AI đối thủ hay trợ thủ của nhà báo điều tra

Phóng viên viết bài điều tra bị đối tượng điều tra từ chối cung cấp thông tin, bị tấn công bằng vũ lực, bị dùng tiền mua chuộc, hoặc cài bẫy… là hiện tượng đã và đang xảy ra. Gần đây, sự trỗi dậy của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với việc viết ra một bài báo chỉ trong vòng 5 phút. Nhiều ý kiến cho rằng, robot sẽ thay con người làm báo. Vậy AI có thể 'tiến hóa' nhằm thay thế nhà báo điều tra để làm nên những tác phẩm báo chí điều tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

Một bức ảnh phóng viên robot tác nghiệp đường phố do AI sáng tác.

Một bức ảnh phóng viên robot tác nghiệp đường phố do AI sáng tác.

Thách thức từ AI

Sự xuất hiện của AI hay ChatGPT đã cho thấy một thách thức với việc tác nghiệp báo chí truyền thống, với các dạng bài trần thuật, tường thuật, phản ánh đơn thuần. Ví dụ, tại một sự kiện mà báo nào cũng đưa tin như nhau thì việc này không tạo ra giá trị khác biệt và AI hoàn toàn có thể thay thế.

Nhưng liệu AI có thể thay thế các nhà báo điều tra? Trước tiên chúng ta cùng thống nhất rằng, thể loại báo chí điều tra luôn nằm ở top đầu những thể loại báo chí khó nhất đòi hỏi phóng viên, nhà báo không chỉ phải có kinh nghiệm, nghiệp vụ mà còn cả bản lĩnh để đi tới cùng sự thật và đưa sự thật ra công chúng.

Dù công nghệ đã và đang ngày càng phát triển, robot đã thay thế con người ở nhiều khâu, công đoạn. Nhưng AI chưa thể thay thế nhà báo. Đặc biệt, trong thể loại báo chí điều tra, phát hiện sai phạm, tiêu cực.

Người làm báo phải có sự trải nghiệm, thâm nhập thực tế, tiếp cận thông tin sau đó tổng hợp, phân tích và bình luận bằng chính sự hiểu biết, trải nghiệm của mình. Những điều đó AI không làm được. AI đơn giản chỉ là một kho dữ liệu, cho dù có khổng lồ đến đâu chăng nữa cũng chỉ làm theo một logic định sẵn, không có cảm xúc và không thể tác động nhân văn lên cảm xúc con người.

Trả lời cho câu hỏi: Nhờ công nghệ AI chỉ sau vài phút người sử dụng công nghệ đã có những tác phẩm báo chí đa phương tiện, chất lượng. Có người nhận định robot sẽ làm báo... PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam cho hay, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp.

AI trong vai trò trợ lý cho nhà báo?

Trong thể loại báo chí điều tra, những sai phạm liên quan đến hồ sơ như án oan, hồ sơ sai phạm trong xây dựng, tham nhũng… để xử lý những đề tài này, cần khả năng phân tích hồ sơ, thẩm định chứng cứ và tác nghiệp thực tế để làm sống lại bộ hồ sơ khô cứng đó. Ở khâu này, AI có thể là trợ lý ảo đắc lực cho nhà báo trong tìm kiếm, xác định thông tin, phát hiện đề tài, thu thập xử lý thông tin để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin...

Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhận định, chuyển đổi số đã và đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Sử dụng ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông sẽ thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí phù hợp. “Con đường mà báo chí phải đi là đồng hành cùng công nghệ” - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh, có nhiều cách khác nhau để áp dụng AI trong hoạt động nghiệp vụ báo chí như: Tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu, trả lời theo yêu cầu và chủ đề của người dùng hoặc sáng tạo các nội dung, các tác phẩm theo góc nhìn mới, đặt tiêu đề cho các bài báo, dịch thuật đa ngôn ngữ. Các ứng dụng này giúp nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp.

PGS. TS Thu Hằng cho rằng, robot không thay được nhà báo nhưng hỗ trợ nhà báo rất tốt. Các phần mềm trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chúng ra rất nhiều trong quá trình điều tra. Ví dụ, nếu chúng ta sử dụng bộ công cụ liên quan dữ liệu, chúng ta sẽ tiết kiệm thời gian lớn. Chúng ta không nên cực đoan, cần tìm ra bộ công cụ và làm chủ công cụ đó. Nói cách khác, nghiệp vụ báo chí điều tra nên kết hợp với những giải pháp nghiệp vụ của báo chí hiện đại. Nếu một tác phẩm báo chí được tích hợp giải pháp báo chí số thì sức lan tỏa, hấp dẫn, khả năng độ tin cậy, tăng cường hiệu quả của báo chí điều tra rất cao.

AI không thể nhập vai và không có trái tim

Trên thực tế, khi nhà báo nói chung và các nhà báo điều tra nói riêng đang đi tìm sự thật thì AI đã bị phát hiện còn nhiều hạn chế, thậm chí AI đang cung cấp nhiều thông tin, câu trả lời có phần ngớ ngẩn và sai lệch.

Ví dụ vào tháng 4/2023, giáo sư ngành luật Jonathan Turley (Hoa Kỳ) bị ChatGPT liệt kê trong danh sách học giả từng quấy rối người khác, dù ông vô tội. Theo AI, giáo sư Turley có ý định đụng chạm một sinh viên trong chuyến đi tới bang Alaska, dẫn bằng chứng là bài viết trên Washington Post vào tháng 3/2018. Vấn đề là, trên thực tế không có bài viết nào như vậy được đăng tải trên Washington Post, cũng không có chuyến đi nào tới Alaska và giáo sư Turley chưa bao giờ bị cáo buộc quấy rối sinh viên.

"AI trả lời đầy tự tin, khiến mọi người khó phân biệt giữa thực tế và thông tin sai lệch" - bà Kate Crawford, nhà nghiên cứu cấp cao tại Microsoft Research cho hay. Vì thế các công ty AI như Google, OpenAI, Microsoft cũng đang ngăn AI tự bịa nội dung.

Dù công nghệ đã và đang ngày càng phát triển, robot đã thay thế con người ở nhiều khâu, công đoạn, nhưng AI chưa thể thay thế nhà báo. Đặc biệt, trong thể loại báo chí điều tra, phát hiện sai phạm, tiêu cực, có những thông tin nhà báo có thể quan sát, có thể tiếp cận bằng mắt thấy tai nghe trực tiếp. Nhưng cũng có những vụ việc, hồ sơ, thông tin… nếu nhà báo đã sử dụng mọi cách mà không thu thập được các bằng chứng tiêu cực, thì họ cần có khả năng nhập vai để tiếp cận sự thật.

Biện pháp điều tra nhập vai của phóng viên là một cách làm mạo hiểm, luôn có tính hai mặt: nếu thành công sẽ đưa nhà báo lên đỉnh vinh quang, nếu thất bại sẽ vùi sự nghiệp nhà báo xuống vực sâu, mà ranh giới phân chia chúng không rõ ràng, cả về khía cạnh pháp lý và đạo đức. Nhập vai điều tra không chỉ là những phép tính của AI, nó đòi hỏi nhà báo phải có một sự linh hoạt, sâu xa hơn cả một sự linh cảm nghề nghiệp và bản lĩnh trước những khó khăn thử thách.

Làm báo điều tra là một công việc đầy hiểm nguy đối với các nhà báo khi phải đi nhiều nơi để xâm nhập thực tế, đến những điểm nóng để thu thập thông tin, tư liệu, tiếp cận sự kiện, nhân vật… Thông tin mà phóng viên điều tra có được, thường sẽ có người sẵn sàng trả giá để “mua”, để bài không lên trang hoặc tìm mọi cách để gỡ bài đã đăng. Vì vậy, việc nhà báo cần phải giữ vững lập trường, đạo đức báo chí trước sự đe dọa, dụ dỗ là một bản lĩnh mà AI không thể có.

Một tâm thế sáng, một bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, không khuất phục trước quyền lực, không bị cám dỗ bởi tiền tài, vật chất, luôn tỉnh táo, thận trọng khi tác nghiệp là những yếu tố không thể thiếu đối với người làm báo dấn thân đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nhận định, robot hay bất cứ công cụ hiện đại hơn không thể thay thế với nhà báo. Bởi robot không có trái tim, lý tưởng, mục tiêu, giá trị đạo đức, trách nhiệm xã hội. Chỉ người có trái tim sẵn sàng hi sinh, cống hiến cho xã hội, có bản lĩnh để thắng chính mình mới có thể đưa ra ánh sáng những sự thật bị che giấu.

NGUYỄN CÔNG KHANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ai-doi-thu-hay-tro-thu-cua-nha-bao-dieu-tra-5721464.html