Ám ảnh đời thường

(TGĐA) - Nỗi ám ảnh từ Rosemary's Baby không đến từ những cảnh máu me, rùng rợn mà nó xuất phát từ chính tâm lý của các nhân vật.

(TGĐA) - Nỗi ám ảnh từ Rosemary's Baby không đến từ những cảnh máu me, rùng rợn mà nó xuất phát từ chính tâm lý của các nhân vật.

Không vấy máu nhưng tác phẩm của đạo diễn Roman Polanski vẫn khiến người xem rợn người bằng cách khai thác những nỗi sợ rất đời thường. Phim mở đầu bằng lời hát ru “la… la… la” tưởng như của một người mẹ hát ru đứa con bé bỏng, nhưng lại gợi nên một không khí u ám, hoang mang. 80% bối cảnh phim đều diễn ra trong căn hộ ở New York, nơi mà đôi vợ chồng trẻ vừa chuyển tới sinh sống.

Phim thuộc thể loại kinh dị, nhưng vị đạo diễn người Ba Lan không khai thác nỗi sợ, hay nói chính xác là sự “ghê tởm” của người xem bằng những cảnh máu me như các phim kinh dị Friday the 13th, The Texas Chainsaw Massacre hay Nightmare on Elm Street. Nỗi sợ của Rosemary’s Baby đến từ chính tâm lý của các nhân vật. Rosemary khao khát có một đứa con, còn Guy - chồng cô lại khao khát danh vọng, tiền tài.

Nữ diễn viên Mia Farrow đã lột tả một cách xuất sắc tâm lý một người phụ nữ yếu đuối, có phần tiều tụy vì ước vọng có thai. Roman Polanski đã đặt khán giả đúng vào vị trí tâm lý của Rosemary, từ sự háo hức, tò mò khi tới ngôi nhà mới, sau đó là những cơn ác mộng, sự bất an khi mang bầu… Đôi mắt xanh ma mị và mái tóc tém của Mia chính là một trong những điểm nhấn, khiến phim trở nên rùng rợn hơn. Những yếu tố rất đời thường như chuyển nhà mới, sinh con hay hạnh phúc khi được làm cha, làm mẹ của những cặp vợ chồng trẻ được khai thác ở một khía cạnh u tối, huyền bí nhưng lại rất “thật”. Ngôi nhà mới rộng lớn nhưng luôn ẩn chứa không khí nặng nề, những người hàng xóm già tốt bụng nhưng lại chất chứa một hiểm họa khôn lường. Ngoài bài hát ru xuất hiện ở đầu và cuối phim, tiếng chuông đồng hồ kêu tic tac tic tac trong phòng ngủ của Rosemary và Guy cũng là một chi tiết đắt giá yểm trợ cho không khí bộ phim.

Có thể nói, Rosemary’s Baby là chuẩn mực cho dòng phim kinh dị không vấy máu nhưng vẫn khiến khán giả phải rùng mình. Rất nhiều bộ phim sau này, nổi bật gần đây là Thiên nga đen (Black Swan) của đạo diễn Darren Aronofsky cũng ảnh hưởng rất nhiều từ cách tạo không khí của đạo diễn Roman Polanski trong tác phẩm chinh phục Hollywood. Ở đó, người xem nhìn thấy những câu chuyện rất bình thường nhưng lại bất bình thường và có chút gì đó “thú tính”.

Ngoài ra, Rosemary’s Baby cũng có nhiều khoảnh khắc khá hài hước, khiến người xem phải bật cười nhưng vẫn có chút gì đó “sợ sợ”. Điều này được thể hiện qua diễn xuất của nữ diễn viên gạo cội Ruth Gordon - người thủ vai bà hàng xóm Minnie Castevet mau mồm mau miệng. Những câu thoại của bà khá hài hước, dí dỏm nhưng ẩn sâu trong đó, người xem vẫn nhận thấy một sự bệnh hoạn đáng sợ. Vai diễn này đã đem lại cho Ruth danh hiệu Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Oscar 1969.

Thành công nhất của Polanski trong bộ phim này chính là cách kể chuyện độc đáo, đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Khán giả như bị hút vào trong thế giới tâm linh huyền bí của Rosemary, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc cùng cô. Cảnh kết phim xứng đáng đi vào lịch sử của phim kinh dị. Sự bế tắc của Rosemary đã trôi qua? Đứa trẻ sẽ ra sao? Tất cả mọi thứ có phải là một cơn ác mộng kinh hoàng nhất? Rất nhiều câu hỏi sẽ xuất hiện trong tâm trí mỗi người sau khi xem xong. Tuy nhiên, vượt lên trên hết chính là một cảm giác rờn rợn, bất an cứ đọng lại mãi khó dứt ra được. Đó chính là cái mà khán giả sẽ không bao giờ tìm thấy ở những bộ phim kinh dị máu me thông thường.

Mai Như Ngọc

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/index.php?catid=34:phia-sau-ong-kinh&id=4962:chinh-tam-ly-ca-cac-nhan-vt&Itemid=27&option=com_content&view=article