Ai ơi chớ lấy chồng xa...

Mỗi năm, cứ 28, 29 tháng Chạp (28 là những năm thiếu, 29 là những năm đủ), nhà tôi lại có một chuyến về tết nhà ngoại. Đều đặn như vậy cũng đã được hơn hai chục năm nay. Mẹ tôi lấy chồng xa, mỗi năm chỉ có một dịp này thì mẹ mới được về quê với ngoại. Trong năm cũng chỉ hy hữu mới có dịp về quê, hầu hết là một năm chỉ có một dịp.

Nhớ tết xưa, cứ mỗi lần về là cả nhà phải lục cục dậy từ sớm để ra bến đón xe. Nhà ngoại ở Hà Tây cũ (nay là ngoại thành Hà Nội), nhà tôi ở Hải Dương. Thuở ấy xe cộ ít, giao thông không thuận tiện như bây giờ. Từ nhà tôi ra đến điểm đón xe phải thêm 5-6km nữa. Sau đó còn phải căn giờ để đến bến xe, bắt được xe về nhà. Nếu nhỡ xe, lại phải bắt xe khác xuống dọc đường.

Mỗi lần muốn đi phải làm phiền bác nhà hàng xóm chở ra bến xe. Cả người, cả đồ đạc các thứ cũng phải hai, ba xe mới hết. Nếu may bắt được xe nhà thì đỡ một công người đón, còn không may thì xuống tới gần nhà ngoại, lại phải nhờ người ra đón.

Mỗi lần về ngoại là mẹ tôi chuẩn bị rất nhiều đồ - về ngoại mà, cả năm mới có một lần nên phải thật chỉn chu.

Mẹ tôi say xe lắm, cứ lên xe ngồi được một chút là say lên say xuống, tối sầm mặt mũi. Mỗi lần đi về ngoại giống như một lần “rèn luyện” sức chịu đựng của mẹ. Từ say xe, lại thiếu ngủ, có khi ốm dở từ mấy hôm trước nhưng chưa năm nào mẹ tôi bỏ. Có năm mẹ ốm lắm, bố với tôi bảo để đi thay nhưng mẹ tôi vẫn nhất định không chịu, phải cố gắng đi cho bằng được. Mỗi lần về, mẹ tôi luôn cố gắng tươi tỉnh nhất để gặp ông bà và mọi người bên ngoại. Nhìn thấy nhà, nhìn thấy ông bà vẫn mạnh khỏe ra đón là dường như mọi sự mệt nhọc ấy tan biến hết.

Mẹ về nhà ngoại lòng hân hoan hớn hở. Ôm lấy ông, lấy bà ngoại mà thương...

Về nhà rồi, mẹ sà vào lòng bà thủ thỉ chuyện to chuyện nhỏ mà qua màn hình điện thoại chẳng thể nào kể hết được. Hồi sau lại chạy đến bên ông hỏi han chuyện sức khỏe, nắm lấy bàn tay gầy mà xoa xoa, nắn bóp. Xoa lên khuôn mặt gầy đã nhiều nét già hơn xưa. Khuôn mặt mẹ lúc nào cũng ánh lên những niềm vui pha lẫn cả những sự xúc động, trực trào ra qua đôi khóe mắt nhưng không bao giờ nhỏ lệ trước mặt ông bà.

Mẹ về ngoại được cưng chiều lắm, thường thì sẽ không phải làm gì vì có các em các cháu đỡ tay. Nhưng tính mẹ là thế, không thích ngồi yên, lại xắn tay lên làm cơm làm cỗ. Nếu không thì mẹ tôi lại tranh thủ thời gian ấy, cùng bố tôi đi chơi tết nhà các chú xung quanh.

Cả năm cả tháng mới về một lần với ngoại, lúc nào mẹ tôi cũng trông rất “vội”. Bữa cơm của sự đoàn viên lúc nào cũng thật ấm áp. Mẹ tôi cứ cười vui vẻ suốt thôi. Nhìn ông bà cứ mỗi ngày một già hơn xưa, mẹ lại ở xa chẳng thể nào chăm sóc được; biết có đôi khi mẹ chạnh lòng, nhưng chẳng nói ra. Lại cứ vui cười không ngớt nhưng chẳng ai hay sẽ khóc lúc trở về.

...

Có những thứ sẽ thay đổi dần theo thời gian, nhưng mẹ tôi mỗi lần về với ngoại vẫn thế. Bây giờ thì giao thông đã thuận tiện hơn nhiều, mỗi lần muốn về chỉ cần đặt xe tới tận cửa đón. Đồ đạc thì mẹ vẫn chuẩn bị vài ngày mới đủ, không lại sợ thiếu cái này, thiếu cái kia. Mẹ tôi vẫn say xe, mỗi năm lại thấy nặng hơn một chút, sức khỏe mỗi năm lại giảm đi một chút.

Lần nào từ ngoại về là mẹ đều ốm, cảm và sốt. Phương tiện đi lại thuận tiện hơn thì chuyến về ngoại của mẹ lại trở nên “vội” hơn trước. Mẹ về quê, lần nào cũng vậy, bữa cơm ăn chưa kịp xuôi đã lại phải chuẩn bị lên đường để về.

Ngoại vẫn hay trêu mẹ đúng số khổ, vất vả đi lại đến miếng ăn thôi còn phải vội vàng. Đi chơi tý thôi mà cũng không yên chuyện nhà! Mẹ cũng chỉ dám cười thôi, cười trừ rồi lại nhanh nhanh chóng chóng sắp đồ ra về... Cửa xe đóng lại, chậm chậm rời đi dần dần xa khỏi tầm mắt của ông bà ngoại và mọi người. Tết với mẹ như vậy là trọn vẹn, trở về nhà, thấy ông bà ngoại vẫn còn khỏe và vui vầy với con với cháu. Lòng mẹ cũng vui lây. Còn ánh mắt mẹ nhìn ông bà chất chứa nhiều nỗi lòng khó tả...

“Ai ơi chớ lấy chồng xa

Ngày dưng, lễ, tết, mẹ cha chẳng gần

...

Làm dâu thì về xứ Người

Xứ ta mẹ nhớ, cha thì đợi mong.

Lấy chồng xa, ơi lấy chồng xa. Mẹ đau, cha ốm chẳng thể gần bên. Quanh năm xa xứ, xa nhà. Khóc ròng ai biết, nhớ nhà ai hay?”

CHÂN ĐẤT

Hải Dương

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ai-oi-cho-lay-chong-xa-post728568.html