Ai quan tâm phát thanh viên là người miền nào

Theo quan điểm của nhiều nhà ngôn ngữ học, phát thanh viên VTV cần phải phát âm gần với chính âm (âm chuẩn) nhất. Không cần quan tâm PTV ấy đến từ vùng thổ âm, phương ngữ nào trên đất nước ta.

LTS: Vấn đề có nên đa dạng hóa giọng nói tiếng Việt trên Đài truyền hình Quốc gia đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi nhiều chiều. Tuần Việt Nam xin kết thúc tuyến bài với quan điểm của Thạc sĩ, nhà ngôn ngữ học Đỗ Thành Dương.

Trong mấy ngày qua, các phương tiện truyền thông đưa các ý kiến nhiều chiều về việc VTV đưa một số phát thanh viên, biên tập viên mới (gọi chung là PTV) nói giọng Huế, Đà Nẵng... lên truyền hình thời gian gần đây.

Tựu trung có hai luồng dư luận trái chiều là thích thú, đồng ý và phản đối, không đồng ý.

Thực ra, nếu việc lựa chọn PTV đặt ra cho các đài địa phương, thì sự lựa chọn số một sẽ là lựa chọn PTV nói giọng thổ ngữ - thổ âm của địa phương. Ví dụ đài TH Huế thì sẽ chọn PTV nói giọng Huế. Tương tự, ở các chương trình địa phương được phát hình trên VTV lâu nay, khán thính giả đã tiếp xúc với khá nhiều PTV đến từ các vùng thổ âm, phương ngữ với chất giọng đặc trưng của mình.

 Một chương trình phát sóng của Đài truyền hình quốc gia có người phiên dịch ngôn ngữ cho người khiếm thính. Ảnh VTV

Một chương trình phát sóng của Đài truyền hình quốc gia có người phiên dịch ngôn ngữ cho người khiếm thính. Ảnh VTV

Thế nhưng với VTV, theo quan điểm của nhiều nhà ngôn ngữ học, các PTV cần phải phát âm gần với chính âm (âm chuẩn) nhất. Không cần quan tâm PTV ấy đến từ vùng thổ âm, phương ngữ nào trên đất nước ta. Chỉ cần yêu cầu họ phải cố gắng khắc phục những điểm lệch chuẩn trong thổ âm của mình so với âm chuẩn.

Vậy hệ thống âm chuẩn của nước ta là như thế nào?

Nhiều nước trên thế giới, hệ thống âm chuẩn thường dựa vào hệ thống ngữ âm của thủ đô theo yếu tố chính trị: tiếng Anh ở Luân Đôn, tiếng Nga ở Moskva, tiếng Pháp ở Paris, tiếng Nhật ở Tokyo... Cũng có nước như nước Ý không xác lập âm chuẩn theo quy tắc này mà dựa trên yếu tố văn hóa. Nhìn chung, không có một quốc gia nào có sẵn hệ thống âm chuẩn, mà âm chuẩn của các nước đều hình thành từ một thổ ngữ, phương ngữ nào đó ít sai lệch nhất, rồi được điều chỉnh, bổ khuyết bằng ưu điểm của các vùng phương ngữ khác sao cho phù hợp với chính tả của nước đó. Như vậy, chính âm "là khái niệm dùng để chỉ một mặt của vấn đề chuẩn hóa ngôn ngữ trên phương diện ngữ âm", được lựa chọn và xây dựng dựa trên chính tả là xu hướng chung của nhiều nước. [*, 52-53].

Với ngôn ngữ nước ta, một loại hình ngôn ngữ đơn lập - phân tích tính có hệ chữ viết ghi âm, qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, đã cơ bản được ổn định về mặt chính tả, thì việc xác lập chính âm trên cơ sở chính tả là việc đương nhiên và không khó thực hiện.

Ngôn ngữ nước ta hiện nay, theo quy ước của các nhà ngôn ngữ học được phân chia thành 03 vùng phương ngữ là phương ngữ Bắc Bộ (từ Thanh Hóa trở ra), phương ngữ Trung Bộ (từ Nghệ An đến Huế) và phương ngữ Nam Bộ (từ Đà Nẵng trở vào). Cách phân chia vùng phương ngữ này "là dựa vào nét tương đồng và khác biệt về ngữ âm..., chứ không trùng với cách phân chia theo vùng địa lý miền Bắc, miền Trung, miền Nam." Trong phương ngữ người ta lại chia thành các thổ ngữ (thổ âm) như thổ ngữ Hà Nội, thổ ngữ Hải Phòng, thổ ngữ Vinh, thổ ngữ Huế, thổ ngữ Đà Nẵng, thổ ngữ Quảng Nam, thổ ngữ Bình Định, thổ ngữ Sài Gòn v.v... [*, 53].

Xét về mặt chính tả, tất cả các thổ âm trên đất nước ta, không có một thổ âm nào là thể hiện hoàn toàn đúng với chính âm, mà thổ âm nào cũng có ít nhiều sai lệch so với chính âm. Trong đó thổ ngữ Hà Nội có độ sai lệch so với chính âm ít nhất: các âm vị đoạn tính bị sai lệch chủ yếu là ở 3 phụ âm đầu quặt lưỡi r, s, tr và các vần ươu, ưu... Còn đối với âm vị siêu đoạn tính (6 thanh điệu) thì phương ngữ Bắc, tiêu biểu là thổ ngữ Hà Nội phát âm phân biệt rõ rệt, chính xác bậc nhất trong cả 3 vùng phương ngữ.

Trong lúc đó, thổ ngữ Huế (phương ngữ Trung Bộ) không những sai lệch khá nhiều về mặt âm vị đoạn tính (đặc biệt là phần âm cuối c/t, n/ng...) mà còn sai lệch về âm vị siêu đoạn tính (đồng nhất các thanh điệu huyền/ sắc/ nặng - điều này thổ ngữ Hà Nội không bao giờ sai lệch).

Tương tự, thổ ngữ Sài Gòn (phương ngữ Nam Bộ) cũng có nhiều sai lệch về mặt âm vị đoạn tính (đặc biệt là phần âm đầu v/d, r/g...) đồng thời còn sai lệch về âm vị siêu đoạn tính (đồng nhất các thanh điệu hỏi/ ngã - điều này thổ ngữ Hà Nội cũng không hề sai lệch).

Như vậy, xét trên góc độ ngữ âm, phương ngữ Bắc Bộ (tiêu biểu là thổ ngữ Hà Nội) là tồn tại ít sai lệch nhất trong mặt phát âm so với hai vùng phương ngữ còn lại.

Nói cách khác, các PTV người gốc Hà Nội phát âm gần với âm chuẩn của nước ta (**) nhất so với PTV người các địa phương khác.

Vậy nên theo nhiều nhà Việt ngữ học ngầm thống nhất: Lấy âm Hà Nội làm chính âm, có điều chỉnh một số sai lệch so với âm chuẩn dựa trên chính tả.

Những ý kiến tán đồng việc xác lập chính âm tiếng Việt dựa trên thổ âm Hà Nội từ trước đến nay có thể kể đến các nhà nghiên cứu: Nguyễn Lân - 1956, Hồng Giao - 1957, Hoàng Phê - 1961, Cù Đình Tú - 1972, Vương Hữu Lễ - 1974... Tiêu biểu là ý kiến của Nguyễn Kim Thản và Nguyễn Văn Tu (1982): "Chuẩn mực ngữ âm của tiếng Việt văn học ngày nay nên lấy hệ thống ngữ âm của phương ngữ Bắc mà tiêu biểu là tiếng Hà Nội làm căn cứ, đồng thời công nhận cách phát âm cong lưỡi, một số tố tổ hợp phụ âm và một số vần cái như đã biểu hiện trên chính tả."[*, 54]

Đến đây có thể thấy, việc chọn PTV trên VTV từ vùng miền nào không còn là điều quan trọng, mà quan trọng và cần thiết bậc nhất là các PTV của VTV phải có ý thức tự rèn luyện, điều chỉnh cách phát âm của mình sao cho ngày càng gần với chính âm. Để khán thính giả dễ nghe, dễ tiếp nhận.

Đây là việc hoàn toàn bình thường, không khó khăn gì, việc mà các thầy cô giáo dạy tiểu học trên đất nước ta đã và đang thực hiện trong môn dạy tập đánh vần và sửa lỗi phát âm cho học sinh tiểu học.

Đỗ Thành Dương

*Tác giả là Thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữhọc, hiện là Trưởng bộ môn Ngữ Văn, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trungương Nha Trang, Khánh Hòa.

______________________

[*] TS. Võ Xuân Hào, 2009, Dạy học chính tả cho học sinh tiểu học theo vùng phương ngữ, NXB Giáo Dục, Hà Nội.

[**] Theo hai nhà Việt ngữ học GS. Nguyễn Kim Thản và GS. Nguyễn Văn Tu, thổ ngữ xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng (thuộc phương ngữ Bắc Bộ) có thể xem là âm chuẩn của ngữ âm hiện đại nước ta. [*, tr.55]

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/194302/ai-quan-tam-phat-thanh-vien-la-nguoi-mien-nao.html