Ai vì đội tuyển?

Một ngày trước trận Việt Nam đá giao hữu với CHDCND Triều Tiên trên sân Thống Nhất (TP.HCM), một vài thành viên chủ chốt của Hội CĐV bóng đá Việt Nam (VFS) ra lời kêu gọi hội viên… không đến sân cổ vũ. Thay vào đó là hẹn nhau tại một quán cà phê rồi “tiếp lửa” qua màn hình tivi.

Lời kêu gọi này nhằm phản ứng lại việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phát hành giá vé mà đa số thành viên VFS cho là quá đắt (100-150-200 nghìn đồng/vé, tùy vị trí ngồi).

Đại diện VFS cho rằng, đội tuyển đang rất cần động lực từ cổ động viên nhưng VFF lại đẩy giá vé lên cao, nằm ngoài khả năng của sinh viên, người thu nhập thấp vốn chiếm số đông trong VFS và họ chọn xem qua tivi như một cách đồng cảm với số đối tượng trên. “Những ai có khả năng mua vé có thể tới sân theo dõi trận đấu nhưng VFS sẽ không tổ chức cổ vũ như thường lệ”, đại diện VFS nhấn mạnh

Công bằng mà nói, ban tổ chức trận đấu mà ở đây là VFF có quyền đưa ra mức vé theo ý muốn của mình và VFS cũng có quyền không mua vé vào sân. Chuyện giá vé là vô cùng, bởi với người này có thể là đắt nhưng với người khác lại không vấn đề gì.

Hơn nữa, tình yêu dành cho đội tuyển càng không nên bị đưa ra đong đếm qua giá một chiếc vé vào sân. Mọi chuyện sẽ không bị đẩy đi quá xa nếu VFF đưa ra mức vé hợp lý hơn với một trận giao hữu, hoặc ít nhất là đưa ra một mức vé ưu tiên dành cho các hội viên VFS - những người gắn bó và làm đẹp hình ảnh CĐV Việt Nam suốt nhiều năm qua.

Nút thắt câu chuyện nằm ở chỗ hai bên không chịu ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung và đối tượng chịu thiệt không ai khác chính là ĐT Việt Nam khi phải thi đấu trên sân nhà mà không có được bầu không khí cổ vũ cuồng nhiệt như thường lệ. Dùng đội tuyển làm “công cụ” để bán vé kiếm lời hay “tẩy chay” đội tuyển để trả đũa ban tổ chức vì bán vé đắt, đều đáng trách như nhau.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-thao/ai-vi-doi-tuyen/703733.antd