Ai sẽ trở thành tân Thủ tướng Thái Lan?

Quốc hội Thái Lan hôm nay (13/7) sẽ bắt đầu quá trình bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới, với kết quả được dự kiến là rất khó đoán định và sẽ là một phép thử đối với liên minh cầm quyền tiềm năng gồm 8 chính đảng đang mong muốn sớm thành lập Chính phủ mới.

Quy trình bầu chọn Thủ tướng tại Quốc hội Thái Lan

Quốc hội lưỡng viện Thái Lan gồm 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ sẽ cùng tiến hành phiên bầu chọn Thủ tướng mới vào sáng 13/7. Mỗi chính đảng với tối thiểu 25 hạ nghị sĩ có thể đề cử một ứng cử viên Thủ tướng với sự tán thành của ít nhất 50 hạ nghị sĩ tại Quốc hội.

Hạ viện Thái Lan nhóm họp phiên đầu tiên hôm 4/7/2023 để bầu Ban lãnh đạo mới. Ảnh: Bangkok Post

Cuộc bỏ phiếu được tiến hành công khai và mỗi thành viên trong tổng số 750 nghị sĩ sẽ được xướng tên để lần lượt đứng lên thông báo về lựa chọn của mình. Theo Hiến pháp Thái Lan, một ứng cử viên Thủ tướng đắc cử sẽ phải nhận được ít nhất 376 phiếu bầu trong tổng số 750 nghị sỹ của lưỡng viện Quốc hội.

Nếu không ứng viên nào giành được đủ 376 phiếu bầu cần thiết, Quốc hội sẽ tiếp tục lên lịch để tiến hành bỏ phiếu lại. Các chính đảng có thể tiếp tục giữ nguyên danh sách các ứng cử viên cũ hoặc đề cử các ứng viên mới. Quá trình bầu chọn Thủ tướng không có giới hạn về thời gian và sẽ lặp lại cho tới khi một ứng cử viên giành đủ 376 phiếu bầu cần thiết.

Ai sẽ trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan? Ảnh: Reuters

Các ứng viên tiềm năng cho vị trí Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan

Căn cứ kết quả cuộc Tổng tuyển cử 14/5 vừa qua, các ứng cử viên Thủ tướng của 6 chính đảng giành ít nhất 25 ghế hạ nghị sỹ có thể được chính thức đề cử để Quốc hội tiến hành bầu chọn gồm: Chủ tịch Đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat, 3 ứng cử viên Thủ tướng của Đảng Vì nước Thái (bà Paetongtarn Shinawatra, ông Srettha Thavisin và ông Chaikasem Nitsiri), Chủ tịch Đảng Tự hào Thái Anutin Charnvirakul, Chủ tịch Đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân Prawit Woongsuwan, 2 ứng cử viên của Đảng Quốc gia Thái thống nhất (Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và ông Pirapan Salirathavibhaga) và cựu Chủ tịch Đảng Dân chủ Jurin Laksanawisit.

Ông Prayuth Chan-o-cha hôm 11/7 đã tuyên bố rút lui khỏi chính trường nhưng vẫn đủ điều kiện tiếp tục đảm nhiệm vị trí Thủ tướng. Hiến pháp Thái Lan cho phép việc bổ nhiệm một “Thủ tướng từ bên ngoài” với điều kiện nhân vật này có được sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ tại Quốc hội, tương đương 500 nghị sĩ.

Ngay trước thềm diễn ra phiên bỏ phiếu bầu Thủ tướng, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) hôm 12/7 đã chính thức chuyển lên Tòa án Hiến pháp vụ việc liên quan tới khiếu nại ông Pita Limjareonrat có sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông. Ảnh: The Nation

Thủ lĩnh Đảng Tiến bước Pita Limjareonrat có giành đủ số phiếu cần thiết?

Liên minh 8 đảng do Đảng Tiến bước (MFP) lãnh đạo hiện kiểm soát 312 ghế Hạ viện. Tuy nhiên, do lãnh đạo đảng Prachachart là ông Wan Noor đã trở thành Chủ tịch Hạ viện và phải giữ vai trò trung lập, liên minh này hiện chỉ còn 311 phiếu bầu và sẽ cần giành được thêm ít nhất 65 phiếu bầu từ hạ nghị sỹ của các chính đảng khác hoặc từ 250 thượng nghị sỹ để đảm bảo thủ lĩnh Đảng Tiến bước Pita trở thành Thủ tướng.

Trên thực tế, việc có được 65 phiếu bầu không phải là điều dễ dàng bởi số hạ nghị sỹ và thượng nghị sỹ này được đánh giá đều có quan điểm bảo thủ, phản đối đường lối tự do của Đảng Tiến bước, đặc biệt là những đề xuất cải cách đối với quân đội và yêu cầu xóa bỏ Điều 112 của Bộ Luật Hình sự, còn được biết đến là điều luật chống khi quân.

Ngay trước thềm diễn ra phiên bỏ phiếu bầu Thủ tướng, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) hôm 12/7 đã chính thức chuyển lên Tòa án Hiến pháp vụ việc liên quan tới khiếu nại ông Pita Limjareonrat có sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông. EC cũng đồng thời yêu cầu đình chỉ vai trò ứng viên Thủ tướng của ông này trong quá trình chờ xét xử vụ việc. Chỉ vài giờ sau đó, Tòa án Hiến pháp cũng đồng ý tiếp nhận thêm đơn khiếu nại đối với ông Pita và Đảng Tiến bước (MFP) liên quan chính sách của đảng này đối với điều luật chống khi quân.

Trong khi đó, Đảng Dân chủ cũng xác nhận 25 hạ nghị sĩ của Đảng sẽ không ủng hộ ông Pita do quan điểm đòi xóa bỏ điều luật chống khi quân của Đảng Tiến bước (MFP).

Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Pita thất bại?

Trong trường hợp ông Pita không thể có đủ số phiếu cần thiết để trở thành Thủ tướng ngay cả khi đã tiến hành bỏ phiếu lại, liên minh cầm quyền tiềm năng gồm 8 đảng sẽ chọn ra một ứng viên Thủ tướng mới. Đảng Vì nước Thái, đảng giành vị trí thứ 2 trong cuộc Tổng tuyển cử 14/5 với 141 ghế nghị sĩ, có thể nắm bắt cơ hội này để đề cử một trong những ứng cử viên của mình cho vị trí Thủ tướng.

Trong một kịch bản khác, Đảng Vì nước Thái có thể sẽ ủng hộ một ứng cử viên Thủ tướng từ bên ngoài liên minh để đổi lấy quyền kiểm soát các Bộ chủ chốt trong Chính phủ. Lúc này, Phó Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prawit Wongsuwan sẽ có nhiều khả năng nhất trở thành tân Thủ tướng. Ông Prawit được cho là người có quan hệ và ảnh hưởng sâu rộng trong cả Hạ viện và Thượng viện và có đủ sức lôi kéo sự ủng hộ cần thiết.

Dù là kịch bản nào, tình hình an ninh trật tự tại Thái Lan đang tiềm ẩn nguy cơ gia tăng căng thẳng với nhiều cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra trong tiến trình Quốc hội bầu chọn Thủ tướng.

Kể từ đêm 12/7, lực lượng chức năng đã dựng các hàng rào để chặn các tuyến đường dẫn vào Tòa nhà Quốc hội. Tất cả người và phương tiện giao thông không có giấy phép đặc biệt đều bị cấm đi lại xung quanh khu vực này. Theo Cảnh sát quận Dusit, Thủ đô Bangkok, việc phong tỏa khu vực này có thể kéo dài trong nhiều ngày nếu xảy ra các cuộc biểu tình, dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự.

PV/VOV-Bangkok

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ai-se-tro-thanh-tan-thu-tuong-thai-lan-post1032276.vov