Ám ảnh khi chứng kiến người bị đè bẹp trong thảm kịch Itaewon

Theo các chuyên gia y tế, việc lan truyền hình ảnh, video về thảm họa giẫm đạp ở Itaewon khiến nỗi đau của người sống sót, gia đình nạn nhân ngày càng trầm trọng hơn.

Nhiều người sống sót sau thảm kịch bị mất ngủ, gặp vấn đề tâm lý.

5 ngày trôi qua kể từ khi đêm thảm kịch Halloween xảy ra ở khu “phố Tây của Seoul” (Hàn Quốc), những hình ảnh về vụ giẫm đạp đã hằn sâu vào tâm trí của rất nhiều người.

Việc chứng kiến một sự kiện kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 156 người có thể gây ra hàng loạt vấn đề về tâm lý như nhức đầu, mất ngủ, khiến các mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn, theo Korea Joongang Daily.

"Tôi đã không ngủ chút nào từ hôm 29/10", bài đăng của một nhân chứng trên Twitter.

Các chuyên gia cho rằng đây là rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), một hội chứng phát triển sau khi bệnh nhân tiếp xúc với tình huống đau buồn với các triệu chứng như xuất hiện những hồi ức, suy nghĩ, cảm xúc hoặc giấc mơ liên quan đến vụ việc.

Bệnh nhân cũng có xu hướng tránh né các tín hiệu về PTSD, thay đổi suy nghĩ và gia tăng phản ứng chiến-hay-chạy (fight-or-flight response).

Thảm kịch đêm Halloween có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các cá nhân và xã hội nói chung. Ảnh: BBC.

Sang chấn tâm lý

Với bi kịch ở Itaewon hoặc bất kỳ thảm họa nào có tính chất tương tự, điều đáng lo ngại có thể được tăng nhanh chóng bởi thuật toán của mạng xã hội, mức độ bao phủ thông tin từ phương tiện truyền thông. Điều đó khiến hậu quả ngày càng nghiêm trọng và lan rộng hơn.

“Không cần phải có mặt ở hiện trường mới trải qua PTSD. Cách khắc phục đơn giản nhất là đừng xem quá nhiều hình ảnh, cất điện thoại đi, hạn chế tìm kiếm trên Google về sự kiện đó”, Chae Jeong-ho, giáo sư tâm thần học tại Đại học Công giáo Hàn Quốc và là chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu Căng thẳng do chấn thương, cho biết.

Đối với những người tận mắt chứng kiến, thế hệ trẻ, nhóm lớn lên cùng Internet và sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên, đó không phải là một lựa chọn dễ thực hiện.

Tin tốt là 80% nhóm này có thể vượt qua một cách tự nhiên, thông qua một số bài tập thở và cần thời gian để chữa lành.

Còn những với nhiều người, quá trình phục hồi sẽ mất nhiều công sức hơn.

Việc chữa lành sau chấn thương tâm lý mất khá nhiều thời gian. Ảnh: The National.

Theo tạp chí Frontiers in Psychology, chấn thương hàng loạt (mass trauma), hay chấn thương tập thể, được định nghĩa là một phản ứng tâm lý khi trải qua một vụ việc đau thương, có ảnh hưởng đến xã hội nói chung.

Một số nhà học thuật đã chỉ ra rằng mass trauma dẫn đến sự gián đoạn cuộc sống, công việc, mạng lưới bình thường, thể chế và cấu trúc trong dài hạn.

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho hay những tổn thương như vậy không chỉ liên quan đến người sống sót tại hiện trường và thân nhân của nạn nhân mà còn tác động với bất kỳ ai bị ảnh hưởng bởi thảm họa.

“Không ít người đang chật vật với các triệu chứng của PTSD. Chẩn đoán về hội chứng này nên được đưa ra ít nhất một tháng sau một sự kiện thương tâm. Các triệu chứng như khó ngủ, buồn nôn, run rẩy và đau đầu là đặc điểm nhận biết”, ông Chae nói.

Vai trò của truyền thông

Tính đến 2/11, các tìm kiếm về Trung tâm Quốc gia về Thảm họa và Chấn thương trên Google Hàn Quốc đã tăng vọt gấp 10 lần so với một tuần trước đó. Một số từ khóa có liên quan khác cũng ghi nhận xu hướng tương tự, chẳng hạn “trung tâm chấn thương” (gấp 6 lần), “các triệu chứng chấn thương” (gấp 4 lần).

Mặc dù sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, ví dụ vụ chìm phà Sewol cướp đi sinh mạng của 299 người vào năm 2014, mass trauma chỉ mới được quan tâm gần đây. Trước đó, bất kỳ loại bệnh tâm thần nào cũng được coi là dấu hiệu của sự yếu đuối. Đến hiện tại, suy nghĩ này vẫn còn tồn tại.

“Chỉ sau thảm họa phà Sewol, mọi người mới bắt đầu coi trọng khái niệm hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Trước đây, với những tai nạn như cháy tàu điện ngầm Daejeon và sập cửa hàng bách hóa Sampoong, không ai quan tâm đến việc đó”, ông Chae nói thêm.

Đặc biệt, công nghệ có thể làm cho chấn thương sâu sắc và lan rộng hơn trong khoảng thời gian này.

“Môi trường truyền thông đã thay đổi đáng kể vài năm trở lại đây, đó là một vòng lặp liên tục hiển thị các video và ảnh đồ họa từ đêm tiệc ác mộng ở Itaewon, được hỗ trợ bởi các thuật toán và hoàn toàn khác với những gì diễn ra sau tai nạn Sewol. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và nó sẽ trở nên tồi tệ hơn”, Yu Hyun-jae, giáo sư truyền thông và giám đốc Trung tâm Truyền thông Sức khỏe và Báo chí của Đại học Sogang, nhận định.

Hậu quả từ thảm họa hôm 29/10 có thể kéo dài nhiều thế hệ. Ảnh: Reuters.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người sống sót sau thảm họa, gia đình của nạn nhân thiệt mạng, trường hợp ứng cứu đầu tiên và nhân viên y tế tại hiện trường dễ bị các vấn đề về tâm lý gấp 4 lần so với nhóm còn lại.

Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập các quầy tư vấn bên cạnh đài tưởng niệm tại Itaewon và Seoul Plaza để bất kỳ ai cũng có thể gọi điện nhờ trợ giúp. Bộ Y tế và Phúc lợi cũng đã hứa sẽ mở rộng những dịch vụ bằng tiếng Anh và ngôn ngữ khác.

Nhưng xứ củ sâm vẫn thiếu hệ thống chăm sóc y tế khẩn cấp bao gồm sức khỏe tâm thần, tính liên tục trong các dịch vụ và mạng lưới cung cấp bên ngoài Seoul.

Theo Chae, một vấn đề lớn hơn nữa là chấn thương hàng loạt và hội chứng tâm lý của những người bị ảnh hưởng bởi các thảm họa như vụ giẫm đạp đám đông Itaewon có thể kéo dài không chỉ cuộc đời của cá nhân đó mà còn đến thế hệ tương lai. Hậu quả được duy trì hàng thập kỷ được gọi là chấn thương thế hệ.

Lim Myung-ho, giáo sư tâm thần học tại Đại học Dankook, cũng đồng tình với ý kiến trên. Nhóm sống sót sau thảm kịch này sẽ cảm thấy lo lắng nghiêm trọng về việc cho phép con cái đi dự lễ hội khi họ lập gia đình.

"Điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến những đứa trẻ đó", Lim bày tỏ.

Hiệp hội Tâm thần Hàn Quốc đã đưa ra một cảnh báo hôm 31/10 về việc không nên lan truyền các đoạn phim và hình ảnh tại hiện trường trên mạng xã hội, đồng thời kêu gọi phương tiện truyền thông tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn về báo cáo thảm họa.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/am-anh-khi-chung-kien-nguoi-bi-de-bep-trong-tham-kich-itaewon-post1371395.html