Alibaba thu hẹp mảng kinh doanh dịch vụ đám mây, bất chấp các chỉ số tài chính tích cực

Ngày 16/11 vừa qua, Alibaba công bố báo cáo tài chính quý 2/2023, với lĩnh vực kinh doanh đám mây Alibaba Cloud ghi nhận doanh thu tăng trưởng 2% so với cùng kỳ năm ngoái tương đương 27,65 triệu NDT (khoảng 37,9 triệu USD)....

Mặc dù thị trường đầy thách thức, lợi nhuận của Alibaba Cloud đã tăng từ 387 triệu NDT (54,0 triệu USD) trong quý trước lên 1,41 tỷ NDT (196,7 triệu USD), tăng 264%. Bước nhảy vọt chủ yếu đến từ quyết định tối ưu hóa chiến lược của công ty, theo KrASIA. Con số tích cực đến từ đại gia dẫn đầu thị trường chắc chắn là một tín hiệu đáng mừng cho ngành dịch vụ đám mây Trung Quốc.

Tuy nhiên, những thành tựu tài chính đã bị lu mờ bởi tin tức chấn động: nửa năm sau khi bày tỏ ý định niêm yết Alibaba Cloud như một tổ chức độc lập, tập đoàn lại vừa công bố quyết định chấm dứt spin-off Alibaba Cloud. Spin-off là định nghĩa chỉ một pháp nhân độc lập được thành lập bởi tổ chức mẹ nhằm khai thác tài sản trí tuệ.

Vấn đề các nhà đầu tư quan tâm là liệu đây có phải dấu hiệu cho việc chấm dứt IPO hay không. Trong hội nghị báo cáo tài chính, ông Joseph Tsai, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, không đưa ra câu trả lời rõ ràng, chỉ chia sẻ rằng "chúng tôi sẽ tập trung vào việc phát triển mô hình tăng trưởng bền vững dựa trên nhu cầu mới nổi của AI đối với dịch vụ điện toán đám mây quy mô lớn".

Vào tháng 3 năm nay, Alibaba đã công bố chuyển đổi mô hình tổ chức thành "1 + 6 + N", phân loại các doanh nghiệp nội bộ thành một công ty niêm yết, sáu nhóm kinh doanh và một số tổ chức độc lập. Alibaba Cloud đã từng là một phần thuộc nhóm kinh doanh và được coi là doanh nghiệp có tiềm năng nhất để trở thành tổ chức độc lập. Suốt nhiều năm, Alibaba Cloud luôn duy trì tăng trưởng hai con số, đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng chung của tập đoàn.

ĐẰNG SAU QUYẾT ĐỊNH CHẤM DỨT SPIN-OFF

Từ cuối năm 2022, ChatGPT trở nên phổ biến trên toàn thế giới, khiến nhu cầu về điện toán đám mây tăng vọt nhằm hỗ trợ một loạt ứng dụng AI tạo sinh. Kết quả là nhiều nhà cung cấp đám mây đã chứng kiến bùng nổ doanh thu mạnh mẽ. Tuy nhiên, chip hay thiết bị bán dẫn luôn đóng vai trò quan trọng, tạo nên sức mạnh tính toán.

Chủ tịch Tsai đề cập trong hội nghị rằng quyết định chấm dứt spin-off là do "dự cảm không chắc chắn về quy định hạn chế xuất khẩu gần đây của Hoa Kỳ đối với chip điện toán tiên tiến", khiến nhiều doanh nghiệp lao đao và không thể mở rộng quy mô kinh doanh như dự đoán ban đầu.

Trên thực tế, động lực cho việc tách ra và niêm yết Alibaba Cloud được thúc đẩy bởi chiến lược tái cấu trúc tổ chức của tập đoàn. Quyết định niêm yết cổ phiếu Alibaba Cloud vào thời điểm đó được coi là động thái khá mạo hiểm.

Rõ ràng, các công ty mẹ của ba nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu — Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure và Google Cloud — đã không tách rời bộ phận đám mây ra khỏi tổ chức. Alibaba Cloud, doanh nghiệp có quy mô đứng thứ tư trong ngành, vừa ghi nhận có lãi nhưng ngay lập tức phải đối mặt với thách thức đáng kể khi muốn tồn tại độc lập. Một số điều kiện trên thị trường chứng khoán cho thấy hiệu suất sau IPO của Alibaba Cloud dự kiến không mấy tích cực.

Trong nội bộ tập đoàn, động lực cho việc spin-off và niêm yết Alibaba Cloud cũng đã giảm bớt. Ông Daniel Zhang, cựu Chủ tịch và CEO Alibaba, chính là người đứng sau động thái táo bạo tái cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, với việc CEO Zhang từ chức, quá trình cải tổ Alibaba Cloud không biết sẽ “đi đâu về đâu”.

"Vấn đề lớn nhất đối với Alibaba Cloud hiện nay không phải là khả năng kinh doanh hay thị trường bên ngoài, mà là vấn đề tổ chức", một quản lý cấp trung vừa rời công ty cho biết.

Với nhiều yếu tố khác nhau, cả bên trong và bên ngoài, hiện tại không phải là thời điểm tốt nhất để IPO. Alibaba cần chờ đợi thời gian chín muồi.

BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Phương pháp đối phó hiệu quả nhất lúc này là chấp nhận rằng AI tạo sinh sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của doanh nghiệp và các nhà cung cấp đám mây cần nhiều thời gian cũng như nhiều tài nguyên hơn so với hình dung trước đây nếu thực sự muốn hưởng lợi từ làn sóng AI.

Ví dụ, gã khổng lồ công nghệ Microsoft đang gặp khó khăn trong việc duy trì khoản đầu tư lớn vào AI. Kể từ năm 2019, Microsoft đã đầu tư hơn 13 tỷ USD vào OpenAI. Tuy nhiên, dường như quá trình tích hợp hoạt động kinh doanh của hãng với trợ lý AI GitHub Copilot không mang lại lợi nhuận. Theo báo cáo của Wall Street Journal được công bố vào tháng 10 vừa qua, đối với mỗi người dùng sử dụng dịch vụ Copilot, Microsoft phải chịu khoản lỗ hàng tháng ít nhất 20 USD, đôi khi có thể lên tới 80 USD.

Ngay cả Alibaba Cloud, gần đây đã có lãi, vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn tăng trưởng thấp và lợi nhuận thấp. So sánh với đa số đối thủ Hoa Kỳ sở hữu sức mạnh tính toán vượt trội, các nhà cung cấp đám mây Trung Quốc đang đi những bước cẩn thận hơn. Điều quan trọng nhất trong việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh mô hình lớn là đảm bảo nền tảng ổn định.

Chỉ vài ngày trước khi công bố báo cáo tài chính quý này, Alibaba Cloud đã trải qua “thất bại thảm hại”. Vào ngày 12/11, hệ thống toàn cầu của Alibaba Cloud đã sập trong gần ba giờ, ảnh hưởng đến không chỉ khách hàng mà còn tất cả ứng dụng nội bộ bao gồm Taobao, DingTalk, Hema, v.v. Đáng chú ý, chưa đầy một năm trước Alibaba Cloud cũng gặp sự cố đáng chú ý khi nền tảng ngừng hoạt động tại Hồng Kông, gây gián đoạn các dịch vụ trong khu vực suốt hơn 12 giờ.

Đại gia Trung Quốc vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức về sự việc gần đây, nhưng chắc chắn, sự cố hy hữu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn bộ thị trường đám mây nước này.

So với thời đại của sức mạnh tính toán đa năng, thời đại của các mô hình lớn đòi hỏi sức mạnh tính toán chất lượng đặc biệt cao. Mỗi buổi đào tạo một mô hình lớn cần phải bắt đầu với một cụm máy tính lớn. Khi dịch vụ gặp sự cố, toàn bộ tác vụ tính toán sẽ khởi động lại từ đầu, dẫn đến tổn thất có thể tăng theo cấp số nhân. Ước tính của OneFlow, startup về lĩnh vực AI, chi phí đào tạo phiên bản GPT-3 là gần 1,4 triệu USD cho mỗi lần khởi động lại.

Vậy nên, thiết lập cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và đầu tư công nghệ vào ứng dụng hiệu quả sẽ là thách thức đối với toàn bộ ngành công nghiệp đám mây.

TƯƠNG LAI CỦA ALIBABA CLOUD

Trường hợp của Alibaba Cloud, hãng liên tục tăng tỷ lệ doanh thu kiếm được từ dịch vụ đám mây công cộng. Ngược lại, theo báo cáo tài chính quý này, số lượng đơn đặt hàng theo dự án doanh nghiệp đã giảm đáng kể.

Tại Hội nghị Apsara vừa kết thúc, Alibaba Cloud tuyên bố đặt mục tiêu trở thành “đám mây mở rộng nhất” trong kỷ nguyên AI, nhấn mạnh khả năng tích hợp và định vị mình là "động cơ" của kỷ nguyên mới. Điều này phù hợp với sứ mệnh ban đầu của hãng khi thành lập. Từ sức mạnh tính toán cơ bản đến nền tảng AI và dịch vụ mô hình lớn, Alibaba Cloud đang trải qua làn sóng đổi mới sản phẩm và công nghệ toàn diện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trong tương lai của điện toán AI.

Bảo Ngọc

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/alibaba-thu-hep-mang-kinh-doanh-dich-vu-dam-may-bat-chap-cac-chi-so-tai-chinh-tich-cuc.htm