Đáng nói, tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường dẫn lên phà (cả ở phía Đồng Nai và TP.HCM) đã tồn tại từ lâu và tái diễn liên tục vào các dịp cuối tuần, lễ, Tết. Điều này khiến cả người đi đường và người dân địa phương hai bên bờ gặp khá nhiều phiền toái.

Ông Nguyễn Hoàng Vân (ngụ H.Nhơn Trạch) bày tỏ, cứ ùn tắc kéo dài trăm mét suốt nhiều giờ là các hộ dân quanh khu vực đường Lý Thái Tổ phải khép bớt cửa để tránh ồn ào và khói bụi bay vào nhà. Thậm chí, dòng xe chắn ngang đường nên nhà nào có xe ô tô cũng phải rất chật vật mới đưa xe ra khỏi nhà nếu có việc gấp cần đi.

Điều đáng quan tâm, trên tuyến sông này, ngoài phà Cát Lái còn có nhiều phương tiện thủy di chuyển dọc sông mỗi ngày. Vì vậy, nguy cơ va chạm giữa phà với các phương tiện thủy khác cũng có khả năng xảy ra.

Thực tế, vào tối 5-1, phà Cát Lái số hiệu SG-5889 (đang chở khách từ bờ TP.HCM sang bờ Đồng Nai) đã xảy ra va chạm với sà lan chở cát số hiệu LA-07291 lưu thông trên sông Đồng Nai. Vị trí va chạm cách bến phà Cát Lái (bờ phía H.Nhơn Trạch) 100m; cú va chạm khiến phà hư hỏng phần vỏ phía mạn đuôi và may mắn không có hành khách trên phà thương vong.

Để đảm bảo an toàn trong lĩnh vực GT-VT đường thủy nội địa, cơ quan Thanh tra giao thông của Bộ GT-VT đã yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông toàn quốc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động vận tải khách ngang sông, dọc tuyến. Trong đó tập trung kiểm tra tải trọng, giá vé, dụng cụ cứu sinh, phòng chống cháy, nổ trên phương tiện; điều kiện, tiêu chuẩn của phương tiện, thuyền viên, người điều khiển phương tiện; điều kiện, tiêu chuẩn của cảng, bến…

Không chỉ vậy, thời gian qua, tại khu vực bến phà Cát Lái cũng xuất hiện một số sự việc tranh cãi giữa người đi đường và nhân viên tại phà (phần lớn đều xảy ra khi phà đông đúc). Gần đây nhất, vào chiều 4-11, 2 người đàn ông đi xe máy chạy ngược chiều đường dẫn xuống bến phà Cát Lái (địa phận xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch) và muốn vượt barrier để xuống phà. Khi nhân viên tại bến phà cương quyết không mở chắn, 2 người đàn ông trên đã xuống xe cãi vã và phát sinh xô xát với nhân viên bến.

Mặt khác, luồng hàng hóa từ các khu công nghiệp dọc theo quốc lộ 51 và H.Nhơn Trạch... được vận chuyển đi vòng theo quốc lộ 51, quốc lộ 1 rồi về khu vực các hệ thống cảng trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai từ Cát Lái đến TP.Thủ Đức (TP.HCM) ngày càng nhiều. Việc này cũng góp phần gây ùn tắc giao thông trên quốc lộ 51 đoạn qua H.Long Thành và TP.Biên Hòa.

* Mòn mỏi chờ cầu Cát Lái

Với thực trạng nêu trên, việc xây dựng tuyến đường bộ kết nối khu vực cảng Cát Lái (TP.HCM) với H.Nhơn Trạch là điều người dân cả 2 địa phương mong chờ từ lâu. Cuối tháng 8-2019, Chính phủ đã có văn bản triển khai xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái, theo đó đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh về chủ trương đầu tư xây dựng cầu.

Sở GT-VT đánh giá, nếu lấy chợ Bến Thành (TP.HCM) làm điểm đích để so sánh thì việc đi từ H.Nhơn Trạch đến TP.HCM qua bến phà Cát Lái chỉ khoảng 30km. Còn nếu đi theo các tuyến quốc lộ khoảng 55km; đi theo quốc lộ 51 rồi ra đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ là 37km. Đó là lý do vì sao người dân trong khu vực vẫn chọn lộ trình qua phà Cát Lái hàng ngày, đặc biệt với người sử dụng xe máy, xe đạp...

Phà Cát Lái kết nối TP.HCM và H.Nhơn Trạch thường ùn tắc, đông đúc vào các dịp cuối tuần, lễ, Tết do lượng phương tiện tăng đột biến. Ảnh: Đăng Tùng

Đầu tháng 11-2023, UBND TP.HCM có ý kiến với UBND tỉnh Đồng Nai về đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái kết nối TP.Thủ Đức với H.Nhơn Trạch. Theo đó, trên cơ sở các đồ án quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND TP.HCM đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. UBND TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai trong quá trình nghiên cứu đầu tư các dự án, đảm bảo đồng bộ và phát huy hiệu quả đầu tư.

Giữa tháng 11-2023, UBND tỉnh đã giao Sở GT-VT chủ trì, hướng dẫn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh thực hiện tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trong đó, lưu ý thời điểm triển khai thi công phần cầu dẫn phía TP.HCM thực hiện sau khi tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - vành đai 3 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch) kiến nghị các cơ quan chức năng nên có phương án sớm xây dựng cầu Cát Lái kết nối TP.HCM với H.Nhơn Trạch để tạo sự thuận lợi cho người dân đi lại. Đồng thời, củng cố hạ tầng tại H.Nhơn Trạch đồng bộ với các tuyến đường lân cận, để khi cầu Cát Lái hình thành, đi vào sử dụng sẽ tạo sự kết nối thông suốt ra quốc lộ 51 mà ko hình thành nên các điểm ùn tắc khác tại H.Nhơn Trạch.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202312/am-anh-un-tac-tai-pha-cat-lai-3114c4b/