Algeria đình chỉ hiệp ước hữu nghị với Tây Ban Nha

Algeria đã đình chỉ hiệp ước hữu nghị kéo dài 20 năm với Tây Ban Nha, đồng thời cấm nhập khẩu từ Tây Ban Nha.

Truyền thông nhà nước Algeria đưa tin về việc đình chỉ hiệp ước mà không nêu bất kỳ lý do nào, mặc dù hồi tháng 3, Algeria đã triệu tập đại sứ của mình tại Tây Ban Nha để tham vấn vì tranh chấp ở khu vực Tây Sahara.

Các nguồn tin ngoại giao Tây Ban Nha cho biết nước này lấy làm tiếc về quyết định này nhưng vẫn cam kết với nội dung và nguyên tắc của hiệp ước.

Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, hiệp hội ngân hàng của Algeria đã đưa ra một tuyên bố nói với các ngân hàng rằng việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Tây Ban Nha đang ngừng lại do hiệp ước bị đình chỉ.

Hiệp ước năm 2002 kêu gọi cả hai bên "tăng cường hợp tác trong việc kiểm soát dòng người di cư và cuộc chiến chống buôn bán người".

Hôm thứ Tư, 113 người di cư không có giấy tờ đã đến các đảo Balearic của Tây Ban Nha, một tuyến đường mà các nhà chức trách Tây Ban Nha cho biết có xu hướng sử dụng bởi các tàu thuyền đến từ Algeria.

Dòng người di cư đã tăng mạnh trên Địa Trung Hải trong năm nay khi đại dịch và cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Algeria đã tức giận khi Tây Ban Nha vào tháng 3 cho biết họ ủng hộ một kế hoạch của Maroc để trao quyền tự trị cho Tây Sahara. Một cựu quan chức Algeria nói, chính phủ Tây Ban Nha đã quyết định không duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Algeria.

Algeria là nhà cung cấp khí đốt quan trọng cho Tây Ban Nha, nhưng Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune trước đó đã nói rằng ông sẽ không phá vỡ hợp đồng cung cấp.

Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết không có dấu hiệu nào thay đổi và Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết hoạt động cung cấp khí đốt của Algeria vẫn rất nghiêm chỉnh.

Algeria dự kiến sẽ xem xét lại giá bất kỳ hợp đồng khí đốt mới nào với các công ty Tây Ban Nha. Hợp đồng hiện tại là dài hạn với giá cả dưới mức thị trường hiện tại.

Kể từ khi xung đột Tây Sahara bùng phát trở lại vào năm 2020, gần ba thập kỷ sau khi ngừng bắn, quan hệ giữa Algeria và Maroc đã xấu đi rõ rệt.

Mai Anh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/algeria-dinh-chi-hiep-uoc-huu-nghi-voi-tay-ban-nha-post198412.html