Ai sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần?

Nhiều ý kiến lựa chọn phương án 1 về hướng giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần cho người lao động. Tuy vậy, một số ý kiến lại cho rằng để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút của người lao động.

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới nhất, việc giải quyết hưởng BHXH một lần cho người lao động vẫn đề xuất 2 phương án.

Nghiêng về phương án 1

Phương án 1: Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Việc giải quyết hưởng BHXH một lần cho người lao động vẫn đề xuất 2 phương án.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của BHXH.

Tại buổi tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới đây, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay trong quá trình chỉnh lý, góp ý dự thảo Luật, đa số ý kiến cho rằng phương án 1 có ưu điểm.

Cụ thể, phương án này cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội (không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 18 triệu người đang tham gia BHXH); Hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BHXH; Hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần thời gian qua (giai đoạn 2016 - 2022 đã có gần 25% số lượt người rút BHXH một lần đã rút từ 2 lần trở lên).

Về lâu dài, nếu thực hiện phương án 1 sẽ góp phần tăng số người được thụ hưởng các chế độ của BHXH, giảm gánh nặng cho xã hội và ngân sách nhà nước khi phải cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội.

Điểm hạn chế của phương án 1 là có thể có sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực. Tuy nhiên, dự thảo Luật được xây dựng theo hướng cải cách nhằm thể chế hóa toàn diện quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW nên sẽ không thể tránh khỏi việc có sự khác nhau giữa các nhóm đối tượng trước cải cách và nhóm đối tượng sau cải cách.

Vẫn còn băn khoăn

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành, nghiên cứu sâu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, qua đó thấy rõ mỗi phương án đều có ưu điểm, khuyết điểm đặc thù. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn, phù hợp hơn với tình hình hiện tại.

Khi rút BHXH một lần, người lao động "mất nhiều hơn được".

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, so với quy định hiện hành, phương án 1 có sự khác biệt. Đó là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng (từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi). Trong thời gian hưởng trợ cấp, người lao động còn được ngân sách Nhà nước đóng BHYT và nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...

Tuy vậy, trên thực tế, lựa chọn phương án rút BHXH một lần vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua lấy ý kiến người lao động, chuyên gia, công đoàn các cấp đều đề nghị nghiên cứu quy định theo phương án 2. Mục đích là để đảm bảo quyền lợi về lâu dài cho người lao động, giữ họ ở lại lưới an sinh xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để người lao động tiếp tục tham gia BHXH, và quan trọng hơn là bảo đảm cho họ có chế độ hưu trí khi về già.

Ngoài các tác dụng trên, đại diện công đoàn cho rằng phương án 2 còn đưa ra một gợi ý về thiết kế hệ thống BHXH linh hoạt trong tương lai.

“Thực tế, nhiều người lao động không muốn tham gia BHXH do thời gian đóng quá dài, không được rút ra để có thêm một khoản thu nhập nào cho nhu cầu cá nhân, hộ gia đình. Vì vậy, trong tương lai, thiết kế BHXH nên cho phép người lao động có thể rút ra một phần thu nhập đã đóng góp để bảo đảm một số nhu cầu cá nhân…”, Tổng Liên đoàn Lao động nêu.

Bà Ngô Thị Liên, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, phân tích số liệu thống kê của BHXH chỉ ra rằng lao động nữ rút BHXH lần luôn cao hơn lao động nam.

Điều này có thể lý giải dưới góc độ giới. Phụ nữ phải thực hiện thiên chức mang thai, sinh con; cùng với đó, phần lớn phụ nữ đảm nhiệm việc chăm sóc gia đình, trẻ em, người già, người bệnh những công việc không trả công... Thực tế này buộc không ít phụ nữ phải lựa chọn rút khỏi hệ thống bảo hiểm.

Thêm vào đó, người lao động thuộc khu vực phi chính thức nói chung và lao động nữ nói riêng phần lớn có thu nhập thấp, bấp bênh, việc làm không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhu cầu rút BHXH một lần để trang trải các chi phí sinh hoạt, chăm sóc y tế cho gia đình, khi mang thai và sinh con luôn hiện hữu.

Chính vì thế, bà Liên khẳng định phương án 1 không phù hợp, dễ gây ra phản ứng tiêu cực từ xã hội, còn phương án 2 “khả thi hơn, mềm dẻo, linh hoạt hơn và hạn chế được những phản ứng tiêu cực từ xã hội”.

Tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ người lao động

Theo BHXH Việt Nam, thực tế khi rút BHXH một lần, người lao động "mất nhiều hơn được". Khi rút một cục, họ sẽ có một khoản tiền để chi tiêu giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng khoản tiền này sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Về lâu dài, người rút BHXH một lần sẽ bị hạn chế rất nhiều quyền lợi. Đó là không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng. Họ cũng đồng thời mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

Từ thực tế trên, từ góc độ tổ chức đại diện cho đoàn viên, người lao động, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội kiến nghị: Công đoàn các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, người lao động cố gắng an tâm làm việc, ổn định lâu dài để đảm bảo thu nhập. Vì chính sách BHXH không chỉ dành riêng cho vấn đề rút BHXH một lần hoặc là chế độ hưu trí mà còn nhiều chính sách khác nữa, như: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, hình thành hệ thống BHXH đa tầng; bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện;...

Đối với cơ quan BHXH, cần xem xét dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút của người lao động.

“Chúng tôi mong muốn những chính sách BHXH cần hết sức thận trọng có tính đến yếu tố dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để công nhân lao động yên tâm gắn bó, góp phần ổn định tại đơn vị, thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo đảm an ninh trật tự trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, bà Liên kiến nghị.

Dự kiến, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.

Minh Hằng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/ai-se-duoc-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-1099594.html